Kỷ niệm 60 năm mở đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh (19-5-1959 - 19-5-2019):

Đập tan ý đồ “chặn đầu, khóa đuôi” của Mỹ ở Trường Sơn

Thứ Năm, 16/05/2019 12:07

|

(CATP) “Mưu đồ “chặn đầu, khóa đuôi” tuyến chi viện chiến lược đã được Mỹ thực thi ở tầm chiến lược. Cuộc chiến đấu của các lực lượng trên tuyến chi viện chiến lược luôn đối mặt với thực tế: cuộc chiến tranh ngăn chặn và chống ngăn chặn nơi đây đan cài trong nhau. Địch đánh, ta đánh trả và khắc phục tổn thất, hư hại; địch lại đánh và ta lại khắc phục. Vòng quay cứ lặp đi, lặp lại gần như quy luật. Ngày nối ngày, tháng nối tháng, năm nối năm” - trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn) từng khái quát như vậy.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

CHỐNG TẮC ĐƯỜNG

Khu vực “cán xoong” tỉnh Quảng Bình là mục tiêu đánh phá dữ dội nhất, trở thành những “tọa độ lửa” của không lực Mỹ, như: bến phà Long Đại, Xuân Sơn, Cung đường 12... Đại tá Phan Hữu Đại (nguyên Chính ủy Sư đoàn 571, Bộ đội Trường Sơn) nhớ như in: “Mỹ đã sử dụng máy bay B52 đánh liên tục 11 ngày vào trọng điểm ATP, cày xới nát núi rừng, tắc toàn bộ tuyến này. Anh Nguyên gọi hỏi tôi:

- Anh trực tiếp ra trận địa đào hầm chỉ huy khôi phục toàn bộ đường?

- Khôi phục thế nào được, ngày nào nó cũng đánh?

- Tìm đường tránh - anh Nguyên “chốt” lại.

Lúc đó, chúng tôi cho triển khai làm ngay ba đường tránh đi vòng, một mặt cho xe cơ giới lên sửa chữa đường cũ đã bị đánh phá để... “mời” máy bay B52 đến ném bom tiếp. Những đường tránh mới làm cho xe chạy bình thường. Đây được xem là trận địa làm đảo ngược tình thế. Thằng địch không thể ngờ tới tính sáng tạo này”.

Cầu Long Đại (đường Hồ Chí Minh và đường sắt) tại huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Trước đây là bến phà và cầu phao, trở thành “tọa độ lửa” của không quân Mỹ Ảnh: HẢI LUẬN

Thiếu tướng Ngô Huy Biên (nguyên Tham mưu trưởng Phòng không, Bộ đội Trường Sơn), kể: “Anh Nguyên hỏi tôi:

- Mỗi ngày có bao chiếc máy bay đến đánh trên tuyến đường Trường Sơn?

- Báo cáo anh, tối đa không quá 200 chiếc.

- Vậy thì trên tuyến Trường Sơn có khoảng 50 trọng điểm đánh phá và có thể bị tắc đường. Bây giờ, anh phải đảm bảo cho tôi, địch muốn đánh một trọng điểm nào đó gây tắc, phải điều động từ 10 - 15 chiếc máy bay đánh phá. Vậy 200 chiếc chia cho 50 trọng điểm, thế thì mỗi ngày nó chỉ tập trung đánh tắc 2 - 3 trọng điểm. Còn các trọng điểm khác vẫn yên tâm đi được. Cần bố trí pháo cao xạ, tên lửa tập trung ở những điểm có thể bị máy bay đánh tắc đường, để đánh trả quyết liệt, bảo vệ mặt đường cho xe đi qua.

Chúng tôi đã áp dụng theo mưu kế của anh Nguyên, nhờ đó giảm tầng suất tắc đường đáng kể”.

ĐẬP TAN “HÀNG RÀO BỘ BINH”

Cuộc chiến tranh ngăn chặn đối với đường Trường Sơn đã được Tổng thống Mỹ Ních-xơn, người kế nhiệm Giôn-xơn, đẩy lên một nấc thang mới. Ngăn chặn bằng chiến tranh “tự động hóa”, “điện tử hóa”, “hóa học hóa” và chiến tranh tổng lực. Mỹ thả “cây nhiệt đới” xuống mọi ngã đường, thành trạm thu tín hiệu về trung tâm tác chiến, mỗi khi có ôtô, bộ đội hành quân qua, chỉ vài phút sau, từng tốp máy bay đến ném bom.

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã cho thành lập những đơn vị chuyên săn tìm “cây nhiệt đới”. Khi phát hiện “cây nhiệt đới”, bộ đội ta đưa máy nổ cũ đến sát và cho nổ để nghi binh. Cứ thế, từng phi đội máy bay địch kéo đến ném bom xuống những cánh rừng hoang.

Mọi chiến thuật, chiến lược của Mỹ đưa ra ở Trường Sơn đều bị phá sản. Mỹ đã lập “hàng rào bộ binh” chắn ngang đường Trường Sơn, tại Đường 9 - Khe Sanh (Quảng Trị). Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên từng kể: “Vùng Quảng Trị là trung tâm dự trữ lớn hậu cần, súng đạn... cho toàn bộ chiến trường miền Nam. Mỹ sử dụng không quân ngăn chặn, ta không sợ. Nhưng âm mưu sử dụng bộ binh để cắt đứt tuyến đường chiến lược và lập bức tường chắn ngang rừng Trường Sơn, đây mới là vấn đề ta quan tâm nhất.

Nếu như quân ta không đập tan “hàng rào bộ binh” ở đây thì không thể nào có những cuộc đánh lớn ở miền Nam được. Do vậy, ta tập trung lực lượng chủ lực tinh nhuệ nhất, không buông tha trước mọi thái độ của địch. Sự thật quân ta đã chặt đứt toàn bộ “hàng rào bộ binh” này”.

Nhà thời họ Nguyễn, thôn Đông Cổ Hiền, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình từng làm Sở chỉ huy Bộ tư lệnh Bộ đội Trường Sơn. Năm 1973, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã có cuộc làm việc lịch sử tại đây. Ảnh: Hải Luận

TẠO BƯỚC THỜI CƠ NHẢY VỌT

Tết Quý Sửu (năm 1973), Tổng bí thư Lê Duẩn đã vào Quảng Bình tìm hiểu thực tế để chuẩn bị vạch kế hoạch chiến lược lớn. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tường thuật lại buổi làm việc của Tổng bí thư tại Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn (đặt tại nhà thờ họ Nguyễn ở thôn Đông Cổ Hiền, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình): “Tôi đã báo cáo với Tổng bí thư Lê Duẩn khá đầy đủ về tình hình mở đường, vận tải hậu cần vào chiến trường, nâng cấp hệ thống thông tin. Tổng bí thư hỏi:

- Nếu một sư đoàn hành quân từ Nam Quảng Bình vào Bù Đăng, Bình Phước, đi hết bao nhiêu ngày?

- Báo cáo anh, một trung đoàn xe vận tải chở một sư đoàn, hành quân đi thẳng không dừng ở các binh trạm, hết 8 ngày là đến nơi.

- Nếu một quân đoàn kèm theo vũ khí, phương tiện kỹ thuật, đi bao nhiêu ngày?

- Một sư đoàn xe độc lập chở gọn một quân đoàn, cũng mất 8 ngày vào điểm tập kết.

Tôi nói đến đây, nét mặt Tổng bí thư Lê Duẩn tươi hẳn lên. Bất thình lình, ông nói: “Thế đã rõ. Đáp số là đây!”.

Về nhận định trên của Tổng bí thư, ông Nguyên giải thích: “Muốn giải phóng hoàn toàn miền Nam, nhất định phải có các đơn vị quân chủ lực tinh nhuệ miền Bắc đưa vào tham chiến. Trước đây, một người lính hành quân từ miền Bắc vào miền Nam mất 6 tháng. Bây giờ, cả một quân đoàn hành quân mất 8 ngày. Đây là đáp số mà Tổng bí thư Lê Duẩn đã tìm ra tại đường Trường Sơn. Trước đó, chúng tôi đã cho thành lập 2 sư đoàn xe vận tải độc lập. Đây là điểm bất ngờ lớn cho đối phương về khả năng đảm bảo hậu cần và di chuyển quân của ta”.

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên mời Tổng bí thư Lê Duẩn đến cầu phao Long Đại để kiểm tra thực tế, điểm “nút cổ chai” của tuyến đường Trường Sơn. Tại đây, ông Nguyên cho bắc hai cầu phao để hai làn xe chạy liên tục không dừng.

Lấy lạ, Tổng bí thư hỏi ông Nguyên: “Lúc khó khăn, anh cho bắc hai cầu phao như vậy lãng phí quá?”. “Nếu chỉ bắc một cầu phao, xe đến đây phải dừng lại, chờ nhau để vượt sông. Như vậy là vô nghĩa. Hai cầu phao cho phép xe chạy tuyến vào - tuyến ra không bị gián đoạn về tốc độ, vận tải phải nhanh hơn tốc độ phát triển ở các chiến trường” - ông Nguyên trả lời.

Về Hà Nội, Tổng bí thư Lê Duẩn đã yêu cầu Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng cho thành lập “Tổ trung tâm” để soạn thảo kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. Tháng 10-1973, ở miền Bắc, Quân đoàn 1 mang tên Quyết Thắng, binh đoàn chủ lực cơ động chiến lược đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập. Năm 1974, tiếp tục thành lập Quân đoàn 2, 3, 4 để đủ sức tiến công toàn diện các chiến trường miền Nam.

Bình luận (0)

Lên đầu trang