Hợp long cầu Bạch Đằng nối Quảng Ninh - Hải Phòng

Chủ Nhật, 29/04/2018 15:39

|

(CAO) Cầu Bạch Đằng nối giữa hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng được hợp long vào ngày 28-4. Đây là cây cầu dây văng đa nhịp đầu tiên tại Việt Nam hoàn toàn được các kỹ sư trong nước thực hiện từ công tác thiết kế, thi công đến quản lý dự án sau khi đưa vào vận hành.

Việc hợp long cầu Bạch Đằng đánh dấu thời điểm kết nối địa lý quan trọng giữa tỉnh Quảng Ninh và TP.Hải Phòng, không chỉ rộng mở cánh cửa giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa khu vực phía Bắc với cảng biển Hải Phòng ra thế giới, mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế vùng trọng điểm Bắc Bộ. Ngoài ra, cầu Bạch Đằng cũng góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Hồng, giảm áp lực giao thông cho quốc lộ 18 và quốc lộ 10 hiện đang quá tải.

Các đại biểu thực hiện nghi thực tại lễ hợp long cầu Bạch Đằng

Dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến được khởi công ngày 25-2-2017 theo hình thức BOT với tổng vốn đầu tư 7.760 tỉ đồng. Cầu có quy mô dài hơn 3 km, kết cấu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, cao 48,4m và chịu được động đất cấp 8.

Cầu có 3 trụ tháp, trụ giữa cao 99,74 m, hai trụ tháp bên cáo 94,5m, với bốn nhịp cầu dây văng. Đây là cây cầu dây văng đa nhịp đầu tiên tại Việt Nam hoàn toàn được các kỹ sư trong nước thực hiện từ công tác thiết kế, xây dựng thi công đến quản lý dự án sau khi đưa vào vận hành.

Sau thời gian thi công hơn 14 tháng, chủ đầu tư Công ty Cổ phần BOT Cầu Bạch Đằng phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Ninh và hai nhà thầu thi công gói thầu “cầu chính dây văng” (Trungnam E&C) đã tiến hành hợp long thành công cầu Bạch Đằng tại vị trí kết giao cầu giữa trụ T28 và T29.

Cây cầu là niềm tự hào của Việt Nam khi các nhà thầu đều là công ty trong nước

Ông Huỳnh Hải Sơn – Giám đốc ban điều hành dự án Cầu Bạch Đằng của nhà thầu chính Trungnam EC cho biết cầu Bạch Đằng là một công trình đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, đúng công đoạn vì được thiết kế với nhiều nhịp. Các công đoạn thi công luôn được chủ đầu tư phối hợp với liên doanh nhà thầu thi công tiến hành xử lý kỹ thuật, điều chỉnh căng dây cáp, cũng như triển khai xe đúc bê tông phải đúng quy chuẩn. Ngoài ra, địa chất dòng sông, cũng như thuỷ triều ở khu vực giao thoa giữa sông và biển cũng là một trong các yếu tố thử thách đội ngũ kỹ sư và công nhân thi công xây dựng phần cầu chính.

“Cầu Bạch Đằng không chỉ là niềm tự hào của Trungnam E&C mà còn là của Việt Nam khi các nhà thầu đều là công ty trong nước. Điều này khẳng định năng lực của các công ty xây dựng Việt Nam có thể thay thế các nhà thầu lớn từ G7 để thực hiện các công trình Việt Nam đẳng cấp thế giới”, ông Sơn nói.

Bình luận (0)

Lên đầu trang