Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể bị phạt 20 năm tù

Thứ Năm, 24/03/2016 10:49

|

(CATP) Từ ngày 1-7-2016, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ cấu thành các tội liên quan tới sức khỏe con người.

Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi hiện đang gây nhức nhối trong đời sống xã hội. Làm thế nào để hạn chế, tiến tới đẩy lùi và triệt tiêu việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, là vấn đề được đặt ra tại tọa đàm “Chất cấm trong chăn nuôi heo, thực trạng và giải pháp” do Báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng 23-3-2016.

Hơn 16 tấn chất cấm tuồn ra thị trường

Theo ông Trần Trọng Bình - Cục phó Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Bộ Công an - quy định về quản lý chất cấm đang “có vấn đề”.

Theo ông Bình, trong giai đoạn 2014 - 2015, các công ty sản xuất thuốc được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu 9.140kg chất salbutamol (chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, thường gọi là chất tạo nạc). Tuy nhiên, qua xác minh của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, có tới 6.268kg không được dùng để sản xuất dược mà được các công ty dược bán ra ngoài trái quy định.

Ngày 8-12-2015, Cục Cảnh sát môi trường (C49) Bộ Công an phối hợp với Thanh tra Bộ NN&PTNT phá đường dây mua bán chất cấm trong chăn nuôi (chất tạo nạc salbutamol) quy mô lớn tại TP.HCM, phát hiện các đối tượng đang giao dịch hơn 200kg salbutamol. Ảnh: N.Tuấn

Trong số lượng chất tạo nạc bị bán ra ngoài, có bao nhiêu tấn được sử dụng vào mục đích chăn nuôi thì chưa rõ, song đã phát hiện nhiều đàn heo có chất salbutamol. Không loại trừ lượng chất cấm này đã được đưa vào thực phẩm, cụ thể là thịt heo.

Quy định về cấp phép nhập khẩu và quản lý dược ghi rất rõ là các công ty nhập khẩu chỉ được bán để sản xuất thuốc, không được bán cho các công ty không có chức năng sản xuất thuốc. Để các chất cấm tuồn ra ngoài là sai phạm của các công ty nhập khẩu. Đối chiếu với quy định quản lý Nhà nước về giám sát các mặt hàng nhập khẩu trên, mới thấy được sự bất cập. Không có văn bản nào quy định sau khi cấp phép nhập khẩu thì phải cộng đuổi, trừ lùi và giám sát các sản phẩm này sản xuất ra là bao nhiêu.

Dùng chất cấm có thể bị phạt 20 năm tù

Trong Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2016) quy định về các tội: sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190); tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Điều 191); sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193); vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (Điều 317). Trong đó quy định nhiều mức xử phạt nghiêm khắc đối với việc sử dụng các hóa chất, phụ gia bị cấm trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Riêng tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm có khung hình phạt tối đa tới 20 năm tù.

Trước đây, BLHS cũ quy định phải xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì mới xử lý hình sự, nhưng không có văn bản pháp luật nào định nghĩa “hậu quả nghiêm trọng” là thế nào.

Với BLHS năm 2015, đối với những tội liên quan đến sức khỏe của con người, chỉ cần cấu thành hình thức, như đưa chất cấm vào thức ăn chăn nuôi, sử dụng cho con người là đã cấu thành tội phạm. Mức nguy hiểm được nâng lên ngang bằng với tội cướp tài sản và giết người. Tức là chỉ cần dí một con dao nhựa yêu cầu nạn nhân đưa 10.000 đồng là đã cấu thành tội cướp, không cần xác định hậu quả tên cướp đã cướp được tiền hay chưa.

“Tôi rất mừng là hệ thống pháp luật đã quy định hành vi đưa chất cấm vào con người là hành vi cấu thành tội phạm liên quan đến sức khỏe con người. Chất cấm không chỉ có salbutamol mà còn rất nhiều hóa chất công nghiệp gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng, kể cả những chất chưa được đưa vào danh mục chất cấm sử dụng trong thực phẩm như hàn the, phóc-môn...”, ông Bình nói.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai: Trừng trị mạnh những kẻ vi phạm

“Theo dõi nhiều năm qua, tôi nhận thấy người thụ hưởng phần lớn lợi nhuận có được từ quá trình sử dụng chất cấm chính là thương lái, vì con heo nhiều nạc thì thương lái dễ bán, lợi nhuận lớn hơn. Nếu sử dụng chất cấm, người chăn nuôi sẽ bán cao hơn từ 2.000 - 3.000 đồng/kg, nhưng bản thân họ không thụ hưởng hết lợi nhuận được tạo ra từ việc sử dụng chất cấm. Do đó, các cơ quan chức năng cần chú ý kiểm tra, xử lý đối với thương lái.

Để hạn chế việc sử dụng chất cấm, chúng ta phải có các biện pháp giáo dục đối với người chăn nuôi, làm cho họ có ý thức phát triển ngành chăn nuôi bền vững. Các cơ quan chức năng phải có biện pháp trừng trị mạnh hơn nữa, chứ không để việc sử dụng chất cấm tràn lan như vừa qua.

Để giải quyết căn cơ, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng phải tạo ra một chuỗi sản phẩm, giúp người chăn nuôi bán sản phẩm của mình với giá ổn định. Hiện nay, thị trường đầu ra của ngành chăn nuôi không ổn định, khi không ổn định thì dễ phát sinh cạnh tranh không lành mạnh bằng cách sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Các đầu ra như siêu thị, chợ đầu mối, bếp ăn tập thể cũng cần được trang bị các bộ kiểm tra để phát hiện thực phẩm không an toàn”.

Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai: Vẫn phát hiện chất cấm trong chăn nuôi

“Có thể nói Đồng Nai là thủ phủ chăn nuôi của cả nước, tổng đàn heo ở Đồng Nai hiện nay là 1,6 triệu con. Từ năm 2012 đến nay, năm nào các cơ quan chuyên môn cũng kiểm tra, kiểm soát các chất cấm trong chăn nuôi, mức độ sử dụng chất cấm khoảng hơn 10%.

Năm 2015, chúng tôi lấy 417 mẫu, trong đó có 386 mẫu cần kiểm tra định lượng chất salbutamol, phát hiện 47 mẫu dương tính (12,17%). Cơ quan chức năng đã xử phạt 15 triệu đồng đối với các trang trại và 7 triệu đồng đối với nông hộ. Năm 2016, chúng tôi lấy 50 mẫu, phát hiện 8 mẫu qua kiểm tra nhanh có chất cấm trong chăn nuôi.

Theo tôi, đến ngày 1-7-2016, khi BLHS năm 2015 có hiệu lực, tình hình chắc chắn sẽ được cải thiện”.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh thanh tra Bộ NN&PTNN: Có thể tiêu hủy đàn heo

“Hiện nay, không phải 100% nhưng tuyệt đại bộ phận nhà máy sản xuất không dại gì đi trộn chất salbutamol vào thức ăn chăn nuôi. Nguồn salbutamol chủ yếu tập trung trong các trang trại, do nguồn chất cấm trên thị trường vẫn còn.

Năm 2016, Bộ NN&PTNT đã đưa chất cấm vào một trong những chương trình đấu tranh để giải quyết dứt điểm. Nhưng trước đây, Thông tư 57 quy định cơ sở giết mổ được lựa chọn giữa nuôi nhốt cho đến khi hết chất cấm trong vật nuôi thì có thể giết mổ, hoặc tiêu hủy vật nuôi. Thực tế các cơ sở giết mổ đều chọn cách thứ nhất.

Tôi khẳng định từ ngày 25-2-2016 trở đi, về mặt pháp lý, chúng ta hoàn toàn có thể tiêu hủy được các đàn heo có chất cấm. Khoản 7 Thông tư 01 sửa đổi Thông tư 57 quy định: “Đối với cơ sở giết mổ, khi đàn gia súc có sử dụng chất cấm bị cơ quan Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền phát hiện bằng định lượng thì sẽ tiêu hủy”. Cơ quan chức năng hoàn toàn có thể tiêu hủy cả đàn heo. Đối với các trang trại, chúng ta có thể tiêu hủy nếu trang trại tái phạm. Như vậy, người chăn nuôi đối diện nguy cơ trắng tay nếu sử dụng chất cấm. Trong thời gian tới, chúng ta sẽ xử lý tiêu hủy một số trường hợp nhằm răn đe, để bất cứ ai khi sử dụng chất cấm đều phải suy nghĩ về hậu quả nặng nề mà họ phải gánh chịu”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang