“Việt Nam luôn cam kết thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tra tấn”

Thứ Sáu, 12/10/2018 14:51

|

(CAO) Đó là khẳng định của Trung tướng, GS.TS Nguyễn Ngọc Anh - Cục trưởng Cục pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp - Bộ Công an vào sáng 12-10-2018, trong hội thảo tham vấn ý kiến về dự thảo hồ sơ bảo vệ Báo cáo Quốc gia về thực thị công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, tại cơ quan thường trực phía Nam của Bộ Công an (TPHCM).

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo của TAND, VKSND, Hội luật sư cũng như đại diện của lực lượng công an một số địa phương các tỉnh, thành phía Nam.

Tại hội nghị, Trung tướng GS.TS Nguyễn Ngọc Anh khẳng định công ước chống tra tấn là một trong 9 công ước cốt lõi về quyền con người của Liên hợp quốc (LHQ), được thông qua ngày 10-12-1984 và có hiệu lực từ ngày 26-6-1987.

Nội dung công ước phù hợp với chủ trương của Đảng và nhà nước ta trong việc bảo vệ quyền con người, do đó Việt Nam đã tích cực, khẩn trương phê chuẩn công ước vào ngày 28-11-2014 và đến tháng 3-2015 thì có hiệu lực.

Đây là sự kiện pháp lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công cuộc bảo vệ quyền con người và thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng và nhà nước Việt Nam, góp phần thực thi Hiến pháp của nước CHXHCN Việt Nam.

Ngay sau khi trở thành thành viên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 364/QĐ-TTg về việc triển khai công ước để trên cơ sở đó Bộ Công an đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng báo cáo quốc gia lần thứ nhất và các biện pháp Việt Nam đã tiến hành thực hiện nghĩa vụ thành viên theo hướng dẫn của LHQ.

Sau nhiều nỗ lực, ban soạn thảo và các cơ quan đơn vị liên quan và ngày 28-4-2017, Báo cáo quốc gia đã được Thủ tướng phê duyệt trước khi đệ trình lên Ủy ban chống tra tấn của LHQ theo quy định tại điều 19 Công ước.

Các đại biểu tham gia hội thảo
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Ngọc Anh phát biểu tại hội thảo

Theo đó, nội dung được đưa ra thảo luận tập trung vào: liệt kê, phân tích, đối chiếu, so sánh nội dung 16 điều của Công ước với quy định của pháp luật Việt Nam, từ đó đưa ra những đánh giá, nhận định mức độ tương thích, phù hợp của pháp luật Việt Nam với nội dung của công ước cũng như việc thực thi công ước của Việt Nam.

Theo đó những nội dung như: Khái niệm về tra tấn; Các biện pháp phòng ngừa các hành vi tra tấn; Quyền và nghĩa vụ hình sự hóa các hành vi tra tấn và các biện pháp kỷ luật khác; Việc trục xuất, trao trả, dẫ độ; Phổ biến tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật; hệ thống những nguyên tắc, chỉ thị, phương pháp và các thông lệ cũng như bố trí giam giữ, đối xử với người bị bắt; quyền khiếu nại tố cáo; Việc bồi thường cho các nạn nhân của hành vi tra tấn… đã được các đại biểu đưa ra thảo luận, đóng góp ý kiến.

Qua đó, báo cáo nêu bật cam kết của Việt Nam trong việc tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp lập pháp, hành pháp, tư pháp trong đấu tranh phòng chống tra tấn, trong đó nhấn mạnh các hoạt động trước mắt và lâu dài như: Tăng cường áp dụng và triển khai các biện pháp phòng ngừa hành vi tra tấn trên toàn lãnh thổ Việt Nam; Đẩy mạnh hoạt động và nâng cao hiệu quả của các cơ chế giám sát thực thi pháp luật và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam; Mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia thành viên của công ước trong hợp tác đấu tranh phòng chống tra tấn và các tội phạm khác có liên quan đến tra tấn, đồng thời trao đổi thông tin, kinh nghiệm về tổ chức, thực thi công ước cũng như thực tiễn các biện pháp phương tiện, sử dụng trang thiết bị có hiệu quả về phòng chống tra tấn.

Theo chương trình làm việc của Uỷ ban chống tra tấn, đoàn công tác liên ngành của Việt Nam do Bộ Công an chủ trì dự kiến sẽ trình bày và bảo vệ Báo cáo quốc gia trước LHQ diễn ra tại Geneve - Thụy Sĩ trong các ngày 14 và 15-11-2018.

Việc xây dựng và bảo vệ Báo cáo quốc gia về chống tra tấn là một trong những nhiệm vụ quan trọng thể hiện trách nhiệm, nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực thi các nghĩa vụ thành viên đối với công ước chống tra tấn của LHQ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang