Bà Rịa - Vũng Tàu:

Cấp phép "bến thuyền du lịch" nhưng bị "cấm cửa"... du lịch (?!)

Thứ Ba, 02/02/2021 12:09  | Huy Văn

|

(CATP) Ngày 4-12-2020, Phó trưởng ban BIZA Trần Hữu Thông ký văn bản số 2645/BQL-ĐT, yêu cầu Công ty VT Marina "tạm ngừng tất cả mọi hoạt động đang diễn ra tại Bến thuyền du lịch của công ty, bao gồm dịch vụ ăn uống, nhà hàng - giải khát, tour du lịch trên sông Dinh. Đề nghị Công ty VT Marina nghiêm túc thực hiện".

KHỐN KHỔ VÌ LÚC CHO, LÚC CẤM

Kèm theo đơn kêu cứu khẩn cấp và tài liệu liên quan gửi các lãnh đạo tỉnh BRVT và cơ quan chức năng, Phó giám đốc (PGĐ) Công ty VT Marina Lê Văn Học trình bày với Báo CATPHCM: Công ty VT Marina thành lập năm 2012 với ngành nghề chính là sản xuất tàu thuyền, bằng công nghệ vật liệu mới PPC (Polypropylen copolymer), đồng thời là chủ đầu tư dự án Bến thuyền du lịch VT Marina tại Khu công nghiệp (KCN) Đông Xuyên theo giấy chứng nhận đầu tư do BIZA cấp ngày 18-7-2012.

Lãnh đạo Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo xử lý

Thừa lệnh Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT), Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh Huỳnh Xuân Vinh vừa ký văn bản ngày 27-1-2021, giao Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh (viết tắt BIZA) chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng, rà soát dự án Bến thuyền du lịch của Công ty CP Vũng Tàu Marina (Công ty VT Marina), tham mưu UBND tỉnh hướng xử lý theo quy định. Chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh như là "liều thuốc tiên" cho doanh nghiệp (DN) trong những ngày năm hết, Tết đến...

Sau ba năm xây dựng, Bến thuyền du lịch cùng các công trình phụ trợ và sản xuất tàu thuyền thân thiện môi trường, dự án đi vào hoạt động từ năm 2015. Được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh BRVT xác nhận đủ điều kiện hoạt động du lịch.

Nhờ có tàu thuyền đẹp, Bến thuyền du lịch trở thành điểm du lịch hấp dẫn của TP biển Vũng Tàu, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Hoạt động Bến thuyền du lịch được lãnh đạo tỉnh BRVT và các sở ngành ủng hộ, đánh giá cao. Ngày 12-12-2020, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện ký tặng Bằng khen cho Công ty VT Marina vì đã có "thành tích xuất sắc trong xây dựng và tổ chức hoạt động du lịch tại địa phương năm 2020".

Ngày 4-12-2020, Phó trưởng ban BIZA Trần Hữu Thông ký văn bản số 2645/BQL-ĐT, yêu cầu Công ty VT Marina "tạm ngừng tất cả mọi hoạt động đang diễn ra tại Bến thuyền du lịch của công ty, bao gồm dịch vụ ăn uống, nhà hàng - giải khát, tour du lịch trên sông Dinh. Đề nghị Công ty VT Marina nghiêm túc thực hiện".

PGĐ Lê Văn Học bày tỏ: Trước đại dịch Covid-19, công ty phải vật lộn với biết bao khó khăn để tồn tại, nay bị BIZA "cấm cửa" mọi hoạt động càng đẩy DN và hàng trăm người lao động vào đường cùng. Thật khó tin, BIZA là cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư để DN làm dự án trong đó có "Bến thuyền du lịch", nay cũng chính nơi này lại buộc tạm dừng hoạt động?

Hình ảnh Bến thuyền du lịch VT Marina được đưa lên lịch của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh BRVT năm 2020

Lý do để tạm dừng, BIZA căn cứ vào quyết định số 567/BXD/KTQH ngày 31-10-1996 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, phê duyệt KCN Đông Xuyên xây dựng ngành công nghiệp dịch vụ dầu khí, sửa chữa đóng mới tàu thuyền, các ngành công nghiệp sạch tổng hợp... Dự án Bến thuyền nằm trong KCN được quy hoạch từ đầu là đất công nghiệp, không phải đất dịch vụ hay du lịch.

Chủ tịch HĐQT Công ty VT Marina Vũ Văn Đảo lên tiếng: "Ngay từ đầu dự án đã mang tên "Bến thuyền du lịch", BIZA thấy phù hợp nên chấp thuận, cấp giấy chứng nhận đầu tư để DN triển khai. Nay BIZA lại muốn "trảm" dự án với lý do hoàn toàn không thuyết phục".

TRÔNG CHỜ VÀO CÁI KẾT CÓ HẬU…

PGĐ Lê Văn Học trình bày thêm: Trên bản đồ địa chính, phần đất làm Bến thuyền du lịch (khoảng 7.000m2) thuộc ranh đất KCN Đông Xuyên, nhưng thực chất là phần chân bờ kè bảo vệ KCN. Phần diện tích đất này nằm ngoài hàng rào KCN và cũng không được sử dụng do thủy triều lên xuống. Trước nhu cầu sản xuất tàu thuyền công nghệ mới cần phải có chỗ để thử nghiệm, neo đậu, hoàn thiện, bàn giao tàu thuyền cho khách hàng, Công ty VT Marina đề xuất với BIZA thuê phần diện tích trên làm Bến thuyền du lịch phục vụ việc sản xuất, giới thiệu sản phẩm và đã nhận được sự ủng hộ của BIZA.

Nếu DN không xây dựng bến thuyền thì khu vực này vẫn là bờ kè bỏ hoang. Từ chỗ ủng hộ DN, BIZA quay sang quy kết Công ty VT Marina không sản xuất tàu thuyền, từ đó "cấm cửa" bến thuyền. Thực tế, đã có nhiều tàu thuyền được DN sản xuất, neo đậu tại bến để phục vụ khách du lịch. Chưa hết, tại Bến thuyền còn có 9 chiếc thuyền buồm hai thân mang tên các huyện, thành phố thuộc tỉnh BRVT do Công ty VT Marina và nhà tài trợ sản xuất tặng tỉnh năm 2019 nhằm để quảng bá hình ảnh của tỉnh nhà. Hình ảnh nhiều con tàu tại Bến thuyền VT Marina được đưa lên lịch của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh BRVT năm Canh Tý 2020. Vậy mà cơ quan quản lý vẫn nói DN không sản xuất tàu (?!).

Ông Vũ Văn Đảo khẳng định: Tất cả tàu thuyền đang neo đậu tại Bến thuyền du lịch là do doanh nghiệp sản xuất ra. Do còn nhiều khó khăn về sản xuất, mặt bằng, tài chính nên DN phải duy trì sản xuất ở hai nơi: Tại khu đất dự án có Bến thuyền du lịch và xưởng đặt trong cảng KCN Đông Xuyên (xây dựng từ trước khi được cấp dự án). Do đó, việc quy kết DN không sản xuất tàu thuyền là không đúng. Việc sản xuất tàu thuyền bằng công nghệ vật liệu PPC được lãnh đạo tỉnh BRVT ủng hộ và luôn đồng hành với DN. Cụ thể khi Công ty VT Marina gặp khó khăn về khâu đăng kiểm, lãnh đạo tỉnh đã vào cuộc cùng DN kiến nghị đến Chính phủ, Bộ giao thông vận tải, Cục Đăng kiểm Việt Nam để tháo gỡ.

Theo dõi vụ việc, luật sư (LS) Nguyễn Minh Tường (Công ty Luật Phan Nguyễn, TPHCM) nêu quan điểm: Theo giấy chứng nhận đầu tư thì dự án có hai mục tiêu chính: Xây dựng Bến thuyền du lịch cùng các công trình phụ trợ và sản xuất canô tàu thuyền thân thiện môi trường. Dự án có mục tiêu rõ ràng như thế thì tại sao lại không cho DN hoạt động du lịch, đón khách tham quan, tìm hiểu sản phẩm? Một khi nhà đầu tư đã thực hiện đúng các mục tiêu của dự án đầu tư thì cơ quan quản lý phải tạo điều kiện cho DN thực hiện quyền tự do kinh doanh của mình. Nếu DN chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý, thì hướng dẫn thực hiện theo quy định của pháp luật.

Theo LS Tường, trên thực tế có rất nhiều DN trong các KCN đều có hoạt động đón khách du lịch tới tham quan sản phẩm, tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm như các nhà máy sản xuất sữa, thức uống... Việc này trên thế giới đã có từ rất lâu. Thông qua hoạt động tham quan du lịch, DN vừa quảng bá được sản phẩm, vừa có thêm doanh thu. Đây là một mô hình nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh mà các nhà đầu tư KCN đang hướng tới nên các cơ quan quản lý cần ủng hộ. Chính phủ đã ban hành Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý KCN và Khu kinh tế trong đó có nhắc tới mô hình KCN sinh thái, KCN đô thị dịch vụ.

Được biết, DN đã có đơn kêu cứu đến Thủ tướng Chính phủ. Liên quan sự việc này, đã có 21 DN đồng kiến nghị lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh BRVT cho mở cửa lại Bến thuyền du lịch VT Marina bởi đây là một địa điểm hoạt động văn hóa, du lịch của tỉnh nhà rất có ý nghĩa, được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến, cần được duy trì, phát huy. Hiệp hội Du lịch tỉnh BRVT về dự án Bến thuyền cũng đã có công văn gửi UBND tỉnh; Công đoàn và người lao động Công ty VT Marina có đơn kêu cứu gửi lãnh đạo tỉnh...

Sau khi dư luận báo chí lên tiếng, ngày 31-12-2020, bà Nguyễn Thị Yến - Phó bí thư Tỉnh ủy BRVT, ký công văn số 393-CV/TU, nêu rõ: Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh giao các cơ quan liên quan nắm và xử lý thông tin theo báo chí phản ánh, báo cáo kết quả cho Thường trực Tỉnh ủy trong tháng 1-2021.

Ngày 27-1-2021, Văn phòng UBND tỉnh BRVT có văn bản số 720/UBND-VP, truyền ý kiến của UBND tỉnh, giao BIZA chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh... rà soát dự án Bến thuyền du lịch của Công ty VT Marina, căn cứ quy định pháp luật tham mưu UBND tỉnh hướng xử lý theo quy định...

Bình luận (0)

Lên đầu trang