Hai Bộ đùn đẩy trách nhiệm, kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết

Thứ Hai, 14/10/2019 12:41

|

(CAO) Thông qua 1.688 cuộc tiếp xúc cử tri (1.463 cuộc tiếp xúc định kỳ, 132 cuộc tiếp xúc theo nhóm đối tượng, 93 cuộc tiếp xúc theo chuyên đề, lĩnh vực), Ban Dân nguyện đã tổng hợp được 2.251 kiến nghị (KN).

Trong phiên họp thứ 38 khai mạc sáng nay (14-10), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời KN của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.

Theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, các lĩnh vực nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri thuộc về Bộ Tài nguyên – Môi trường (205 KN), Giáo dục – Đào tạo (191 KN), Lao động – Thương binh và Xã hội (167 KN), Giao thông Vận tải (160 KN).

Hiện 2.201 KN đã được giải quyết, trả lời (đạt 98,97%).

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải

Đánh giá chung, các Đoàn ĐBQH cho rằng các Bộ, ngành, các cơ quan đơn vị đều rất nghiêm túc, tích cực trả lời cử tri, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và thời hạn trả lời. Hầu hết các Bộ trưởng đều trực tiếp xem xét, giải quyết, ký văn bản trả lời và công khai trên cổng thông tin điện tử, qua đó cử tri, các ĐBQH có thể trực tiếp giám sát, các cơ quan báo chí có thể kịp thời tuyên truyền tới cử tri. Một số KNCT liên quan đến nhu cầu cấp thiết của người dân đã được giải quyết kịp thời.

Tương tự, kiến nghị gửi tới các cơ quan tư pháp (36 KN) đều được TANDTC, VKSNDTC xem xét, trả lời.

Tuy nhiên, theo Trưởng ban Dân nguyện, một số văn bản trả lời cử tri vẫn còn bất cập, chưa có đủ thông tin để đại biểu Quốc hội trả lời cử tri.

“Những KN liên quan đến khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, xử lý vi phạm trong ngành, trả lời của bộ, ngành thường đưa ra số liệu thanh tra, xử lý vi phạm chung, các giải pháp khắc phục chung, chưa nêu kết quả xử lý đối với sai phạm cụ thể mà cử tri đề cập” – bà Hải phản ánh.

Trong khi đó, việc phối hợp giữa các Bộ, ngành trong giải quyết kiến nghị cử tri chưa chặt chẽ, dẫn đến một số kiến nghị chưa rõ trách nhiệm do cơ quan nào chủ trì giải quyết.

Dẫn chứng, bà Hải cho biết, cử tri Quảng Nam, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Gia Lai, Phú Yên... phản ánh về công tác quản lý, bảo trì đối với đoạn quốc lộ đi qua địa phương hiện không rõ cơ quan chịu trách nhiệm dẫn đến tình trạng xuống cấp.

Trả lời, Bộ GTVT nêu do chưa có sự thống nhất giữa Bộ GTVT và Bộ Tài chính trong việc điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ từ UBND tỉnh về Bộ GTVT quản lý đối với các tuyến đường này nên đã dừng việc sửa chữa định kỳ từ năm 2018 do chưa được cấp kinh phí...

Tại kỳ họp thứ 6, cử tri tỉnh Bắc Kạn kiến nghị nên bổ sung chế độ hỗ trợ cho hộ dân khi tham gia Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai ở cấp xã. Theo Bộ TN-MT thì kiến nghị này thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính, nhưng Bộ Tài chính cho rằng Bộ TN-MT có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn việc giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai, nên kiến nghị nêu trên thuộc phạm vi trả lời của Bộ TN-MT.

Do đó, cử tri Bắc Kạn lại tiếp tục gửi KN đến kỳ họp thứ 7. Kiến nghị này được Văn phòng Chính phủ chuyển Bộ TN&MT xem xét. Nội dung trả lời của Bộ lại nêu “...cử tri liên hệ với Bộ Tài chính để được trả lời cụ thể”.

Như vậy, qua 2 kỳ họp Quốc hội, KN của cử tri tỉnh Bắc Kạn vẫn chưa có cơ quan nào nhận trách nhiệm giải quyết.

Nêu cụ thể hạn chế trong từng lĩnh vực, bà Nguyễn Thanh Hải lưu ý chất lượng của các công trình giao thông là vấn đề đã được cử tri đặt ra tại nhiều kỳ họp.

“Mặc dù Bộ cũng đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục nhưng cử tri cho rằng còn chưa hiệu quả, hiện tượng nhiều dự án giao thông có mức đầu tư lớn liên tục gặp sự cố về chất lượng” – bà Hải nói.

Để chứng minh, nữ trưởng ban chỉ ra có dự án mới đưa vào khai thác đã hư hỏng, xuống cấp như đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê (Gia Lai) sụt lún khoảng 130m chiều dài chỉ sau khoảng 3 tháng đưa vào sử dụng. Trước đó là dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi...

“Cử tri cho rằng công tác thiết kế, quản lý chất lượng, giám sát, năng lực thi công của nhà thầu trong một số trường hợp còn chưa đảm bảo, gây lo lắng cho người dânvà tăng chi phí của xã hội để khắc phục hậu quả” – bà Hải dẫn và kiến nghị Bộ sớm đánh giá chính xác nguyên nhân và xem xét trách nhiệm cá nhân, đơn vị khi để xảy ra tình trạng trên.

Về vấn đề đạo đức công vụ, bà Hải nhận định hiện tượng tham nhũng xảy ra trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, cơ quan bảo vệ pháp luật đã được cử tri phản ánh từ lâu. Từ thực tế phát hiện sai phạm của một số thanh tra viên Bộ Xây dựng tại tỉnh Vĩnh Phúc, Chánh Thanh tra Bộ TT&TT bị khởi tố, bắt tạm giam trong thời gian gần đây, bà Hải cho rằng, đây là một hiện tượng có thật tuy không phổ biến nhưng tác hại, hậu quả mà nó gây ra trong dư luận xã hội là rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến lòng tin của nhân dân.

Vì thế, Ban Dân nguyện kiến nghị người đứng đầu cơ quan có chức năng chống tham nhũng, cơ quan bảo vệ pháp luật cần tập trung rà soát, thanh lọc đội ngũ cán bộ, chuyển đổi vị trí công tác đảm bảo bố trí đúng cán bộ có năng lực, phẩm chất và đạo đức công tác tại các vị trí nhạy cảm này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang