Cả ngàn m3 nghi rác thải đội lốt đất mùn hữu cơ "treo" trên đầu khu dân cư

Thứ Bảy, 10/03/2018 15:09

|

(CAO) Thời điểm sau Tết, hàng trăm lượt xe tải rầm rộ chở chất thải nghi đội lốt đất mùn hữu cơ đổ vào rừng đặc dụng huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Trưa ngày 10-3, phóng viên Báo Công an TP.HCM có mặt tại thôn Ninh Môn, xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Vừa tới đầu thôn trong cái nắng chói chang, chúng tôi bị dội ngược bởi mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ khu tập kết rác thải nằm thọt lỏm trong rừng đặc dụng huyện Sóc Sơn.

Mặc dù, ngay lối vào khu vực có biển báo “Khu rừng đặc dụng. Nghiêm cấm chặt cây, bẻ cành, ngắt ngọn, đốt lửa, săn bắn động vật, khai thác trái phép tài nguyên và lấn chiếm đất rừng; nhưng không hiểu vì sao một núi rác nghi đội lốt đất mùn hữu cơ khổng lồ được cho phép đổ tại đây.

Theo người dân thôn Ninh Môn, việc đổ các chất trên diễn ra sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Việc này diễn ra suốt ngày đêm, kéo dài trong khoảng chục ngày, với hàng trăm lượt xe chạy qua lại.

Sau khi người dân có kiến nghị thì việc đổ “đất mùn hữu cơ” mới dừng lại, chính quyền hứa sẽ chuyển toàn bộ số đất trên ra khỏi địa bàn trước ngày 15-3-2018.

Nhìn từ phía đầu nguồn, bãi rác khổng lồ như “treo” trên đầu khu dân cư.

Anh Nguyễn Văn Thứ (34 tuổi, ở thôn Ninh Môn) cho biết, trước Tết người dân thấy nhiều máy múc đến làm hố, san mặt bằng khi được hỏi thì đơn vị thi công nói sẽ đổ đất hữu cơ để trồng cây.

Đến ngày 23-2, hàng trăm xe tải bắt đầu rầm rộ đổ chất thải vào khu vực đã san mặt bằng. Sau đó, thấy bất hợp lý, người dân trong thôn phản ứng thì việc đổ chất thải mới dừng lại. Chính quyền địa phương hứa sẽ dọn toàn bộ những chất trên trước ngày 15-3. Nhưng đến nay, ngày 10-3, hàng núi rác vẫn chình ình tại đây.

Theo người đàn ông 34 tuổi, việc đổ chất trên không được bọc lót. Đến khi người dân phản đối thì chủ đầu tư mới đưa bạt ni lông lót dưới bề mặt và dùng tôn che chắn toàn bộ khu vực nhằm lấp liếm và che đậy hành vi của mình.

Anh Tứ bức xúc: "Địa điểm tập kết nằm ngay ở thượng nguồn, ở triền núi. Việc chôn lấp sơ sài chỉ cần gặp mưa lớn là nguy cơ sạt lở và các chất độc hại thấm xuống đất, hàng ngàn người dân của xã ở phía hạ nguồn sẽ lãnh đủ. Tại sao, việc chôn lấp rác thải lại đưa vào khu rừng đặc dụng?".

Anh Ngô Văn Trọng (31 tuổi) cho biết: “Họ tiến hành đổ chất thải tại đây khoảng 5 ngày vào ban đêm, sau đó chắc không thấy người dân nào phản ứng nên họ đổ cả vào ban ngày. Đổ được khoảng 10 ngày thì chúng tôi phát hiện ra, khi lên đến đây thì thấy cả một núi rác như thế này, mùi rất khó chịu, đủ các loại rác từ nilon, cao su, kim tiêm,…”.

Anh Trọng lo ngại, khu vực tập kết chất thải này nằm ở đầu nguồn, khi có mưa lớn sẽ ngấm xuống các mạch ngầm dưới đất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước của hàng nghìn hộ dân đang sinh sống phía dưới.

Cũng có mặt tại hiện trường nơi tập kết rác nói trên, anh Trần Sỹ Thắng (46 tuổi, ở cùng địa chỉ với anh Ngọc) cho biết thêm: Ngay khi phát hiện ra từng đoàn xe mang rác từ nơi khác về khu vực trên đổ, người dân đã ra ngăn không cho những xe này tiếp tục đi vào đổ.

“Họ nói mang mùn hữu cơ, đất đã qua sàng lọc để về đây trồng cây, nhưng thực tế thì các anh nhìn đấy, toàn là nilon, cao su, kim tiêm,…bốc mùi rất khó chịu.

Khi người dân chúng tôi phản ứng mạnh quá, chính quyền các cấp từ xã đến thành phố có về và yêu cầu đơn vị đổ phế thải phải vận chuyển hết số rác này đi trong vòng 10 ngày, hoàn trả lại nguyên trạng ban đầu, hạn đến 15-3 phải xong, nhưng hiện nay vẫn vậy”.

Bãi chất thải to đùng chình ình ngay chân núi Sóc sơn có mùi rất khó chịu, được tập kết tại đây gồm nhiều loại từ nilon, cao su, kim tiêm,…Xung quanh bãi được quay bằng những tấm tôn và luôn có người túc trực trông coi.

Phía dưới cách đó không xa là nơi sinh sống của người dân địa phương. Nhiều người lo ngại, khi có mưa lớn, nếu bãi rác này không có biện pháp che chắn bảo vệ cẩn thận rất dễ xảy ra sạt trượt, nước ngấm từ bãi sẽ chảy xuống khu dân cư.

Bà Đỗ Thu Nga – Chánh Văn phòng UBND huyện Sóc Sơn cho biết: “Khu vực đổ rác thải mà người dân phản ánh thì trách nhiệm quản lý trực tiếp là của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội và Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội.

Tuy nhiên, chúng tôi đã liên tục có công văn đề nghị hai đơn vị này giải quyết dứt điểm vấn đề mà nhân dân bức xúc. Quan điểm của huyện là giải quyết dứt điểm theo nguyện vọng của bà con nhân dân”.

Theo báo cáo số 80/BC-UBND ngày 4-3-2018 của UBND huyện Sóc Sơn, thì vị trí đổ số rác này là khoảnh 18 rừng phòng hộ bảo vệ môi trường thuộc phận xã Hiền Ninh (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Báo cáo cũng nêu, chất đổ trong khu rừng đặc dụng là “đất mùn hữu cơ”. Tuy nhiên, tại thời điểm chúng tôi có mặt cũng như phản ánh của người dân, trong khu vực tập kết rác thải bừa ứa có túi ni lông, phế phẩm sinh hoạt, kim tiêm, sắt vụn… Liệu đây có phải là “đất mùn hữu cơ” như báo cáo đã nêu?.

Bãi rác thải nằm thọt lỏm trong rừng đặc dụng Sóc sơn.

Người dân thôn Ninh Môn choáng ngợp vì trong vài ngày núi rác hình thành ngay đầu khu dân cư.
Nhìn từ phía đầu nguồn, bãi rác khổng lồ như “treo” trên đầu khu dân cư.
Người dân cho rằng, với loại rác thải như thế này sẽ ảnh hưởng đến đời sống của họ nếu như mưa xuống nước ngầm đổ bộ khu dân cư.
Bãi rác nằm ở khu đầu nguồn, phía trên là rừng cây.
Toàn bộ bãi rác sau khi người dân phản ứng đã rào tôn xung quanh.
Bãi rác chỉ cách biển báo khu rừng đặc dụng khoảng 100m.

Bình luận (0)

Lên đầu trang