Chính thức ký kết RCEP - Hiệp định khu vực kinh tế lớn nhất từ trước đến nay

Chủ Nhật, 15/11/2020 21:22  | Đào Giang

|

(CAO) Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã chính thức được ký kết ngày 15/11 trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37, tại Hà Nội.

Đây là hiệp định thương mại tự do được đề xuất giữa 10 quốc gia thành viên của ASEAN và các đối tác đối thoại là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Khi được đi vào thực thi, RCEP sẽ hình thành khu vực kinh tế lớn nhất từ trước đến nay, với GDP chiếm tới 32% tổng GDP toàn cầu, khoảng 32.000 tỷ USD, chiếm 47,5% dân số thế giới.

Tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, đại diện Việt Nam ký Hiệp định RCEP, với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sau 8 năm đàm phán, ASEAN và các nước đối tác đã hoàn thành thắng lợi việc đàm phán hiệp định RCEP với khối lượng công việc đồ sộ, mở ra một giai đoạn hợp tác kinh tế-thương mại mới đầy hứa hẹn, tốt đẹp.

Bên cạnh đó, khuôn khổ hợp tác mới của Hiệp định RCEP sẽ góp phần đẩy mạnh tiến trình xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN 2025, đưa ASEAN trở thành đối tác năng động, mạnh mẽ, hợp tác vì sự thịnh vượng chung.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định lễ ký kết hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) hôm nay là niềm tự hào, là thành quả to lớn của việc các nước ASEAN với vai trò trung tâm của mình đã cùng với các nước đối tác đặt nền móng cho một giai đoạn hợp tác mới mang tính toàn diện, lâu dài, hướng đến tương lai, phù hợp với trình độ phát triển và mang lại lợi ích cho tất cả các nước trong khu vực.

“Tôi tin tưởng rằng hiệp định RCEP sẽ sớm được phê chuẩn và đưa vào thực thi trong thời gian tới, góp phần hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế sau địa dịch COVID-19 và đem lại thịnh vượng chung cho người dân, doanh nghiệp của tất cả các nước thành viên,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh thêm.

Tại hội nghị, bộ trưởng các nước ký RCEP ghi nhận Ấn Độ không có khả năng ký hiệp định RCEP vào 2020 cùng với các quốc gia ký RCEP và thừa nhận vai trò chiến lược của Ấn Độ khi trở thành một bên của Hiệp định RCEP trong việc hình thành một khu vực với chuỗi giá trị sâu rộng hơn phục vụ lợi ích của tất cả người dân trong khu vực và đóng góp hơn nữa vào sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu.

Ngoài ra, Hiệp định RCEP để mở cho sự gia nhập của Ấn Độ kể từ ngày hiệp định có hiệu lực như quy định tại Điều 20.9 (Gia nhập) của hiệp định này.

Các quốc gia thành viên sau khi Hiệp định RCEP được ký, sẽ tiến hành đàm phán với Ấn Độ bất cứ khi nào Ấn Độ gửi yêu cầu bằng văn bản bày tỏ ý định gia nhập tới Cơ quan lưu chiểu theo Hiệp định RCEP, trên cơ sở xem xét đến tình trạng tham gia đàm phán RCEP của Ấn Độ ở thời điểm gần nhất và bất kỳ diễn biến mới nào sau đó.

Bất kỳ lúc nào trước khi gia nhập hiệp định, Ấn Độ có thể tham gia các cuộc họp của RCEP với tư cách là quan sát viên và trong các hoạt động hợp tác kinh tế do các quốc gia ký RCEP thực hiện theo Hiệp định RCEP, theo các điều khoản và điều kiện do các quốc gia ký cùng quyết định.

RCEP là một hiệp định hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và mang lại lợi ích cho tất cả các bên, với 20 chương bao gồm các lĩnh vực và nguyên tắc chưa từng có trong các hiệp định thương mại tư do trước đây giữa ASEAN và các nước Đối tác.

Bên cạnh các điều khoản cụ thể về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư, Hiệp định RCEP còn bao gồm các chương về Sở hữu trí tuệ, Thương mại điện tử, Cạnh tranh, Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), Hợp tác kinh tế và kỹ thuật và Mua sắm của Chính phủ...

Bình luận (0)

Lên đầu trang