Kiên cường vượt khó để phát triển bền vững

Chủ Nhật, 07/02/2021 10:47

|

(CATP) 1- Đại dịch Covid-19 được coi như cuộc sát hạch khắt khe đối với các nền kinh tế về nhiều phương diện: sức chịu đựng trước sự công phá của thiên tai và khả năng thích nghi với các điều kiện giao thương không thuận lợi. Cho đến cuối năm, kết quả sát hạch đối với Việt Nam (VN) có thể được nhìn nhận tích cực, cho phép khơi dậy lòng tự hào dân tộc.

Với nền y học và hệ thống dịch vụ y tế chưa thực sự phát triển, chúng ta đã cơ bản thành công trong việc ngăn chặn đại dịch. Trong khi phần còn lại của thế giới vẫn đang loay hoay với các mô hình giãn cách xã hội cho phép ngăn chặn hữu hiệu sự lây lan của dịch bệnh, thì VN đã 3 lần khống chế thành công sự lây lan này. Sự quyết liệt, dứt khoát của các cơ quan chức năng và sự tích cực hợp tác của người dân với ý thức tự giác cao trong việc thực hiện lệnh giãn cách cùng tổ chức xét nghiệm diện rộng được cho là vũ khí đắc dụng trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh.

Công sở, doanh nghiệp không bị đóng cửa hàng loạt hoặc phải cho nhân viên làm việc trực tuyến như ở đa số các nước, nhờ vậy kinh tế cũng như nền hành chính công vụ vẫn vận hành trong những điều kiện gần như bình thường và giúp VN đứng trong danh sách rất ít các nước có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế dương. Đặc biệt, trong bối cảnh hoạt động vận chuyển quốc tế gặp không ít trở ngại do lệnh phong tỏa, giãn cách của các nước, VN vẫn đạt được giá trị xuất siêu cao chưa từng thấy. Từ trong khó khăn, chúng ta kiên cường vượt qua để duy trì sự ổn định. Cả thế giới ngưỡng mộ điều đó.

Chợ Bến Thành, quận 1, TPHCM. Ảnh: KIỀU ANH DŨNG

2-Trong bối cảnh xã hội đang đứng trước những dòng chảy cuồn cuộn của thông tin, thì sự minh bạch càng có ý nghĩa quan trọng. Đặc biệt, mỗi khi có biến cố xảy ra cần tỉnh táo quan sát, thu thập thông tin và phân tích cặn kẽ, từ đó đề ra đối sách ứng xử thích hợp.

Trong trường hợp biến cố tác động lên toàn xã hội, cần phát huy vai trò chủ đạo của nhà chức trách, người được giao chức năng quản lý xã hội, trong việc tổ chức hành vi ứng xử của người dân. Đó không chỉ là đặt ra các mệnh lệnh, yêu cầu và triển khai lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử phạt vi phạm, mà chính sự tự giác của người dân trong việc tuân thủ mệnh lệnh, yêu cầu đề ra mới là mục tiêu thiết thực và tối hậu mà người hoạch định chính sách quản lý phải nhắm tới.

Để người dân hưởng ứng yêu cầu, mệnh lệnh của nhà chức trách một cách tự giác, điều quan trọng là làm cho việc hưởng ứng ấy là sự thể hiện ra ngoài của nhận thức bên trong thành hành động cụ thể. Muốn được vậy, người dân cần có đầy đủ thông tin về bức tranh cuộc sống, đặc biệt là những điều bất thường đang diễn ra mà do điều bất thường đó, người dân phải thay đổi hành vi để thích nghi.

Pháo hoa bên sông Sài Gòn. Ảnh: KIỀU ANH DŨNG

Một số ý kiến cho rằng để giữ gìn trật tự xã hội, chỉ nên cho phép người dân tiếp nhận thông tin theo các kênh chính thức, được kiểm soát chặt chẽ. Cơ chế thông tin này được trông đợi có tác dụng như công cụ định hướng ứng xử cho toàn xã hội, theo một khuôn mẫu thống nhất do nhà chức trách thiết kế. Ngày nay, trong bối cảnh thông tin được chuyển tải bằng nhiều nguồn đa dạng, đặc biệt là thông qua mạng xã hội, ai cũng hiểu sự trông đợi đó là phi thực tế, nếu không muốn nói là vô lý.

Nói khác đi, xã hội có quyền biết điều gì đang xảy ra, một khi những hệ lụy của nó tác động trực tiếp đến cuộc sống của mỗi thành viên, dù theo hướng tích cực hay tiêu cực. Chính sự hiểu biết tường tận, chứ không phải là sự chỉ huy mang tính áp đặt đối với đám đông mù tịt, sẽ dẫn dắt xã hội đi đến chỗ lựa chọn cách ứng xử tích cực, hợp lý. Sự thành công của VN trong cuộc chiến phòng chống Covid-19 là minh chứng thuyết phục cho nhận định này.

3-Bài toán phát triển bền vững trong bối cảnh các nguy cơ, hiểm họa cả truyền thống và phi truyền thống chực chờ đe dọa là thách thức to lớn không chỉ đối với chúng ta, mà nói chung đối với tất cả quốc gia, dân tộc trên thế giới.

Tất nhiên muốn đất nước phát triển thì phải khuyến khích sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giao thương nội địa và quốc tế, chấn hưng giáo dục để không ngừng cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, kích thích hoạt động nghiên cứu, sáng tạo... Muốn sự phát triển có tính bền vững thì phải làm thế nào để các giá trị mà con người tạo ra từ lao động được sở hữu dài lâu, nghĩa là không chỉ được khai thác mà còn được vun đắp để phục vụ nhiều thế hệ liên tục.

Khu vực trung tâm TPHCM

Đã qua rồi thời kỳ háo hức trải thảm đỏ chào đón nhà đầu tư nước ngoài trong tâm thế người làm chủ nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và nguồn lao động giá rẻ. Cần thay đổi nhận thức để từ đó, thay đổi tâm thế từ bên đối tác “cửa dưới”, chờ được bên kia nâng đỡ để đi lên, thành bên đối tác ngang hàng, sòng phẳng trong quan hệ “win-win”.

Nói về cách đối xử với tài nguyên thiên nhiên thì phải biết rằng từ nhiều năm nay, người Mỹ chăm chỉ mua dầu thô của thế giới mang về bơm vào lòng đất của nước họ; trong khi đó, chúng ta lại đang miệt mài khoan sâu xuống thềm lục địa nước mình để lấy dầu thô đem bán. Tài nguyên không vô tận, chỉ nên khai thác nếu có thể tái tạo.

Liên quan đến chất lượng của nguồn lao động, cần hiểu rằng xã hội có thể đủ ăn, nhưng chắc chắn không thể sung túc nếu đa số thành viên, dù mang tiếng là có việc làm, suốt ngày chỉ hùng hục, quần quật với những công việc chân tay giản đơn. Chỉ với lực lượng lao động có tri thức, tay nghề và tinh thông, thì đất nước mới có thể triển khai các ngành kinh tế dựa trên công nghệ, kỹ thuật tinh vi để cho ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Còn với đội quân “làm gì cũng được”, đất nước mãi mãi chỉ là một xưởng gia công giá rẻ cho nước khác.

Mạnh mẽ vượt qua khó khăn để vươn cao, bay xa

Điều nữa là phải quan tâm chăm sóc chu đáo người tiêu dùng nội địa. Dù chưa hẳn là giàu, người tiêu dùng đồng bào bây giờ đã đủ sức chi trả để không còn như những năm cuối thế kỷ trước, buộc phải thấy trên bàn ăn của mình chỉ có cái đầu tôm (mà thực ra là do doanh nghiệp lặt bỏ lại vì vô dụng), còn thân tôm thì xuống tàu xuất ngoại.

Nhận ra điều đó từ sớm, các nhà sản xuất Trung Quốc, Thái Lan đã nhanh chân chạy đến chào mời nhiều hàng hóa đẹp vừa túi tiền. Nhà sản xuất trong nước đang chịu áp lực cạnh tranh ngay trên sân nhà. Phải dũng cảm đối mặt với thách thức, cần coi đó là sự chuẩn bị cần thiết cho doanh nhân nội trong việc thực hiện những dự tính cao xa và dài hơi về phát triển thị phần bền vững, đặc biệt là việc quảng bá rộng rãi thương hiệu bản địa ra thế giới. Bởi, suy cho cùng, chừng nào chưa có được chỗ đứng vững chắc trong lòng người nhà, thì đừng mơ tưởng đến việc chinh phục lòng tin của thiên hạ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang