“Kiểm tra mà không phát hiện sai phạm chứng tỏ thủ đoạn rất tinh vi”

Thứ Tư, 12/06/2019 21:38

|

(CAO) “Trách nhiệm của doanh nghiệp là chủ yếu, nhập phụ gia về và cố tình sử dụng sai mục đích. Đây là một tình tiết tăng nặng trong việc xem xét tội danh của họ” - Phó Chủ nhiệm UBKT Nguyễn Đức Kiên nhận định về vụ xăng giả.

Bên hành lang Quốc hội hôm nay (12-6), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã chia sẻ về góc nhìn của mình xung quanh vụ xăng giả của “đại gi”a Trịnh Sướng.

Phó Chủ nhiệm UBKT Nguyễn Đức Kiên chia sẻ bên hành lang QH

Theo ông Kiên, nếu cơ quan quản lý các cấp, địa phương đã tiến hành kiểm tra định kỳ, thường xuyên mà không phát hiện vi phạm thì cho thấy thủ đoạn ở đây là rất tinh vi, chứ không thể nói là thiếu trách nhiệm được.

“Cơ quan quản lý vào, phát hiện và phạt 50 triệu, đây là số tiền lớn và gần như là kịch khung phạt hành chính ở thời điểm đó” – ông Kiên nêu quan điểm.

Trước thông tin về việc “đại gia” Trịnh Sướng đã tổ chức cho quan chức Sóc Trăng đi học tập tại Nhật Bản, ông Nguyễn Đức Kiên lưu ý nên nhìn Trịnh Sướng cũng giống như Minh Phú, Phương Nam… Họ là doanh nghiệp, doanh nhân.

“Doanh nhân tài trợ, đóng góp thì là hảo tâm của họ. Phải tách bạch, họ làm đúng thì suy tôn, chứ đừng kỳ thị kinh tế tư nhân” – ông Kiên nói.

Cũng theo Phó Chủ nhiệm UBKT, kết quả điều tra ban đầu cho thấy đường dây của Trịnh Sướng ban đầu pha trộn tại Lâm Đồng chứ không phải tại Sóc Trăng, nên khó có thể nói về việc này. Ông Kiên cho rằng cần đợi kết quả điều tra của cơ quan công an để có thông tin chính xác nhất.

Trao đổi về trách nhiệm của ngành công thương trong vụ việc này, ông Nguyễn Đức Kiên nhìn nhận: việc ông Lê Văn Hiểu - Phó Chủ tịch tỉnh đã nhận khuyết điểm về quản lý Nhà nước, nghĩa là công tác hậu kiểm, công tác quản lý có vấn đề nên không phát hiện ra được.

Như vậy, theo ông Kiên, cũng phải xem lại với tư cách cơ quan lập pháp, phải lắng nghe ý kiến cơ sở để nghe việc tạo điều kiện hậu kiểm cho các cơ quan đã phù hợp chưa, làm thế nào để nâng cao chất lượng.

Về phía Bộ Công Thương, Phó Chủ nhiệm UBKT cho rằng, phải xem lại quy định nhập các phụ gia ở Nghị định, Thông tư nào. “Vì nhập phụ gia về sản xuất theo Luật Đầu tư, Luật DN thì không phải là mặt hàng cấm. Khi DN có yêu cầu nhập, họ nộp thuế, báo cáo tài nguyên môi trường… thì có quyền nhập” – ông Kiên nói.

Cũng theo ông Kiên, ở đây trách nhiệm của doanh nghiệp là chủ yếu, nhập về và cố tình sử dụng sai mục đích. “Đây là một tình tiết tăng nặng trong việc xem xét tội danh của họ” – ông Kiên nhận định.

Vẫn theo ông Kiên, cần phải tách biệt phần quản lý Nhà nước và quản lý tại địa phương. Với tư cách người có chuyên môn thì phải dự báo được sản phẩm nhập về làm được gì, nếu cần thì hậu kiểm việc họ nhập về làm gì, bán cho ai… Điểm này, theo ông Kiên, ta đang yếu, vì chưa có bộ phận chuyên trách.

Tuy nhiên, phải chờ khi vụ án kết thúc, các cơ quan liên quan ngồi lại với nhau, mới rõ xem cần chỉnh sửa chỗ nào.

“Khi điều tra chưa kết thúc thì chưa thể kết luận cả khâu trong chuỗi mắt xích quản lý nhà nước về chất lượng, thị trường xăng dầu… có vấn đề” – ông Kiên chốt lại.

Trước đó, các trinh sát trong cơ quan cảnh sát điều tra, công an tỉnh Đắk Nông phát hiện đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả trên địa bàn nên Công an tỉnh này xác lập chuyên án điều tra, xác định vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, sản xuất lượng xăng giả cực lớn.

Việc điều tra cho thấy vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, địa bàn xảy ra tại nhiều tỉnh, thành nên Công an tỉnh Đắk Nông báo cáo với Bộ trưởng Bộ Công an. Bộ Công an sau đó quyết định thành lập Ban chuyên án, do Thứ trưởng Lê Quý Vương làm Trưởng ban.

Trong ít ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6-2019, Ban chuyên án tổ chức bắt quả tang các đối tượng tại 6 địa điểm đang có hành vi tổ chức pha trộn, cất giấu dung môi, các chất pha trộn thành xăng giả ở TPHCM, TP.Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, bắt nhiều đối tượng, trong đó có Trịnh Sướng.

Cơ quan điều tra xác định, từ ngày 1-1-2017 đến khi bị bắt, các đối tượng đã chi khoảng 3.000 tỷ đồng để mua dung môi và các nguyên liệu pha chế xăng giả. Mỗi tháng đường dây này đưa ra thị trường tiêu thụ hơn 6 triệu lít xăng A95 giả.

Kết quả kiểm nghiệm khẳng định, xăng giả không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng xấu đến hiệu suất động cơ, thậm chí có thể làm hỏng động cơ. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ cháy xe nghi liên quan tới xăng giả.

Cơ quan chức năng đang tiếp tục làm rõ. Hành vi pha chế, pha trộn xăng giả được các đối tượng thực hiện ở những địa điểm bí mật, như: trên tàu, trên biển, nhà riêng…, có bố trí người canh gác nên lực lượng chức năng rất khó tiếp cận, bắt quả tang.

Công ty của Trịnh Sướng từng bị kiểm tra nhưng không phát hiện vi phạm
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang