Lịch sử Đảng là một tài sản vô cùng quý báu

Thứ Hai, 17/07/2017 14:02  | Linh Vũ

|

(CAO) Sáng nay (17-7), Học viện Chính trị Quốc gia phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam – Thực trạng, giải pháp và vấn đề đặt ra hiện nay ở các tỉnh phía Nam.

Chủ trì hội thảo có GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia; ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM; PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia. Ngoài ra còn có ông Trần Viết Lưu, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Tuyên giáo Trung ương; bà Thân Thị Thư, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM cùng đại diện Ban Tuyên giáo các tỉnh thành phía nam…

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nêu:

Thực tế hiện nay có nhiều vấn đề đặt ra khi triển khai công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam như: một số địa phương nhìn nhận vấn đề, chỉ đạo chưa sâu sắc… nên công tác biên soạn, đầu tư, kết quả… còn hạn chế. Theo Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia, Hội thảo là dịp để các đồng chí chia sẻ những kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện; đồng thời nhìn nhận rõ hơn yêu cầu, nhiệm vụ để đổi mới, nâng tầm công tác biên soạn Lịch sử Đảng trong thời kỳ đổi mới.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định “Lịch sử của Đảng ta là một tài sản vô cùng quý báu. Chúng ta phải làm sâu sắc và phát huy tốt hơn các giá trị của Lịch sử của Đảng. Công tác biên soạn Lịch sử Đảng không chỉ nhằm tái hiện bức tranh phong phú, sinh động của quá trình hoạt động, quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, mà còn góp phần tổng kết kinh nghiệm lịch sử, khái quát thành lý luận cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, Chính sách và Pháp luật của Nhà nước”.

“Lịch sử Đảng phải tham gia hữu hiệu và có giá trị tham mưu đắc lực cho Đảng nhìn từ góc độ khoa học lịch sử, góp phần nâng cao sức chiến đấu của Đảng và trực tiếp trở thành lực lượng xung kích, đấu tranh với các thế lực hòng mưu toan xuyên tạc lịch sử Đảng, phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia nhận định và nhấn mạnh rằng: “Công tác lịch sử Đảng là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, cần được tiến hành thường xuyên và nghiêm túc”.

 

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Tất Thành Cang phát biểu:

“Qua 15 năm thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư, nhận thức các cấp ủy về công tác lịch sử Đảng được nâng lên một bước. Các Đảng bộ, cơ quan, đơn vị thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác nghiên cứu, biên soạn, phát hành Lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống của địa phương.

Quá trình tổ chức, triển khai nghiên cứu biên soạn Lịch sử Đảng bộ thu hút các nhà khoa học lịch sử, cán bộ lão thành, chủ chốt, nhân chứng lịch sử tham gia. Việc biên soạn Lịch sử Đảng bộ các cấp luôn mang tính khoa học, vận dụng sáng tạo những quan điểm, đuờng lối của Đảng. Các bản thảo trước khi xuất bản đều được tổ chức lấy ý kiến thẩm định, đánh giá một các khách quan, chất lượng để cung cấp cho các cán bộ Đảng viên”.

Theo ông Tất Thành Cang, những giá trị khoa học và thực tiễn của các công trình lịch sử nghiên cứu biên soạn trong 15 năm qua trên địa bàn thành phố góp phần làm sáng tỏ hơn sự ra đời và phát triển của Đảng bộ, đúc kết nhiều kinh nghiệm quý báu cho đội ngũ lãnh đạo của Đảng bộ địa phương. Công tác Lịch sử Đảng cũng góp phần hiệu quả vào giáo dục truyền thống, bồi dưỡng ý chí, làm Lịch sử Đảng thấm sâu hơn vào cán bộ Đảng viên.

 

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Thân Thị Thư trình bày:

Trong 15 năm thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư, TP biên soạn và xuất bản 331 công trình Lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng, kỷ yếu và các chuyên đề lịch sử. Cách thức và phương pháp triển khai khoa học hơn, số lượng các công trình, ấn phẩm xuất bản có tăng lên theo từng năm, chất lượng bản thảo được đảm bảo. Ví dụ như: Bộ sách “Lịch sử Đảng bộ TP.HCM giai đoạn 1930-1975” do đồng chí Võ Trần Chí và Trần Trọng Tân làm chủ biên; Bộ sách “Hồi ký căn cứ kháng chiến khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định” do đồng chí Phan Văn Khải làm cố vấn…

“Những giá trị khoa học và thực tiễn các công trình nghiên cứu biên soạn lịch sử góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, bà Thân Thị Thư khẳng định.

Ngoài ra, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại trong công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử: “Một số bản thảo lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống có chất lượng còn hạn chế, tổng kết lịch sử, thực tiễn chưa cao và chưa tương xứng với một công trình khoa học lịch sử. Cán bộ làm công tác nghiên cứu lịch sử Đảng còn mỏng về số lượng lẫn kinh nghiệm; chưa đáp ứng yêu cầu tham mưu ngày càng cao, đa dạng về nội dung, sâu sắc về vấn đề; phần lớn cán bộ ở quận huyện là kiêm nhiệm, không được đào tạo chuyên ngành Lịch sử Đảng. Điều này dẫn đến việc tham mưu, nghiên cứu, biên soạn sẽ yếu và thiếu; cần phải có chủ trương củng cố, nâng chất kịp thời”.

 

Tại hội thảo, đại diện Ban tuyên giáo một số tỉnh thành khu vực phía Nam cũng nêu lên các thực trạng trong việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng tại địa phương; đồng thời đề xuất, kiến nghị có chỉ thị mới thay thế chỉ thị 15 để phù hợp với tình hình mới.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cho biết sẽ tổng hợp tác ý kiến tham luận, đề xuất, kiến nghị của các đại biểu (cả Hội thảo tại khu vực phía Bắc sẽ diễn ra trong tháng 7) để xem xét việc cần thiết ban hành Chỉ thị mới hay không nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định vị thế, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong thời kỳ mới.

Bình luận (0)

Lên đầu trang