Hội thảo ‘Thực trạng công tác phòng chống tội phạm sử dụng bạo lực ở Việt Nam’

Thứ Ba, 30/05/2017 15:10  | Mai Loan

|

(CAO) Ngày 29-5, tại TP.HCM - Học viện CSND, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thực trạng công tác phòng chống tội phạm sử dụng bạo lực ở Việt Nam - tình hình, nguyên nhân và giải pháp nêu cao hiệu quả phòng, chống”.

Thiếu tướng GS-TS Trịnh Văn Thanh, Giám đốc Đại học CSND và đại tá PGS-TS Nguyễn Đắc Hoan, Phó Giám đốc Học viện CAND chủ trì.

Báo cáo đề dẫn nêu rõ: Tội phạm sử dụng bạo lực là một trong những tội phạm gây nguy hiểm nhất cho cộng đồng và xã hội, xâm phạm trực tiếp tới quyền bảo đảm tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm, tài sản của con người, gây hoang mang trong dư luận.

Theo thống kê của Bộ Công an, trong 10 năm (2006-2016), Bộ Công an đã khởi tố, điều tra 79.000 vụ, 99.000 đối tượng phạm tội có sử dụng bạo lực; trung bình mỗi năm cả nước xảy ra 1.400 vụ giết người, 6.500 vụ cố ý gây thương tích…

Tính chất tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, hành vi phạm tội ngày càng manh động, bạo lực, côn đồ, liều lĩnh, dã man, gây lo lắng cho người dân. Đặc biệt, thời gian qua tình hình tội phạm giết người có tính chất manh động, khó dự đoán, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã tác động tiêu cực đến tình hình trật tự an toàn xã hội, gây hoang mang dư luận.

Điển hình, tháng 7 và tháng 8-2015, đã xảy ra nhiều vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng (vụ giết 6 người ở Bình Phước, vụ giết 4 người ở Nghệ An, vụ giết 4 người ở Yên Bái). Trước thực trạng trên, Bộ Công an đã chỉ đạo quyết liệt đến công an các đơn vị, địa phương, nhất là lực lượng CA cấp cơ sở nhằm tăng cường các mặt công tác phòng ngừa, phát hiện ngăn chặn và điều tra xử lý với tội phạm có sử dụng bạo lực.

Tại hội thảo các đại biểu đã tham luận, tập trung đi sâu đánh giá và phân tích, làm rõ thêm nguyên nhân dẫn đến tình hình tội phạm sử dụng bạo lực ở khu vực các tỉnh Nam bộ…

Theo thượng tá Nguyễn Văn Hận, Phó Giám đốc CA tỉnh Bạc Liêu, trong những năm gần đây tội phạm sử dụng bạo lực có giảm, tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến ANTT và sự phát kinh tế, văn hóa, xã hội. Để giảm tối đa loại tội phạm này, trước hết phải phòng ngừa tội phạm ngay tại cơ sở.

Đại tá Lê Văn Bích, Trưởng phòng PC64, CATP.HCM cho rằng, TP là đô thị lớn, tập trung nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, thu hút hàng triệu lao động từ các tỉnh, TP khác đến sinh sống và làm việc. Theo đó, kéo nhiều hệ lụy phức tạp, trước tình hình phức đó đòi hỏi lực lượng CATP phải thực hiện tốt các mặt công tác nghiệp vụ trong quản lý các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và ANTT góp phần ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm nói chung và tội phạm ma tính chất sử dụng bạo lực nói riêng…

Đồng tình với các ý kiến trên, đại tá Nguyễn Văn Kim, Phó Giám đốc CA tỉnh Đồng Nai cho rằng, nguyên nhân gia tăng tính chất bạo lực trong hành vi ở nhóm đối tượng còn trẻ do một bộ phận họ sống trong môi trường quản lý, giáo dục không lành mạnh, thường xuyên tiếp xúc và bị tiêm nhiễm lối hành xử bạo lực ngay từ gia đình, bạn bè, phim ảnh, mạng xã hội, ma túy… đối tượng phạm tội nay đa số là nam giới (chiếm 94,6%, trình độ học vấn thấp, trong đó đối tượng có tiền án, tiền sự (chiếm 19,3%). Để hạn chế thấp nhất loại tội phạm này, CA tỉnh Đồng Nai đề ra nhiều kế họach, biện pháp nhằm kiềm chế loại tội phạm này…

Phát biểu tại hội thảo, Thiếu tướng GS-TS Trịnh Văn Thanh và đại tá, PGS.TS Nguyễn Đắc Hoan, nhấn mạnh: Hội thảo nhằm đánh giá tình hình tội phạm có sử dụng bạo lực và thực tiễn phòng, chống tội phạm có sử dụng bạo lực ở các tỉnh thành phía Nam, từ đó làm sáng tỏ tình hình tội phạm này trên địa bàn cả nước. Đồng thời xác định và làm rõ thêm nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tình hình tội phạm có sử dụng bạo lực ở khu vực các tỉnh, thành Nam bộ.

Trong đó, làm rõ những hạn chế, thiếu sót của hệ thống pháp luật phòng, chống tội phạm có sử dụng bạo lực; hệ thống phòng ngừa xã hội; trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật sử dụng bạo lực; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý về văn hóa, giáo dục, truyền thống; quản lý các dịch vụ cung cấp đồ uống có cồn, vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lý chất cấm, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, chất cháy…

Bình luận (0)

Lên đầu trang