Chống tham nhũng: Không dừng, không nghỉ, không chùng xuống!

Thứ Tư, 04/09/2019 14:16

|

(CAO) "Công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) “không dừng, không nghỉ, không chùng xuống” là nhận định của Chính phủ trong báo cáo tại phiên họp của Uỷ ban Tư pháp Quốc hội chiều nay (4-9). 

Với tinh thần trên, báo cáo do Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm trình bày cho biết,  tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm, mặc dù vẫn còn xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhất là tình trạng “tham nhũng vặt” trong giải quyết công việc để vụ lợi.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm báo cáo tại phiên họp

Thống kê từ 1-10-2018 đến 31-7-2019 cho thấy, Tòa án Nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 344 vụ với 849 bị cáo (tăng 31 vụ so với năm 2018);  xét xử sơ thẩm 240 vụ, 517 bị cáo về các tội danh tham nhũng.

Trong số này tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng là 402 bị cáo; số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ là 103 bị cáo. 9 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân.

Đối với các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo, Bộ Công an giao cơ quan Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu điều tra, xác minh 31 vụ án, 27 vụ việc, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công thụ lý điều tra 1 vụ án.

Đáng chú ý, theo Chính phủ, các vụ án tham nhũng đã được đẩy mạnh điều tra, xử lý. Nhiều vụ án được mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều bị can, làm rõ bản chất chiếm đoạt, tham nhũng; tiếp tục khẳng định quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong đấu tranh PCTN...

Cũng theo báo cáo,  qua việc tự kiểm tra nội bộ đã phát hiện 19 vụ, 22 đối tượng (bằng số vụ và tăng 4,7% số đối tượng so với năm 2018). Qua hoạt động thanh tra đã phát hiện 48 vụ, 37 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng, qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 13 vụ, 30 đối tượng, giảm 61,7% số vụ.

“Nhìn chung, tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm mặc dù vẫn còn xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhất là tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi" - báo cáo nêu rõ và dự báo thời gian tới, công tác PCTN sẽ tiếp tục đạt được kết quả toàn diện, tích cực, đậm nét.

Nhìn nhận những hạn chế trong công tác PCTN, Chính phủ thừa nhận việc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 còn chậm so với kế hoạch đề ra, công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong một số vụ án, vụ việc cụ thể chưa tốt.

Dẫn chứng vụ án xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ông Liêm thông tin, các cơ quan tiến hành tố tụng còn có quan điểm khác nhau trong việc giải quyết vấn đề dân sự có liên quan đến vụ án.

Ở vụ án Phan Văn Anh Vũ và các đồng phạm xảy ra tại Đà Nẵng, TPHCM, theo ông Liêm,  còn có quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tố tụng trong việc xác định thiệt hại và áp dụng biện pháp tư pháp...

Công tác giám định, định giá tài sản có nhiều tiến bộ, nhưng theo người đứng đầu ngành thanh tra, vẫn còn một số trường hợp chậm ban hành kết luận giám định, định giá tài sản làm kéo dài thời gian giải quyết các vụ án, vụ việc. Công tác thu hồi tài sản trong giai đoạn thi hành án đạt tỷ lệ chưa cao, trong số 37 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, tính đến hết tháng 6-2019, cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) các cấp đã thi hành xong 9.454 tỷ đồng/68.856 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 13,73% trên tổng số phải thu.

Trong khi đó, tình trạng “tham nhũng vặt” vẫn xảy ra ở nhiều nơi chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Vẫn còn xảy ra sai phạm, tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật. 

Thời gian tới, Chính phủ đề nghị Quốc hội tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát đối với công tác PCTN, nhất là giám sát việc thi hành các quy định mới của Luật PCTN năm 2018 và hoạt động của các cơ quan có chức năng PCTN; xây dựng Chương trình sửa đổi Luật Thanh tra nhằm tăng cường thể chế, chính sách cho Ngành thanh tra trong công tác quản lý nhà nước về PCTN và hoạt động thanh tra phát hiện, xử lý vi phạm, tiêu cực, tham nhũng.

Chính phủ cũng đề nghị các cơ quan tố tụng tiếp tục chú trọng việc thu hồi tài sản tham nhũng trong hoạt động tố tụng; kiên quyết áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng ngay trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử...

Theo Chính phủ, cần hoàn thiện hệ thống theo dõi, đánh giá, tổng hợp thông tin, dữ liệu về kết quả điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tham nhũng đáp ứng các tiêu chí đánh giá công tác PCTN theo quy định của Luật PCTN năm 2018.

Bình luận (0)

Lên đầu trang