Vượt qua ác mộng khi sống gần biên giới quân sự với Triều Tiên

Thứ Sáu, 28/07/2017 02:26

|

(CAO) Đó là nội dung bài viết của phóng viên hãng thông tấn Reuters về cuộc sống của người dân Hàn Quốc ở vùng biên giới giáp với Triều Tiên giữa lúc căng thẳng hai miền đang tăng cao trong những ngày qua.

Chỉ khoảng nửa tiếng lái xe về phía bắc thủ đô Seoul đô hội, trên đoạn đường cao tốc, khu biên giới quân sự được canh phòng cẩn mật nhất Thế giới đã hiện lên.

Thành phố Paju, cửa ngỏ để vào làng đình chiến Bàn Môn Điếm là địa điểm chứng kiến sự chia cắt này rõ nhất. Paju là nơi duy nhất ở Hàn Quốc có “nghĩa trang của kẻ thù” nơi hài cốt những binh sĩ Triều Tiên và quân chí nguyện Trung Quốc tham gia cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) được chôn cất.

Đó là tất cả những gì còn lại của lịch sử. Trên tầng thượng tòa nhà Lotte Premium Outlet, trẻ em và các bậc phụ huynh có thể đứng ngắm lãnh thổ của Triều Tiên từ xa thông qua ống ngắm.

Tại Paju, trẻ em vui đùa trong bảo tàng trong khi người lớn thưởng thức rượu meoru, loại rượu làm từ thứ nho hoang dã mọc trên bán đảo Triều Tiên được trồng trong một trang trại.

Paju có rất ít chỉ dấu cho thấy bầu không khí căng thẳng đang dâng cao trên bán đảo thời gian qua khi Triều Tiên cho thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) ngay ngày quốc khánh Mỹ (4-7) và sự đáp trả của liên minh Mỹ - Hàn khi cho tiến hành diễn tập ném bom để “dằn mặt” Bình Nhưỡng tại một địa điểm gần thành phố này.

Du khách đến thăm khu trung tâm thương mại ở Paju, sát biên giới liên Triều - Ảnh: Reuters

Cuộc sống hồi hộp của người dân

Nhưng tại ngôi làng Provence ở Paju, Reuters dẫn lời Kim Ki-deok, 41 tuổi, là cha của một đứa trẻ 4 tuổi cho biết ông không cảm thấy bất kỳ mối đe dọa nguy hiểm nào dù sống gần đường biên. “Nếu Triều Tiên thật sự muốn, họ có thể phóng tên lửa đi rất xa. Tôi cảm thấy hoàn toàn mạnh khỏe và sẽ trở lại đây lần nữa”.

Ở ngoại ô Paju còn có sân golf 3 lỗ được mệnh danh là một trong những sân golf nguy hiểm nhất Thế giới vì những bãi mìn thời chiến tranh Triều Tiên vẫn còn sót lại rải rác trong vùng.

Đến nay về lý thuyết, liên Triều vẫn đang trong tình trạng chiến tranh vì một hiệp ước hòa bình chưa được ký kết sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc. Điều này có nghĩa những người Hàn Quốc hằng ngày sống quanh đường biên vẫn đang trong tình trạng hồi hộp, hiểm nguy khi khoảng 10.000 khẩu pháo miền bắc đang hướng về họ, mà theo từ ngữ của Triều Tiên là có thể nhanh chóng nhấn chìm thủ đô Seoul trong “biển lửa”.

Park Chol – min, 30 tuổi nói với Reuters rằng: “Không có gì diễn ra hơn là những lời đe dọa suông. Nó chỉ là sự phô trương. Tôi nghĩ Triều Tiên sẽ mất nhiều hơn (Hàn Quốc) nếu họ nhấn chìm Seoul trong biển lửa”.

Du khách dùng ống ngắm trông qua biên giới về phía lãnh thổ Triều Tiên từ Paju - Ảnh: Reuters

Địa điểm du lịch hút khách

Paju nay đã trở thành điểm du lịch thu hút du khách từ những năm 2000 khi chính phủ Hàn Quốc và Triều Tiên “thân thiện” với nhau hơn thông qua những hoạt động hợp tác trong khuôn khổ chính sách “Ánh Dương”.

Những du khách nước ngoài và dân địa phương có thể tiếp cận ở gian phòng ký lệnh ngừng bắn tại làng Bàn Môn Điếm, nơi chỉ cách một tấm kính cửa là lính Triều Tiên canh gác. Đồng thời họ có thể viếng thăm các địa điểm khác như những hầm ngầm đào xuyên biên giới do Triều Tiên xây hay cầu Tự do nơi lính hai miền bước qua để trở về quê hương khi chiến tranh kết thúc.

Lượng du khách tăng nhanh khi hai khu phức hợp vui chơi, bán lẻ được các tập đoàn bán lẻ khổng lồ của Hàn Quốc xây dựng tại Paju, đưa vào hoạt động vào cuối năm 2011. Hơn 12 triệu du khách đã đến tham quan hai khu tổ hợp cửa hàng này.

Nơi đứng ngắm qua Triều Tiên - Ảnh: Reuters

Tuy nhiên không lâu sau đó, chính quyền mới của nhà lãnh đạo Kim Jong Un bắt đầu quay trở lại chương trình hạt nhân, tên lửa khiến căng thẳng hai miền tăng cao. Cư dân tại đây cho Reuters biết: “Các vụ thử không làm giảm đi sức hút của du khách đến đây. Nó đã trở thành một phần trong cuộc sống thường ngày tại đây mặc dù thật buồn khi nói về chúng”.

Còn theo giáo sư triết học Kwak Keum-joo đến từ Đại học Quốc gia Seoul thì những động thái đe dọa từ Triều Tiên chỉ là “cơ chế phòng vệ” của chính quyền Bình Nhưỡng trước quốc gia láng giềng miền nam. “Tôi cảm thấy lo lắng về tình hình Triều Tiên khi tôi đi nước ngoài. Còn khi trở về Hàn Quốc, tôi lập tức quên nó đi” – Kwak cho biết.

Trong khi đó, thật không dễ dàng gì cho Woo Jong-il, 74 tuổi, sống ở một ngôi làng nhỏ tên Manu-ri, chỉ cách sông Imjin nơi đường biên chia cắt liên Triều cắt ngang. Woo đã xây boong – ke trú ẩn ở nhà mình và nhiều cư dân khác tại đây cũng làm như thế kể từ những năm đầu thập niên 70 khi Triều Tiên nã đạn qua khiến một số người trong làng bị thương và phá hủy một ngôi nhà gần đó.

Woo Jong-il trong boong-ke trú ẩn của nhà mình - Ảnh: Reuters

Nói với Reuters, ông cho rằng việc xây boong-ke trú ẩn không phải là hành động lỗi thời ở thời điểm hiện tại. “Tôi cảm thấy lo lắng. Tại sao tôi không làm như thế chứ? Chúng tôi đang ở trước tiền tuyến và có thể trở thành những nạn nhân. Nếu quan hệ liên Triều xấu đi vào bất cứ thời gian nào, những boong-ke này sẽ khiến tôi cảm thấy an toàn”.

Quả là một cuộc sống hồi hộp sát đường biên thường xuyên căng thẳng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang