Vị Chính ủy của đường Trường Sơn huyền thoại

Thứ Hai, 13/05/2019 18:06

|

(CATP) Qua một cơ duyên, tôi có cuộc gặp với đại tá Vũ Việt Hà tại TPHCM. Chị là con gái cố trung tướng Vũ Xuân Chiêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, vị Chính ủy một thời của đường Trường Sơn huyền thoại.

Đồng chí Vũ Xuân Chiêm - thời điểm làm Chính ủy Đoàn 559

Trong câu chuyện về Đoàn 559 đã đi vào lịch sử và qua những dòng hồi ký của những người từng sống, chiến đấu trên “dặm đường máu lửa” ấy, tôi đã biết thêm về một vị Chính ủy khiêm nhường, lặng lẽ sau những chiến công lừng lẫy của Đoàn 559.

Bản hùng ca mà ông cùng những người làm công tác Đảng, công tác chính trị viết nên là bản hùng ca “không nhạc đệm”.

KỲ 1: MỞ ĐƯỜNG MÙA MƯA

Đúng như dự đoán của Trung ương Đảng, đầu năm 1965 Mỹ chính thức phát động chiến tranh không quân leo thang phá hoại ra đến vĩ tuyến 20, tập trung đánh vào hệ thống giao thông nhằm ngăn chặn miền Bắc chi viện cho miền Nam. Trước tình hình này, Bộ Chính trị xác định giao thông vận tải là công tác trọng tâm đột xuất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân...

Nhận lệnh

Quán triệt tính chất nhiệm vụ khẩn trương, Trung ương Đảng - Chính phủ quyết định nâng cơ chế tổ chức Đoàn 559 lên tương đương cấp quân khu, trực thuộc Bộ Quốc phòng; bổ nhiệm thiếu tướng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Phan Trọng Tuệ làm Tư lệnh kiêm Chính ủy, đại tá - Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần (TCHC) Vũ Xuân Chiêm làm Phó chính ủy, thượng tá Võ Bẩm làm Phó tư lệnh.

Theo phương án hoạt động đã được Bộ tư lệnh quyết định, Đoàn 559 sẽ đổi mới toàn bộ tổ chức với 3 tuyến tương đương cấp lữ đoàn. Tuyến 1 bao gồm các lực lượng hoạt động từ Khe Ve theo đường 12 lên tây Trường Sơn, trục đất 128 vào đến đường 9. Lực lượng mở đường bảo đảm giao thông có các tiểu đoàn công binh và công nhân giao thông đảm nhiệm. Lực lượng vận tải do Trung đoàn 245 làm nòng cốt, trung tá Vũ Toàn là chỉ huy trưởng, trung tá Thắng làm Chính ủy. Sở chỉ huy đóng ở nam xóm Péng.

Đảng ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn (Vịnh Mốc 1971)

Tuyến 2 có phạm vi hoạt động từ làng Ho - Quảng Bình vượt lên tây Trường Sơn theo đường vận tải thô sơ, cắt đường 9 vào bắc bản Bạc thuộc Nam Lào, đường ngang B45 từ La Hạp xuống Trị Thiên. Lực lượng gồm trung đoàn công binh mở đường, đoàn thanh niên xung phong gùi thồ và tiểu đoàn giao liên bộ. Trung đoàn ôtô 265 vận tải tạo chân hàng vào Ho. Ban chỉ huy gồm trung tá Nguyễn Lang - Chỉ huy trưởng và trung tá Đặng Ba - Chính ủy, cơ quan chỉ huy đóng tại Tà Beng.

Tuyến 3 bắt đầu từ bản Bạc gồm sông Xê kông vào đến Tà Xẻng, đường ngang B46 từ Chà Vằn đi Khâm Đức ở hướng đông và đường C4 từ ngã ba Phi Hà đi Tà Ngâu thuộc Campuchia; gồm trung đoàn công binh mở đường, lực lượng vận chuyển thô sơ và đoàn giao liên từ Bạc vào các trạm tiếp nhận của chiến trường. Trung tá Nguyễn An là chỉ huy trưởng, trung tá Phạm Hương - Chính ủy, sở chỉ huy đóng ở nam Bạc.

Với cơ cấu tổ chức như trên, Phó chính ủy Vũ Xuân Chiêm thông báo nghị quyết của Đảng ủy Bộ tư lệnh quyết định mỗi tuyến thành lập 1 Đảng bộ, ban chấp hành tương đương cấp lữ đoàn là cấp trên trực tiếp của trung đoàn và tiểu đoàn trực thuộc.

Sau khi thông báo kế hoạch đổi mới toàn diện cơ cấu tổ chức, cơ quan Bộ tư lệnh cũng khẩn trương triển khai công tác chỉ đạo hoạt động của toàn tuyến. Đích thân Phó chính ủy Chiêm xuống từng tuyến chỉ đạo trực tiếp. Ông còn cùng Tham mưu trưởng vận tải Vũ Văn Đôn tới khu hậu cứ Khe Ve kiểm tra việc xây dựng hệ thống kho hàng. Tuy đây thuộc trách nhiệm của Cục Vận tải (TCHC) nhưng Phó chính ủy vẫn dành sự quan tâm đặc biệt, bởi là nơi tạo chân hàng lớn cho tuyến 559, có ý nghĩa quyết định thắng bại trong công tác vận chuyển chi viện.

Vượt “biển lũ”

Đầu tháng 5-1965, phía đông Trường Sơn trời vẫn nóng hầm hập nhưng bên tây thời tiết đã chuyển mùa. Chống gậy đi kiểm tra đường, Phó chính ủy Vũ Xuân Chiêm không khỏi lo lắng khi chưa vào mùa mưa mà vết bánh xe trên nền đường đất đã thành rãnh sâu. Con đường từ ngã ba La Hạp xuống phía đông, hướng đi Trị - Thiên sau khi hứng trận mưa đầu mùa đã hóa thành suối bùn dài cả trăm ki-lô-mét.

Con đường từ bản Đông vào Bạc cũng có nhiều đoạn lầy, nếu không sửa nhanh thì rất khó thực hiện chỉ tiêu tập kết chân hàng cho tuyến 3. Cả tiểu đoàn công binh cùng 600 chiến sĩ bộ binh nhanh chóng được điều động chặt cây rải đường chống lầy.

Thế nhưng, chưa đầy một tuần sau đó, những cơn mưa rừng ào ạt trút xuống khiến ngay cả tuyến 1 cũng tắc nghẽn, dù Bộ tư lệnh đã tập trung sức cho công trình mở đường 128 nối từ xóm Péng chạy song song với đường 129 vượt Cốc Mạc, Văng Mu tới đường số 9. Tuyến 3 càng khó khăn hơn vì sâu quá.

Từ Bạc vào Tà Xẻng gần Ba biên giới mấy năm qua là tuyến gùi và đường thồ dài khoảng 250km, nhiều núi cao, vực sâu hiểm trở. Muốn mở đường cho ôtô qua đoạn này phải đào đi khối lượng đất đá vô cùng lớn, trong khi phương tiện cơ giới thì không có. Bộ tổng đã đưa vào một trung đoàn công binh chủ lực trang bị hùng hậu, dự kiến đến cuối tháng 10-1965 thông đường, nhưng qua 2 tháng (đến cuối tháng 6) mới hoàn thành được 32km.

Một buổi họp tại hầm chỉ huy Đoàn 559

Lường trước được việc chậm tiến độ, Phó chính ủy Vũ Xuân Chiêm đề xuất Bộ tư lệnh tăng cường lực lượng gùi gánh và thuyền vận tải, đồng thời xin bộ cho quan hệ với các tỉnh hỗ trợ lực lượng mở đường trong mùa mưa. Đúng thời điểm này máy bay Mỹ điên cuồng bắn phá khiến hệ thống giao thông nhiều nơi tê liệt, lương thực phục vụ cho chiến trường trở nên vô cùng cấp bách.

Trong hoàn cảnh đó, TCHC và Đoàn 559 lại nhận lệnh từ Quân ủy Trung ương phải bằng mọi cách bổ sung khẩn cấp khối lượng chi viện cho B2, trực tiếp bảo đảm cho Mặt trận B3 đủ sức trụ vững trên chiến trường Tây nguyên...

Trước tình thế vô cùng cấp bách, Phó chính ủy Chiêm đề nghị họp Đảng ủy mở rộng bàn kế hoạch tháo gỡ. Quyết tâm “vượt biển lũ” được đưa ra sau 1 tuần họp căng thẳng.

Mỗi địa vực có đặc điểm, hình dạng riêng, từ “biển lũ” Tà Xình - Bản Bạc đến “biển lũ” Mường Noòng - Tà Beng hay “biển lũ” Seng Phan, nơi vẫn được gọi là “túi nước”, song tựu trung lại, “biển lũ” Trường Sơn đều ẩn trong mình nó sự dữ dội, khó lường. Nhưng ta phải thắng, phải đưa bằng được tối thiểu 15.000 tấn vật chất kỹ thuật, 35.000 quân vào kịp đáp ứng chiến lược của Bộ tổng.

Quyết tâm đã có, Phó chính ủy Vũ Xuân Chiêm lên đường đến làm việc với các Tỉnh ủy Quảng Bình, Hà Tĩnh đề nghị huy động chi viện được gần 400 thợ đóng thuyền lành nghề, xưởng được lập ngay tại rừng Na Tông - Pha Nốp. Hơn 600 thanh niên vùng sông biển xung phong nhận chân sào vượt lũ.

Sau khi hoàn tất các bước chuẩn bị, chiến dịch vượt lũ được triển khai. Một tiểu đoàn ôtô trực thuộc chở hàng từ Khe Ve tiến lên sát mép “túi nước” nhập kho Na Tông; hạ thủy 350 thuyền nan trọng tải 5 tạ, 50 thuyền trọng tải 1 tấn; đóng tiếp 100 thuyền gỗ trọng tải 2 - 3 tạ để vượt những vũng xoáy biển lũ.

Bộ tham mưu cũng tổ chức nhận bạt của TCHC chi viện để làm 280 thuyền khung tre và 20 ca nô; tổ chức đoàn quân gánh 2.000 người, chuyển ngay 330 tấn hàng vào Mường Noòng giao tuyến 2 gùi tiếp đi chiến trường B1 và B4.

Hai tháng trời gồng mình chiến đấu với “thủy tặc”, các chiến sĩ mệt bã người, đã thế lại phải đối đầu với dịch sốt rét. Cục trưởng Cục Quân y vội cử trung tá bác sĩ Nguyễn Ngọc Thảo vào Trường Sơn bàn kế hoạch ngăn chặn dịch. Cuộc ra quân chống sốt rét cũng khẩn trương như ra quân đánh giặc.

Các phân đội phòng dịch được thành lập ngay tại các binh trạm, trung đoàn. Thuốc DDT và bình phun diệt muỗi được Cục Vận tải cấp tập chuyển vào... Qua nửa tháng chữa bệnh, chăm nuôi tốt, sức khỏe các chiến sĩ được nâng lên rõ rệt, các trạm giao liên cũng hết “khách” phải nằm lại.

Giữa tháng 10-1965, Tư lệnh Phan Trọng Tuệ vào tuyến trực tiếp chỉ đạo các công trình giao thông, nắn tuyến theo hướng phát triển vận tải cơ giới là chính. Với tinh thần tích cực đẩy mạnh hoạt động, tập trung có trọng điểm, đầu tháng 11-1965 đường 128 thông vào tới đường số 9, tuyến 2 cũng sửa đường hạ dốc xong các đoạn hiểm yếu.

Tuyến 3, sau khi nhận được vật chất kỹ thuật bổ sung, khẩn trương mở thông tới Tà Xẻng. Tuyến vận tải ôtô vậy là đã thông suốt từ Khe Ve vào đến Ba biên giới, kịp thực hiện nhiệm vụ chi viện bổ sung cho chiến trường trước mùa khô 1965 - 1966.

Trung tướng Vũ Xuân Chiêm sinh năm 1923 tại xã Trung Đông, huyện Nam Ninh (nay là huyện Trực Ninh), Nam Định. Ông tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi, đến năm 1940 bị thực dân bắt khi trong người đang cất giấu nhiều tài liệu quan trọng và bị kết án 15 năm khổ sai, biệt xứ tại nhà tù Sơn La, sau đó đày ra Côn Đảo giam cùng xà lim với các đồng chí Nguyễn Đức Thuận, Nguyễn Thọ Chân, Mai Chí Thọ...

Cũng tại đây, năm 1940 ông được Chi bộ nhà tù Côn Đảo kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, từ đó ông lấy bí danh là Vũ Xuân Chi.

Tháng 9-1945, ông được đồng chí Hồ Tùng Mậu đưa từ nhà tù Côn Đảo về Huế làm công tác Công đoàn lãnh đạo phong trào thanh niên cứu quốc và phong trào công nhân, tỉnh ủy viên tỉnh Thừa Thiên, Bí thư Thị ủy Huế.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hòa bình lập lại ở miền Bắc, Mỹ thay chân Pháp xâm lược miền Nam. Tổng cục Cung cấp được đổi tên thành Tổng cục Hậu cần, đồng chí Vũ Xuân Chiêm tiếp tục đảm nhiệm chức Phó cục trưởng Cục Chính trị, sau đó là Cục trưởng Cục Chính trị, rồi Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần.

Trong bối cảnh Quân ủy Trung ương quyết định tổ chức nâng quy mô lực lượng Đoàn 559 tương đương cấp quân khu trực thuộc Bộ Quốc phòng, đại tá Vũ Xuân Chiêm được giao giữ chức Phó chính ủy, rồi Chính ủy từ cuối năm 1964 đến năm 1970.

Công lao và thành tích xuất sắc của trung tướng Vũ Xuân Chiêm đã được Đảng, Nhà nước và quân đội ghi nhận. Ông được tặng thưởng nhiều huân, huy chương và các phần thưởng cao quý như Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng...

Còn tiếp...

Bình luận (0)

Lên đầu trang