Nhiều ẩn số giá thịt heo Tết

Thứ Sáu, 13/12/2019 19:03

|

(CATP) Dù chỉ còn hơn 40 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, nhưng giá thịt heo vẫn chưa "giảm nhiệt". Tại các siêu thị, giá thịt heo loại 1 đã lên tới 280.000 đồng/kg, còn ở chợ truyền thống cũng đã vượt qua ngưỡng 210.000 đồng/kg.

Với khu vực có hơn 10 triệu dân như TPHCM, đây rõ ràng là bài toán nan giải cho cơ quan chức năng và sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân dịp Tết, nếu không được giải quyết kịp thời.

HẬU QUẢ KÉO DÀI CỦA DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI

Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) bùng phát năm ngoái ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung và giá thịt tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp (DN) và hiệp hội chăn nuôi dự báo nguồn cung thịt heo các tháng cuối năm thiếu hụt khoảng 200.000 tấn. Trong khi vấn nạn đưa heo "vượt biên" qua Trung Quốc vẫn còn tiếp diễn sẽ khiến giá thịt tăng cao hơn.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đàn heo cả nước tháng 10-2019 giảm mạnh 20% so với cùng thời điểm năm trước do chịu ảnh hưởng của DTLCP, nguồn cung giảm là yếu tố chủ yếu khiến giá thịt hơi trên thị trường gia tăng.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, xét về tổng lượng thịt các loại trong năm 2019, ước đạt 5,14 triệu tấn, giảm 4,1%. Tuy nhiên, thịt lợn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu và chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 70%) trong cơ cấu tiêu dùng thực phẩm, sản lượng thịt lợn giảm 380 nghìn tấn, tương đương 9-10% so với năm 2018 cũng ảnh hưởng lớn đến thị trường trong nước.

Thịt heo tăng sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân dịp Tết

Theo Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, số thịt lợn thiếu trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán có thể lớn hơn số liệu Bộ NN&PTNT ước tính, do không chỉ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không tái đàn hoặc đã tái đàn nhưng bị dịch bệnh trở lại làm nguồn cung giảm mạnh, mà ngay cả các cơ sở chăn nuôi lớn, khép kín cũng bị dịch bệnh làm ảnh hưởng đến nguồn cung thịt heo dịp cuối năm.

Thực tế, những ngày qua, giá thịt hơi và thành phẩm liên tục tăng đột biến. Một số hộ chăn nuôi thu lãi đậm, trong khi người tiêu dùng (NTD) tiếp tục "chịu trận". Một số tiểu thương lý giải do giá lợn ở chợ đầu mối tăng, buộc giá bán ra cho NTD phải tăng theo.

Theo ông Nguyễn Kim Đoán - Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, nguyên nhân chủ yếu vẫn do nguồn cung heo trong dân không còn nhiều, thị trường đang phụ thuộc vào các DN chăn nuôi nước ngoài tại Việt Nam. Ông Nguyễn Ngọc An - Tổng giám đốc Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) - thừa nhận, giá thịt heo các loại đang rất cao nhưng công ty vẫn tiếp tục cung cấp ra thị trường theo giá bình ổn đã đăng ký, bán lẻ nhưng giá phải tương đương với heo hơi nên công ty đang chịu lỗ 15%.

Tại một siêu thị lớn ở quận Tân Phú (TPHCM), sườn non được niêm yết giá 280.000 đồng/kg, lợn rừng có xương 260.000 đồng/kg, nạc dăm lên đến 185.000 đồng/kg... Trong khi đó, thịt bò mềm được bán tại siêu thị này giá 260.000 đồng/kg.

Giá heo tại các chợ lẻ ở TPHCM cũng nhảy vọt lên 140.000 - 220.000 đồng/kg. Các tiểu thương giải thích do giá heo từ chợ đầu mối tăng mỗi ngày nên chợ lẻ phải tăng theo. Tuy nhiên, hầu hết tiểu thương đều không dám nhập thịt nhiều về bán vì sợ ế do NTD ngại mua giá cao.

HEO TĂNG GIÁ, HÀNG QUÁN CŨNG "NHẢY" THEO

Giá heo hơi và heo thành phẩm tăng phi mã khiến các sản phẩm (SP) chế biến từ nguyên liệu này cũng lên theo.

Khảo sát tại chợ và cửa hàng thực phẩm, giá nhiều SP làm từ thịt heo đã tăng từ 5-25% so với cách đây hai tháng. Cụ thể, giá giò lụa loại thường trước đây 120.000 đồng/kg thì nay đã vọt lên 150.000 đồng, cá biệt có loại lên đến hơn 200.000 đồng. Lạp xưởng tươi loại 1 thường được bán với giá 150.000 đồng, nay tăng thêm ít nhất từ 20.000 đồng/kg.

Không chỉ các SP làm từ thịt heo tăng giá, nhiều hàng quán ăn cũng đã tăng giá các món có sử dụng thịt heo. Cô Kim Anh - chủ tiệm hủ tiếu trên đường Võ Văn Tần (Q3, TPHCM) cho biết, giá xương và thịt heo, mọc... tăng cao, nên thay vì ráng cầm cự được một thời gian vẫn phải tăng từ 20.000 đồng lên 25.000 đồng. Giá bán của các cửa hàng cơm bình dân nhiều nơi cũng tăng thêm từ 2.000 - 5.000 đồng cho 1 phần ăn.

Theo ghi nhận, nhiều chủ cửa hàng ăn uống cho biết mức tăng này vẫn còn thấp hơn nhiều so với giá heo, do đó để cân đối, họ buộc phải cắt miếng sườn mỏng hơn và tìm mối cung cấp với giá cả hợp lý để đảm bảo chất lượng mà vẫn hợp túi tiền thực khách.

Thịt heo tăng "phi mã" khiến mặt hàng này trở nên ế ẩm

BÀI TOÁN KHÓ

Ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi - cho biết, hiện tượng tăng giá trên một phần do thương lái trước kia thu mua của nông hộ, giờ họ không có nguồn này, trong khi lại không tiếp cận được các nguồn heo của DN đã dẫn đến hiện tượng đẩy giá. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị thông tin truyền thông chỉ quan tâm đến thông tin giá cao nên vô hình chung đẩy giá heo lên. Do đó, những hiện tượng cá biệt này lại trở thành thông tin chính. Theo ông, nhu cầu thịt heo cuối năm sẽ tăng nên thời gian tới cần có sự chung tay của cả ngành nông nghiệp và công thương trong sản xuất, lưu thông, bình ổn giá, trong đó ưu tiên bình ổn giá cho mặt hàng thịt heo.

Trước diễn biến giá heo hơi trên thị trường tăng cao bất thường, bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó giám đốc Sở Công thương (CT) TPHCM - cho biết, đơn vị này cùng các cơ quan chuyên ngành đã lên kế hoạch khảo sát, làm việc với một số DN cung ứng thịt heo trong chương trình bình ổn thị trường và 2 chợ đầu mối để nắm thêm tình hình, bao gồm cả sản lượng heo giết mổ trong nước lẫn thịt đông lạnh nhập khẩu.

Cho đến hiện tại, thịt heo bán tại các hệ thống siêu thị và cửa hàng Vissan vẫn cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân.

Ông Kiều Đình Thép - Giám đốc Kinh doanh Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam - cho biết, công ty luôn đồng hành với người dân và kêu gọi của Bộ NN&PTNT trong việc bình ổn giá heo thịt từ tháng 8 đến nay đồng thời luôn ưu tiên cung cấp heo với những khách hàng đã liên kết lâu năm. Công ty không bán heo ồ ạt ra thị trường để tránh tình trạng thương lái thu gom và tổ chức bán qua nhiều nấc thang, có thể đẩy giá lên. Nguồn cung của công ty so với cùng kỳ năm ngoái đang tăng khoảng gần 10% về sản lượng. Doanh nghiệp sẽ cung cấp ổn định đến cuối năm.

Theo ông Hoàng Anh Tuấn - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, do DTLCP nên nguồn cung trong nước bị ảnh hưởng mạnh. Để giải quyết vấn đề này, Bộ CT đã phối hợp các địa phương, Bộ NN&PTNT làm việc với các tỉnh biên giới đưa ra các biện pháp cưỡng chế đồng thời khi dịch vào thì chủ động chuẩn bị nguồn cung phục vụ NTD.

Bên cạnh đó, Bộ CT đã thực hiện chương trình bình ổn các mặt hàng thiết yếu, trong đó có thịt heo, nhằm phục vụ người dân trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Liên bộ đã phối hợp để đưa thông tin kịp thời tới NTD, DN ủng hộ, chung tay trong lúc nguồn cung thiếu và hướng tới thực hiện nhập khẩu, trong đó có chỉ đạo hướng tới tái đàn của ngành nông nghiệp những vùng hết dịch để đảm bảo nguồn cung.

Nguy cơ heo lậu đi theo đường tiểu ngạch

Thông tin Việt Nam (VN) có nguy cơ thiếu khoảng 200.000 tấn thịt heo vào dịp tết Nguyên đán vừa được Tổng cục Thống kê đưa ra đang làm dấy lên những lo ngại việc mặt hàng này sẽ ồ ạt nhập về VN theo đường tiểu ngạch.

Theo lực lượng Quản lý thị trường (QLTT), DTLCP chưa có dấu hiệu ngừng lại, trong khi thời gian gần đây, tình hình mua bán, vận chuyển heo và các sản phẩm từ heo nhập lậu qua biên giới giữa VN và các nước láng giềng diễn biến phức tạp, Tổng cục QLTT yêu cầu Cục QLTT các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang chủ động xây dựng phương án, phối hợp với Bộ đội biên phòng, Hải quan, Công an kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả và gian lận thương mại nói chung, buôn bán, vận chuyển heo và sản phẩm từ heo nhập lậu nói riêng.

Trong thị trường nội địa, QLTT tăng cường phối hợp với Cảnh sát giao thông kiểm tra, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển heo và sản phẩm từ heo nhập lậu; phối hợp với cơ quan chức năng thuộc Sở NN&PTNT kiểm tra, kiểm soát các chợ đầu mối, các trung tâm giết, mổ gia cầm để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh heo và sản phẩm từ heo nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang phát hiện vụ vận chuyển heo nhập lậu

An Giang phát hiện nhiều vụ buôn lậu heo

Thời gian qua, ngành chức năng tỉnh An Giang liên tiếp phát hiện, bắt giữ, xử lý nhiều vụ vận chuyển heo trái phép qua biên giới. Theo chính quyền và ngành chức năng địa phương, sở dĩ tình trạng buôn lậu heo có dấu hiệu tăng cao là do trong nước thịt lợn đang khan hiếm kèm theo đó là sự chênh lệch giá trong nước và các địa phương phía Campuchia.

Theo báo cáo chưa đầy đủ, từ đầu tháng 10 đến nay, ngành chức năng tỉnh An Giang đã phát hiện xử lý hàng chục vụ vận chuyển heo nhập lậu, với hàng chục tấn từ Campuchia vào Việt Nam. Mặc dù các mẫu heo nhập lậu qua xét nghiệm đều âm tính với DTLCP, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang