Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh (1-7-1915 - 1-7-2015):

Nói đi đôi với làm

(CATP) Sau năm 1975, từ lãnh đạo tiến hành chiến tranh giải phóng, chuyển sang quản lý kinh tế - xã hội là một thách thức lớn đối với Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh, nhất là trong bối cảnh đất nước còn bị đe dọa từ nhiều phía thù địch.

 

Sau 10 năm, qua bao thăng trầm, khi thì xuống tận đồng bằng Tây Nam bộ chạy ăn từng bữa cho nhân dân thành phố, khi thì vất vả cùng từng xí nghiệp xử lý vật tư cho kế hoạch ba phần, khi thì lên tận Đà Lạt để thuyết phục Bộ Chính trị bằng thực tiễn sinh động và sáng tạo của thành phố dưới sự lãnh đạo của đồng chí trong cương vị Bí thư Thành ủy; 10 năm sau, năm 1985, đồng chí Nguyễn Văn Linh chỉ đạo cho đồng chí Trần Bạch Đằng chủ trì nhóm cán bộ chúng tôi làm tổng kết “Thành phố Hồ Chí Minh - 10 năm (1975 - 1985)”.

Đồng chí Trần Bạch Đằng băn khoăn hỏi:

- Tổng kết thì phải nêu rõ nguyên nhân đúng sai, chỉ ra cách sửa chữa. Điều đó ít nhiều đụng chạm đến lãnh đạo chung. Nên làm như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Văn Linh điềm đạm giải thích:

- Đúng là phải nói thẳng những ưu khuyết điểm thì mới tìm ra bài học cho 10 năm. Chúng ta tổng kết công việc của thành phố trực thuộc Trung ương trên tinh thần tự phê bình, chớ không phải là bảng kể lể thành tích, càng không phải đổ lỗi cho người khác. Chúng ta có những ưu điểm, đồng thời có nhiều sai sót, nhưng điều quan trọng là chúng ta bắt chính những sai sót đó cung cấp cho chúng ta thêm tri thức. Như vậy chúng ta có được bài học để tiến hành nhiệm vụ tốt hơn trong tương lai, đó chính là thực chất của bản tổng kết!

Đồng chí Nguyễn Văn Linh (áo trắng) thăm địa đạo Củ Chi (TPHCM) vào tháng 5-1990 - Ảnh: TL

Chúng tôi nhớ mãi phân tích của đồng chí Nguyễn Văn Linh về những vi phạm mà thành phố vấp phải: Đó là chưa nhận thức được đầy đủ thành phố Sài Gòn - Gia Định khi được giải phóng đã trở thành tài sản quý giá chung của cả nước, của nhân dân, phải biết sử dụng nó vì đời sống của nhân dân, không được phí phạm.

Mặt khác, Sài Gòn - Gia Định là khu vực nằm dưới chế độ thực dân mới 21 năm, ta không nói về mặt chính trị phản động của nó, riêng về trình độ phát triển thì nó đã đạt mức phát triển tư bản chủ nghĩa nhất định.

Sai phạm lớn là chúng ta áp đặt phương thức quản lý của người sản xuất nhỏ, có pha tạp tính chất tự cấp tự túc. Cho nên thay vì giữ cho quy trình sản xuất tiếp tục vận hành và phát triển để tận dụng tài sản quý giá đó thì chúng ta lại vội vàng sửa đổi cơ chế, phủ nhận từ khoa học quản lý đến quy trình kỹ thuật, khiến cho một cơ sở sản xuất phải chịu rất nhiều đầu mối chỉ huy, tùy tiện trong khâu quản lý kỹ thuật; cùng với chế độ cung ứng vật tư bất hợp lý của ta, cuối cùng làm tê liệt dây chuyền hoạt động của các cơ sở...

Đặc biệt là cơ chế hành chính bao cấp cộng với tệ quan liêu trong tất cả các ngành, nhất là trong lưu thông phân phối, làm trầm trọng thêm tình hình mất cân đối trong nền kinh tế. Công bằng mà nói, trong chiến tranh, cơ chế này cần cho sự huy động có hiệu quả lực lượng trong cộng đồng dồn nhân tài vật lực cho tiền tuyến để chiến thắng, nhưng trong hòa bình xây dựng thì rõ ràng không phù hợp, thậm chí cản trở.

“Chúng ta đã kéo dài khuyết điểm đó trong một số năm - đồng chí Nguyễn Văn Linh nói. Nhưng chính chúng ta đã kịp đề ra sáng kiến khắc phục bằng kế hoạch 3 phần, bảo đảm ba lợi ích: lợi ích Nhà nước, lợi ích xí nghiệp và lợi ích người lao động; mạnh dạn sử dụng ngoại thương trực tiếp, bảo đảm nguồn nguyên liệu cho nhà máy, gắn nền kinh tế thành phố với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như một thể thống nhất...

Nhìn chung là chúng ta đưa nền kinh tế vận hành theo quy luật khách quan của nó. Thành phố tự phê bình như vậy thì chắc mọi người đều chấp nhận. Hơn nữa, chúng ta hiểu rằng Trung ương chỉ đạo chung dựa vào thực tiễn từ cơ sở. Nếu chúng ta là cấp gắn bó với quần chúng cơ sở, mà chúng ta không chỉ ra được nhân tố mới của tình thế để góp phần vào sự chỉ đạo chung thì chính chúng ta cũng có lỗi”.

Đồng chí chia sẻ: “Tôi đồng ý với nhận xét của anh Trần Bạch Đằng: Khi không nhìn thấy nụ cười trên gương mặt người dân thành phố thì chúng ta hiểu ngay rằng chính sách của chúng ta có vấn đề. Đó là sự nhạy cảm của người cộng sản chân chính khi Đảng cầm quyền”.

Tất cả những trăn trở của thời kỳ mà đồng chí gọi là “Giai đoạn khủng hoảng trưởng thành”, mở đầu cho đường lối “Đổi mới” kể từ sau Đại hội VI của Đảng năm 1986. Chính trong Đại hội VI, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã được bầu vào vị trí lãnh đạo cao nhất: Tổng bí thư Đảng.

Tôi nhớ lại bài học năm cũ từ đồng chí: “Phải nắm được thực chất của sự việc. Mà muốn nắm đúng thì suy nghĩ của chúng ta phải bắt kịp quy luật phát triển biện chứng của sự việc”. Sau ngày toàn thắng, chủ trương “Đổi mới” là một nội dung rất quan trọng, tạo bước ngoặt trong đường lối. Đương nhiên đổi mới phải rất toàn diện, phải nắm rất sâu kiến thức khoa học, kỹ thuật, khoa học quản lý...

Nhưng quan trọng nhất vẫn là “Đổi mới tư duy”, tức phải nắm được bản chất của sự vật trong quá trình phát triển biện chứng của nó. Từ đó, xác định các mũi đột phá: Đột phá về thể chế; đột phá về nguồn nhân lực; đột phá về cơ sở hạ tầng kỹ thuật... Không dũng cảm phá vỡ cái vỏ trì trệ của nếp nghĩ cũ thì không thể nắm bắt được thực chất của các biến chuyển xã hội, và sẽ tụt hậu trong bối cảnh cả thế giới phát triển nhanh như vũ bão!

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Linh, chúng ta nhớ đồng chí Nguyễn Văn Linh đã dặn: Phải nắm được thực chất và quy luật phát triển biện chứng của sự việc! Và nhất là phải “Nói đi đôi với Làm”, tập trung “Những việc cần làm ngay”!

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang