Cảnh sát chữa cháy TP.HCM và Sở Công thương ‘hợp sức’ ngăn ngừa cháy, nổ

Thứ Năm, 23/02/2017 17:50  | Tiến Mạnh

|

(CAO) Ngày 23-2, Cảnh sát PCCC và Sở Công thương TP.HCM ký kết quy chế phối hợp trong công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ. Đây được coi là giải pháp nhằm đảm bảo, kiểm soát tình hình cháy nổ đang ra phức tạp tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP.

Theo đó, hai bên sẽ phối hợp tuyên truyền pháp luật và kiến thức PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH), tổ chức đào tạo, huấn luyện chuyên môn nghiệp vụ; kiện toàn lực lượng; trang bị phương tiện PCCC và CNCH tại các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong ngành, lĩnh vực công thương có nguy hiểm về cháy, nổ.

Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM nói về ý nghĩa của lễ ký kết

Phối hợp kiểm tra liên ngành công tác bảo đảm an toàn PCCC, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật PCCC, vi phạm điều kiện kinh doanh, quy định về chuyên môn, kỹ thuật của ngành công thương tại các tổ chức, cá nhân hoạt động trong ngành, lĩnh vực công thương.

Bên cạnh đó, hai bên sẽ kết nối, trao đổi thông tin trong việc kiểm soát và quản lý các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động hóa chất công nghiệp trên địa bàn TP và một số loại hình cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao như: xăng dầu, kinh doanh khí (LPG, CNG, LNG), chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích… Đặc biệt đối với các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng và tồn chứa hóa chất nguy hiểm trên địa bàn TP.

“Việc xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp giữa hai đơn vị vào thực tế công tác là hết sức quan trọng và cần thiết để bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong tình hình mới. Đặc biệt trong việc bảo đảm an toàn PCCC đối với các loại hình cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao”, ông Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu.

Ông Mạng đề nghị Cảnh sát PCCC TP.HCM và Sở Công thương cần tăng cường công tác tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ PCCC và tổ chức các khóa đào tạo cấp chứng chỉ kỹ thuật an toàn đối với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong ngành, lĩnh vực công thương.

Kiểm tra các điều kiện an toàn PCCC đối với các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh, tồn trữ xăng dầu, gas; cơ sở hoạt động hóa chất nguy hiểm cháy nổ; các cơ sở trong khu chế xuất, khu công nghiệp, các công trình cao tầng, trung tâm thương mại, chợ, siêu thị; các khu dân cư, tuyến đường tập trung nhiều cơ sở nguy hiểm cháy, nổ…

Hai bên cần đẩy mạnh công tác phối hợp trong việc xây dựng các phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ tại một số cơ sở hoạt động liên quan đến ngành, lĩnh vực công thương có nguy hiểm về cháy, nổ cao; xây dựng kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn TP.

Tăng cường tổ chức thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với nhiều lực lượng tham gia tại các cơ sở hoạt động liên quan đến ngành, lĩnh vực công thương có quy mô lớn, nhạy cảm và có nguy cơ tiềm ẩn phát sinh cháy, nổ cao.

Bình luận (0)

Lên đầu trang