Đoàn lãnh đạo TP.HCM:

Nhiều kết quả tốt đẹp sau chuyến thăm Nga và Israel

Chủ Nhật, 27/05/2018 08:47

|

(CAO) Trong thời gian từ ngày 16/5 đến ngày 25/5/2018, Đoàn Đại biểu TPHCM do Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân làm Trưởng đoàn đã thăm, làm việc tại Liên bang Nga và Israel.

Chuyến thăm, làm việc đã thành công rất tốt đẹp. Chiều ngày 26/5/2018, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đã trao đổi với một số cơ quan báo chí về kết quả của chuyến công tác.

Đồng chí cho biết: Đến đầu tháng 7/2018, TPHCM sẽ tổ chức đánh giá giữa nhiệm kỳ của Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X. Chính vì vậy, chuyến thăm, làm việc tại Nga và Israel vừa qua góp phần để chúng ta có thêm thông tin về những đối tác mà chúng ta đã có trong thời gian qua cũng như khả năng phát triển trong thời gian tới, phục vụ cho sự phát triển nhanh hơn, bền vững hơn của TPHCM.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trả lời báo chí về kết quả chuyến thăm, làm việc tại Nga và Israel. Ảnh: Khắc Điệp

TPHCM-Saint Petersburg tăng cường hợp tác nhiều lĩnh vực

Trong chuyến công tác tại Liên bang Nga, TPHCM có một trách nhiệm được Bộ Chính trị giao, đó là cùng với lãnh đạo Chính quyền Thành phố Saint Petersburg tổ chức kỷ niệm 95 năm Ngày Bác Hồ lần đầu tiên đến Nga, cụ thể là đến TP Saint Petersburg-lúc đó có tên là Petrograd.

Việc tổ chức kỷ niệm 95 năm Ngày Bác Hồ lần đầu đến Petrograd có ý nghĩa rất quan trọng, vừa để hai nước chúng ta khẳng định lại sự gắn bó trong quá khứ, giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt là vai trò to lớn, công lao to lớn của Cách mạng Tháng Mười; sự giúp đỡ của Liên bang Xô- viết trước kia cũng như Liên bang Nga ngày nay đối với sự phát triển của đất nước ta trong các giai đoạn lịch sử.

Bí thư Thành ủy phát phiểu tại lễ kỷ niệm 95 năm Ngày Bác Hồ lần đầu tiên đến Petrograd. Ảnh: Đình Tuân

Từ đó khẳng định quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga, sự gắn bó giữa nhân dân 2 nước là một tài sản vô giá trong quá khứ và bây giờ chúng ta phải phát huy tốt hơn trong điều kiện hiện tại. Đoàn Đại biểu TPHCM đã tổ chức hội thảo 95 năm Ngày Bác Hồ lần đầu tiên đến Nga và hội thảo kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Gắn với đó là các báo cáo chuyên đề chỉ ra khả năng hơp tác giữa hai thành phố về giáo dục, văn hóa.

Đoàn Đại biểu TPHCM đã thăm, làm việc tại Đại học Tổng hợp Saint Petersburg. Qua đó cho thấy có khả năng hợp tác, trong đó phía bạn sẽ đào tạo cho chúng ta. Đây là một trong 2 đại học quốc gia hàng đầu của Nga với truyền thống hơn 200 lịch sử.

Đoàn Đại biểu TPHCM cũng đã thăm, làm việc với Viện Hồ Chí Minh tại Đại học Tổng hợp Saint Petersburg, đây là viện nghiên cứu duy nhất về Bác Hồ ở bên ngoài Việt Nam, được đặt tại TP Saint Petersburg của Nga. Cũng trong dịp này, Đoàn Đại biểu TPHCM đã tặng Viện Hồ Chí Minh nhiều hình ảnh, tư liệu phim về Bác Hồ, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của cơ sở này.

Các đại biểu dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Đình Tuân

Đoàn Đại biểu TPHCM đã làm việc với Thống đốc TP Saint Petersburg, ký kết Lộ trình hợp tác giai đoạn 2018-2020 giữa hai thành phố; làm việc với lãnh đạo Trung tâm Y tế về điều trị ung thư bằng công nghệ cao. Công nghệ chữa bệnh này rất tiên tiến, chữa bằng cách chiếu tia proton. Sắp tới cần đẩy mạnh đào tạo sinh viên y khoa tại Saint Petersburg và giới thiệu cho đồng bào Thành phố đến chữa bệnh ung thư tại trung tâm này với chi phí chữa bệnh chỉ bằng 1/3 so với chữa bệnh ở các nước khác.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thấy rằng nhu cầu trao đổi thông tin giữa hai bên, vừa về du lịch, đào tạo, đặc biệt là hợp tác về xuất khẩu giữa hai thành phố. Bước đầu, Đoàn Đại biểu TPHCM đã thảo luận với phía bạn sẽ thành lập tổ công tác nghiên cứu khả năng để hình thành 1 trung tâm hỗ trợ hợp tác về giáo dục, kinh tế của TPHCM tại Saint Petersburg, phía Nga cũng muốn có một trung tâm như vậy tại TPHCM.

Có thể nói qua các cuộc làm việc tại Saint Petersburg, chúng ta thấy rằng, hai thành phố có nét tương đồng, đều là thành phố biển, là trung tâm khoa học-công nghệ lớn của cả nước, có gắn bó về chính trị, lịch sử, văn hóa. Sắp tới, hai thành phố cần tăng cường hơn nữa về đào tạo, du lịch, kinh tế, đây là hoạt động rất thiết thực để thúc đẩy quan hệ truyền thống và kỷ niệm 95 năm Ngày Bác Hồ lần đầu tiên đến Nga.

Đoàn Đại biểu TPHCM và kiều bào dâng hoa tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Matxcova. Ảnh: Đình Tuân

Những bài học quý từ Israel

Đến Israel, Đoàn Đại biểu TPHCM mong muốn tìm hiểu kinh nghiệm của bạn, mô hình của bạn, vì sao một nước mà ¾ đất nước là sa mạc, ¼ là đồi núi, với diện tích hơn 22.000km2, dân số khoảng 8,6 triệu người nhưng hiện nay là quốc gia có sự khởi nghiệp sáng tạo thành công nhất thế giới (xét trên tỷ lệ số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp thành công trên tổng dân số). Đoàn Đại biểu TPHCM muốn đến Israel để tìm hiểu và vận dụng cho TP cũng như tìm kiếm các khả năng hợp tác.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với lãnh đạo Cơ quan Đổi mới Sáng tạo Israel. Ảnh Đình Tuân

Đoàn Đại biểu TPHCM đã làm việc với lãnh đạo Cơ quan Đổi mới Sáng tạo Israel, thuộc Bộ Kinh tế và Công nghiệp của Israel, đây là cơ quan tiêu biểu nhất, tương đương cấp tổng cục của Việt Nam. Qua tìm hiểu thì thấy cách đây hơn 40 năm, trong tất cả các bộ của Israel đều có một cơ quan như vậy. Trong mỗi bộ đều có một chuyên gia trưởng chịu trách nhiệm giúp cho bộ đó phát triển về khoa học-công nghệ. Như vậy, người Israel nhận thức khoa học-công nghệ là cần thiết để phát triển và họ có đặc thù về mặt tổ chức như vậy.

Có một số bài học chính được rút ra như sau:

Bài học thứ nhất là để khởi nghiệp sáng tạo thành công và giúp cho các doanh nghiệp nâng cấp về khoa học-công nghệ trong sản xuất, Israel đã có sự chuẩn bị rất chu đáo. Mỗi tổng cục như vậy có 6 đơn vị, tương đương cấp vụ lo công tác chuyên sâu, nhờ vậy họ làm việc đạt hiệu quả. Chúng ta cũng được phía Israel cho biết cách họ ứng xử với các nhà sáng tạo như thế nào.

Đây là đặc thù của văn hóa Israel: họ coi khởi nghiệp sáng tạo và cả trong cuộc sống, thất bại là giai đoạn quá độ để tiến tới một giai đoạn thành công hơn, chứ không phải vì thất bại trong nghiên cứu hay trong cuộc đời mà suy sụp, bế tắc. Đó là nét văn hóa độc đáo của người Israel, có nét tương đồng với văn hóa Việt Nam khi chúng ta coi “thất bại là mẹ thành công”.

Văn hóa này có vai trò rất quan trọng. Israel có chính sách hỗ trợ kinh phí để các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nếu doanh nghiệp không thành công, nhà nước không đòi lại tiền, còn nếu doanh nghiệp thành công thì phải trích 3-5% lợi nhuận để trả lại nhà nước. Như vậy, chính văn hóa không sợ thất bại đó, đồng thời triển vọng được hỗ trợ với hiệu quả cao tạo nên bầu không khí mạnh dạn trong khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Đoàn Đại biểu TPHCM và các giáo sư Israel. Ảnh: Minh Nga

Bài học thứ 2 là yếu tố văn hóa của Israel. Từ rất lâu rồi trong cuộc sống của người Israel họ không bao giờ hài lòng với một giải pháp đang có sẵn, họ không chấp nhận chỉ có một ý kiến đúng về một vấn đề bởi vì cuộc sống có thể thay đổi. Văn hóa của họ là phản biện, phản biện để phát triển.

Họ có thể trao đổi với nhau, tranh luận với nhau, thậm chí ở nhà trường có nguyên tắc là học sinh có quyền hỏi lại thầy cô giáo vì sao và thầy cô sẽ phải giải thích, thuyết phục học sinh chứ không áp đặt. Khi học sinh đề xuất sáng kiến hay, thầy cô sẽ hoan nghênh. Văn hóa phản biện đối với người Israel mang tính truyền thống. Phản biện tức là tìm thấy điều hay hơn; phản biện đã thấm vào trẻ con từ khi còn học trong nhà trường đến khi lớn lên, ra trường, đi làm.

Bài học thứ 3 là phát hiện và bồi dưỡng nhân tài. Những học sinh cấp 3 nào giỏi, có năng lực sẽ được phát hiện và trong quá trình tham gia quân đội (tất cả thanh niên của Israel đều trải qua thời gian trong quân đội), nhà nước sẽ cho đi học đại học, học thạc sĩ, thậm chí học tiến sĩ và thay vì ở trong quân đội 3 năm, những người xuất sắc có thể ở 9 năm.

Với cách làm như vậy, những người giỏi vừa phục vụ quân đội, vừa nghiên cứu, sáng tạo, để sau 9 năm trong quân đội, sau khi trở về với đời thường thì họ đã có năng lực sáng tạo, thậm chí có sáng chế và lập các doanh nghiệp nhằm khai thác, chuyển giao, kinh doanh các sáng chế đó. Như vậy, ý thức phát hiện và phát huy năng lực nhân tài của Israel rất rõ.

Bài học thứ 4 là, với biết bao khó khăn của một nước nhỏ ở giữa sa mạc như Israel không phải là điều bất lợi, mà người Israel luôn coi thách thức đó chính là thời cơ để tự khẳng định mình, để vươn lên cái mới tốt hơn, nên họ không ngại thách thức. Đất nước càng bị thách thức thì họ lại càng vươn lên mạnh mẽ. Ý chí biến thách thức thành thời cơ xuyên suốt trong cuộc sống của người Israel.

Bài học thứ năm là ý thức về xã hội toàn cầu của người Israel rất cao. Với dân số ít, từ nhiều quốc gia quy tụ về, thị trường nội địa nhỏ, Israel không thể phát triển một mình. Do đó, Israel luôn luôn tìm cách phối hợp, hợp tác với các nước khác. Người Israel cũng thấy rằng, các sản phẩm sáng tạo của họ chỉ đem lại hiệu quả kinh tế khi được biến thành sản phẩm để bán cho nhân loại, được nhiều người mua. Người Israel luôn suy nghĩ về việc tận dụng thời cơ toàn cầu, khai thác thị trường toàn cầu. Đồng thời, người Israel cũng có văn hóa chia sẻ.

Chúng ta có thể hiểu Israel thành công nhờ 3 nhóm yếu tố: Một là văn hóa của dân tộc, đó là tinh thần phản biện, chấp nhận thất bại để thành công, suy nghĩ và hành động toàn cầu. Hai là có chương trình phát hiện và bồi dưỡng nhân tài quốc gia. Ba là chính sách của nhà nước hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, gắn kết giữa các trường đại học với các tài năng hoặc các doanh nghiệp. Đó là 3 điều chúng ta có thể học được.

Các nhà quản lý của Israel nói rằng từ 40 năm trước họ đã hình thành những cơ quan chuyên trách trong bộ máy nhà nước, khởi động các chương trình phát hiện, bồi dưỡng tài năng và 40 năm sau họ mới có kết quả. Không thể nhanh và vội vàng được nhưng phải khởi động quá trình này từ các học sinh cấp phổ thông cho đến các cơ quan quản lý nhà nước.

Đoàn Đại biểu TPHCM và các giáo sư Israel. Ảnh: Minh Nga

Tăng cường hợp tác, tìm cơ hội đầu tư

Về hợp tác, Đoàn Đại biểu TPHCM đã làm việc với lãnh đạo Đại học Hebrew- là đại học lớn nhất, giàu kinh nghiệm và có nhiều chuyên ngành mạnh. Ngoài công nghệ cao, Đại học Hebrew còn có thế mạnh về y tế cộng đồng và sẵn sàng cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam. Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch có thể tận dụng các học bổng này, đưa sinh viên sang học những chương trình y tế cộng đồng bằng tiếng Anh.

Đoàn Đại biểu TPHCM cũng đã tiếp xúc với 8 nhà khoa học tiêu biểu của Israel; 8 doanh nghiệp thành đạt trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo. Qua các cuộc tọa đàm, trao đổi đó, chúng ta đã hiểu sâu hơn về những thành tựu của Israel. Trong số đó có nhiều người sẵn sàng sang Việt Nam nói chuyện chuyên đề, giúp chúng ta về khởi nghiệp sáng tạo, tìm hiểu cơ hội đầu tư…Các chuyên gia trong Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để chúng ta đánh giá các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của TP hiện nay như thế nào.

Nói tóm lại, qua chuyến thăm, làm việc tại Israel, có thể thấy chúng ta cũng có tiềm năng tốt để khởi nghiệp sáng tạo nhưng chưa đủ, phải học tập kinh nghiệm của Israel và một số nước khác.

Trên đường từ Jerusalem ra sân bay về nước, nhìn thấy nhiều tòa nhà của những công ty nổi tiếng thế giới, chúng tôi suy nghĩ rất nhiều. Vì sao những công ty nổi tiếng thế giới này phải đến một đất nước ¾ là sa mạc, thiếu nước, thức ăn rất khác châu Âu…?

Câu trả lời là bởi họ có nguồn nhân lực chất lượng cao. Mặc dù có nhiều điều không thuận lợi, nhưng điều mà người ta cần là con người sáng tạo, nơi nào có con người sáng tạo là người ta đến. TPHCM với hơn 10 triệu dân, cả nước ta có hơn 90 triệu dân, nếu chúng ta chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng tốt, có ý chí, có năng lực sáng tạo thì các nhà đầu tư sẽ tìm đến.

Càng đi xa càng thấy chúng ta có lợi thế về dân số. Israel thành công với chỉ 8,6 triệu dân, Việt Nam chúng ta có dân số gấp hơn 10 lần. Nếu chúng ta quyết tâm đầu tư cho người dân khởi nghiệp sáng tạo, phát triển khoa học-công nghệ thì chúng ta có cơ hội thành công.

Với tinh thần đó, từ nay đến đầu tháng 7/2018, Ban Tuyên giáo Thành ủy sẽ chủ trì một chuyên đề về khơi dậy, phát huy truyền thống sáng tạo ở TPHCM để phát triển. Cuộc đi thăm, làm việc lần này rất có ích để chúng ta thực hiện chuyên đề đó. Qua đó, có thể thấy vai trò của truyền thông rất quan trọng. Truyền thông phải làm cho rõ: muốn khởi nghiệp sáng tạo thì ngay từ thời kỳ học phổ thông phải có tinh thần phản biện, phải biết hỏi, phải biết đối thoại, phải biết giải đáp, đó là văn hóa phát triển, phải chấp nhận thất bại để vươn lên. Đừng sợ thất bại mà phải coi thất bại là bài học.

Xây dựng đô thị thông minh: Nhiều giải pháp

Israel là quốc gia phát triển với gần nửa thế kỷ với đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo, ngay trong quản lý họ cũng tận dụng nguyên tắc đó. Chúng ta đã làm việc để nghe các đơn vị của Israel báo cáo về đô thị thông minh. Trong đó, nhiều doanh nghiệp có các giải pháp về đô thị thông minh, theo hướng sẵn sàng hợp tác và chuyển giao, tất nhiên chúng ta phải trả tiền.

Về công nghệ thông tin và an ninh mạng, Israel là nước rất mạnh. Một nhóm chuyên gia của TPHCM đã đi gặp các đối tác của Israel. Tôi tin rằng sau chuyến đi này sẽ có nhiều cơ hội trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó còn có các vấn đề về giao thông, giáo dục, đặc biệt là hệ thống kết nối giữa người dân với chính quyền để chính quyền tiếp nhận ý kiến của người dân.

Sắp tới, khi TPHCM tổ chức kêu gọi đấu thầu từng cấu thành của đô thị thông minh, chúng ta sẽ mời các đối tác Israel và tin rằng họ sẽ tham gia, góp phần nâng cao chất lượng của các cuộc đấu thầu xây dựng thành phố thông minh tại TPHCM.

Bình luận (0)

Lên đầu trang