Khai mạc kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII

Thứ Hai, 21/03/2016 14:26  | Thanh Hoà

|

(CAO) Sáng nay (21-3), kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Tại kỳ họp cuối cùng này, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội cũng như công tác nhân sự để triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII; chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Đây là kỳ họp rất quan trọng, trong lúc toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, chuẩn bị các điều kiện cần thiết bảo đảm tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2020.

Bên cạnh công tác lập pháp, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội sẽ tập trung thời gian cho tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ. Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội dành một nửa thời gian (từ ngày 31-3 đến ngày 12-4-2016) để xem xét, quyết định công tác nhân sự Nhà nước vì sau Đại hội Đảng XII, nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước không tái cử Ban Chấp hành TW; Bộ Chính trị đã phân công nhiệm vụ mới đối với một số Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Năm 2016 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020; năm Quốc hội khóa XIII và các cơ quan tổ chức trong bộ máy nhà nước hoàn thành nhiệm kỳ hoạt động của mình; năm tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2020.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên khai mạc.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực còn diễn biến phức tạp, khó lường, tình hình trong nước có những khó khăn, thách thức và vận hội, thời cơ đan xen, kỳ họp thứ 11 là thời điểm để chúng ta cùng nhau nhìn lại chặng đường đã qua, đánh giá thực trạng kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tư pháp và các mặt công tác khác, đề ra các việc cần làm trong năm 2016 và những năm tiếp theo của kế hoạch 5 năm; phấn đấu hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ, tạo thế và lực đưa đất nước vững vàng bước vào chặng đường phát triển mới.

Một trong những nội dung quan trọng tại kỳ họp này là Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn một số nhân sự cấp cao của Nhà nước. Trong đó, xem xét 3 chức danh chủ chốt: Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội. Ngoài ra, căn cứ trên đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội cũng sẽ quyết định các thành viên Chính phủ, chức danh như Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ…

Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ xem xét, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2015, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2016-2020.

Xem xét, thông qua các dự án Luật tiếp cận thông tin, Luật báo chí (sửa đổi), Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi), Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), Luật dược (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi); phê chuẩn Thỏa thuận về việc cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ; xem xét Báo cáo về kết quả đàm phán và ký kết hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các vấn đề liên quan. Xem xét các Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011-2016 của Quốc hội, các các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước.

Kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ thảo luận nhiều vấn đề kinh tế- xã hội cấp thiết và công tác nhân sự cho quốc hội khóa sau.

Một trong những nội dung quan trọng dự kiến được Chính phủ trình Quốc hội ngay trong phiên khai mạc và được phát thanh, truyền hình trực tiếp là Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

Trong 5 năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức rất lớn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và toàn dân, toàn quân, kinh tế - xã hội nước ta đã đạt được những thành quả quan trọng trên các lĩnh vực, hoàn thành nhiều chỉ tiêu kế hoạch đặt ra.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng thừa nhận tình hình kinh tế - xã hội phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và còn nhiều khó khăn, hạn chế. Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt kế hoạch. Việc tạo nền tảng để đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đáp ứng yêu cầu. Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc. Kinh tế phục hồi còn chậm...

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh trật tự, an toàn xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức. Hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội còn nhiều mặt hạn chế, trong khi tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, chưa được đẩy lùi.

Chính phủ cũng xác định mục tiêu hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và định hướng phát triển của Nhà nước; bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, trách nhiệm, lấy phục vụ nhân dân và lợi ích quốc gia là mục tiêu cao nhất. 

Bình luận (0)

Lên đầu trang