Thành lập Học viện tòa án để 'gần dân, giúp dân, học dân'

Thứ Ba, 29/03/2016 09:00  | Đoàn Tuấn

|

(CAO) Chiều 28-3, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC) đã long trọng tổ chức Lễ Công bố Quyết định thành lập và ra mắt Học viện Tòa án, đồng thời kết hợp khai mạc kỳ tuyển chọn Thẩm phán năm 2016.

Theo đó, Học viện Tòa án được thành lập theo Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 30-7-2015 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở Trường Cán bộ tòa án và thuộc TAND Tối cao.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại buổi lễ

Trước đó, được sự giúp đỡ của chính phủ Hàn Quốc, ngày 5-11-2012, Trường Cán bộ tòa án chính thức chuyển từ phố Đội Cấn về xã Kim Sơn trên mặt bằng 5 ha với cơ ngơi 2 tòa nhà làm việc cùng ký túc xá khang trang.

Nhiệm vụ của Học viện Tòa án là hoạch định các chủ trương lớn về chương trình đào tạo, đào tạo lại, thi thẩm phán và thi nâng ngạch công chức tòa án; bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ dài hạn, ngắn hạn cho các chức danh công chức thuộc ngành tòa án.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao quà kỷ niệm cho Học viện tòa án

Cùng với đó phải đảm bảo sự thống nhất giáo trình, tài liệu giảng dạy, giảng viên, kế hoạch tổ chức thực hiện và các vấn đề quan trọng khác liên quan. Ngoài ra, Học viện Tòa án còn tổ chức đào hệ cử nhân luật và dự kiến tháng 8-2016 tới đây sẽ tuyển sinh khóa học đại học đầu tiên.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: Học viện là cơ sở giáo dục đại học công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân trực thuộc TAND Tối cao, thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tòa án; đào tạo đại học và sau đại học cán bộ lãnh đạo, quản lý, thẩm phán, thư ký tòa án, thẩm tra viên, hội thẩm nhân dân và công chức tòa án. Đây là sự kiện có ý nghĩa to lớn trong thực hiện cải cách tư pháp của TAND.

Chủ tịch nước chụp ảnh lưu niệm tại buổi ra mắt Học viện tòa án

Chủ tịch nước đề nghị Học viện Tòa án cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ: Quán triệt sâu sắc, nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng, luật pháp của Nhà nước, nhất là về lĩnh vực Tư pháp, để định hướng xây dựng và phát triển Học viện.

Sinh viên, học viên sau khi tốt nghiệp Học viện phải là những người tinh thông về luật pháp, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, nhuần nhuyễn về kỹ năng thực hành, có kiến thức xã hội rộng, có quan điểm “gần dân, giúp dân, học dân”, đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế của đất nước.

Học viện Tòa án phải trở thành một trung tâm nghiên cứu khoa học xét xử có uy tín; Giảng dạy và nghiên cứu khoa học của Học viện phải góp phần tích cực vào nâng cao chất lượng xét xử của các Tòa án.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC Trương Hoà Bình phát biểu

Tăng cường hợp tác quốc tế với tòa án, cơ sở đào tạo pháp lý, đào tạo các chức danh tư pháp các nước trong khu vực và thế giới. Thường xuyên trao đổi, học tập kinh nghiệm, cập nhật kiến thức, tiếp thu có chọn lọc thành tựu về đào tạo cán bộ tòa án, giải quyết các tranh chấp tư pháp quốc tế, đặc biệt là các tranh chấp về chủ quyền và liên quan đến thương mại quốc tế, sở hữu trí tuệ, đáp ứng tình hình hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trồng cây lưu niệm tại Học viện tòa án

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TAND Tối cao, hứa sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang 70 năm xây dựng và phát triển; đồng thời, khắc phục những mặt hạn chế; nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, chung sức chung lòng, đẩy mạnh thi đua, hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó.

Bình luận (0)

Lên đầu trang