TP.HCM không chủ quan, lơ là trước bão số 12

Thứ Năm, 02/11/2017 15:41  | Lê Ngân

|

(CAO) Sáng 2-11, ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM chủ trì cuộc họp với các sở - ngành liên quan và UBND 24 quận - huyện về triển khai các phương án, biện pháp phòng, tránh, ứng phó với vùng áp thấp gần bờ và bão số 12 trên địa bàn TP.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Phước Trung - Phó trưởng Ban Thường trực Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCLB & TKCN) TP.HCM cho biết, trước diễn biến của vùng áp thấp gần bờ và bão số 12, Ban Chỉ huy PCLB & TKCN TP đã ban hành các công văn đề nghị các sở - ngành, đơn vị liên quan và UBND 24 quận - huyện khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó với vùng áp thấp gần bờ và bão số 12, đặc biệt là công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động thủy sản trên biển và tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ để chủ động phòng, chống, ứng phó theo phương án.

Quang cảnh cuộc họp triển khai các phương án, biện pháp phòng, tránh, ứng phó với vùng áp thấp gần bờ và bão số 12

Đồng thời, chỉ đạo nhắn tin tình hình, diễn biến của vùng áp thấp gần bờ và bão số 12. Đặc biệt khi bão số 12 có nguy cơ đổ bộ vào TP.HCM, Ban Chỉ huy PCLB & TKCN TP sẽ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TP và các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn TP thực hiện công tác thông tin đến nhân dân trên địa bàn TP bằng hình thức nhắn tin cảnh báo thiên tai qua mạng, thông tin di động.

Theo số liệu thống kê, hiện nay tổng số tàu thuyền trên địa bàn thành phố là 836 chiếc, tổng số thuyền viên là 3.348 người; trong đó tổng số tàu thuyền đang hoạt động trên biển (tàu trên 90CV) là 9 chiếc với tổng số thuyền viên là 87 người hiện đang di chuyển về nhà giàn DK1, Bến Tre, đảo Thổ Chu và huyện Cần Giờ. Riêng các tàu có công suất nhỏ hơn 90CV tập trung chủ yếu ở 3 xã Long Hòa, Thạnh An và thị trấn Cần Thạnh, các tàu thuyền này đánh bắt ở vùng biển ven bờ, sáng đi, chiều về bến. Hiện nay, Ban Chỉ huy PCLB & TKCN TP đang theo dõi chặt chẽ diễn biến, hướng di chuyển của vùng áp thấp gần bờ và bão số 12 để tham mưu việc cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt hải sản nhằm đảm bảo an toàn cho ngư dân.

Về tình hình đảm bảo an toàn hồ chứa và mực nước trên sông Sài Gòn, theo báo cáo của Công ty TNHH MTV khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, hiện nay mực nước hồ Dầu Tiếng đang ở mức cao và đơn vị tạm ngưng xã lũ vào chiều 1-11. Ngoài ra, hiện nay tình hình mực nước triều cường trên sông Sài Gòn đang lên nhanh nên Ban Chỉ huy PCLB & TKCN TP đề nghị các sở - ngành, UBND các quận - huyện trên địa bàn TP khẩn trương thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống, ứng phó đợt triều cường đầu tháng 11.

Ông Trần Minh Dũng - Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, huyện Cần Giờ đã tổ chức thống kê toàn bộ số hộ dân cần phải di dời theo đúng thực tế, cũng như phân công lực lượng, lập danh sách các phương tiện hiện có trên địa bàn để chủ động triển khai các phương án khi có yêu cầu, tổ chức các điểm tập kết nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, thống kê số căn nhà không an toàn khi có ảnh hưởng thiên tai, tuyên truyền vận động nhân dân chằng chống nhà cửa.

Qua khảo sát sơ bộ, nếu ở mức độ bão mạnh thì khả năng di dời cả xã đảo Thạnh An và các hộ dân sống ven sông dự kiến trên 6.000 người, số nhà cửa cần chằng chống khoảng 710 căn. Ngay từ ngày 1-11, các lực lượng trên địa bàn huyện tham gia ứng trực tại chỗ và chuẩn bị những công việc khi có chỉ đạo của TP; toàn bộ công việc thực hiện theo đúng phương án để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền và sản xuất.

Áp thấp nhiệt đới mạnh thành bão, vào gần bờ giật cấp 14
 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm phát biểu tại buổi họp

Phát biểu chỉ đạo tại buổi họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm nhấn mạnh công việc phòng, chống, ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão lũ là công việc thường xuyên nên không được chủ quan, lơ là; đặc biệt vừa qua TP đã có diễn tập về phòng thủ dân sự (phòng, chống, ứng phó khi bão đổ bộ vào TP.HCM). Hiện TP có 3 phương án là phòng, chống khi bão đổ bộ vào TP; ứng phó với áp thấp, bão vào biển Đông; ứng phó với tình trạng hồ Dầu Tiếng xả lũ và triều cường.

Phó Chủ tịch Thường trực yêu cầu các sở - ngành liên quan và UBND 24 quận - huyện chủ động phòng chống ứng phó với vùng áp thấp gần bờ và bão số 12 bộ vào đất liền kết hợp triều cường dâng cao. Các quận, huyện chủ động kiểm tra các vị trí xung yếu để có phương án di dời người dân theo phương châm 4 tại chỗ và 3 sẵn sàng, nếu gặp khó khăn báo cáo UBND TP xử lý. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến của vùng áp thấp gần bờ và bão số 12 để tính toán phương án phòng, chống kịp thời. Bộ đội Biên phòng TP và Chi cục Thủy sản TP nắm bắt tàu thuyền hoạt động trên biển để thông báo cho các chủ tàu thuyền di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm, tránh trú an toàn.

Ban chỉ huy phòng chống bão lụt và cứu nạn TP.HCM có chỉ đạo cho các sở ngành: Sở Giao thông vận tải cần chặt tỉa cây xanh dễ đổ ngã, đảm bảo giao thông huyết mạch thông suốt tại các tuyến đường quan trọng, cửa ngõ ra vào TP; theo dõi tình hình mưa, bão, ngập úng để điều tiết giao thông qua lại trong đường hầm vượt sông Sài Gòn đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Tổng Công ty Điện lực TP - TNHH bảo đảm nguồn điện liên tục, phục vụ cho cơ quan, đơn vị chỉ đạo, cảnh báo, dự báo, thông tin liên lạc, bơm tiêu ở cấp TP và quận - huyện; bảo vệ hệ thống điện, thiết bị điện, trạm biến thế, công trình điện lực; xử lý khắc phục nhanh chóng sự cố đường dây tải điện bị hư hỏng, chuẩn bị máy phát điện dự phòng khi TP bị ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới.

Sở Du lịch, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - TNHH MTV không cho các tàu chở khách du lịch tham gia hoạt động trên sông, biển trong điều kiện thời tiết nguy hiểm, sóng to, gió lớn và kiểm tra chặt chẽ các biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách trên tàu trước khi xuất bến.

Sở Y tế chuẩn bị vật tư, thuốc men cần thiết để chủ động đáp ứng nhu cầu cứu thương và khắc phục hậu quả, đảm bảo điều kiện sinh hoạt, cứu tế cho nhân dân, vệ sinh môi trường. Các Bệnh viện - Trung tâm Y tế dự phòng TP, quận - huyện, Trạm Y tế các phường - xã - thị trấn triển khai phương án huy động lực lượng y - bác sỹ tại chỗ, chuẩn bị đủ cơ số thuốc men các phương tiện, thiết bị chuyên ngành để cấp cứu, chữa bệnh, phòng dịch kịp thời…

Bình luận (0)

Lên đầu trang