Miền Trung căng mình trước giờ cơn cuồng phong Molave đổ bộ

Thứ Ba, 27/10/2020 19:00  | Hoàng Quân

|

(CAO) Các tỉnh, thành miền Trung đang gồng mình di dời, sơ tán người dân, giằng chống nhà cửa, túc trực các điểm dân cư để phòng chống, ứng phó bão số 9, dự kiến đổ bộ vào sáng hoặc trưa mai (28/10).

Cơn bão theo dự báo có cường độ, sức gió mạnh nhất trong 20 năm qua tại miền Trung. Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia thông tin, bão số 9 có sức gió mạnh nhất cấp 14 (150-165km/h), giật cấp 17; tâm bão đi vào các tỉnh, thành từ Đà Nẵng đến Phú Yên.

Lực lượng Công an, Quân đội, Dân quân tại tỉnh Bình Định giằng chống nhà cửa giúp người dân.

Tại Đà Nẵng ngày 27-10, trời âm u, gió rất lớn. Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đề nghị lực lượng vũ trang, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn và giúp dân. Ngành y tế chủ động lực lượng, xe cứu thương, nguồn thuốc để phục vụ nhân dân. Tất cả các lực lượng phải luôn trong tư thế sẵn sàng để ứng phó với bão số 9, bảo vệ tuyệt đối về người và tài sản cho nhân dân và nhà nước, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người.

Sáng 27-10, Bộ đội Biên phòng TP.Đà Nẵng đã kêu gọi tàu thuyền vào âu thuyền để trú tránh bão và đã có gần 1.400 chiếc tàu cá, 27 tàu dầu đang neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang; đưa toàn bộ thuyền thúng lên bờ.

Hơn 2.000 cán bộ chiến sĩ của lực lượng vũ trang cùng với các phương tiện, thiết bị đã về các địa phương để hỗ trợ người dân di dời người và tài sản đến nơi an toàn, túc trực 24/24 giờ để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn.

Chiều 27-10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường làm việc, kiểm tra công tác phòng chống bão số 9 tại TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Đoàn kiểm tra thực địa công tác kè chắn chống sạt lở tại Công viên Vườn tượng (P.Cẩm An, TP.Hội An, Quảng Nam), tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại; thăm nơi trú tránh bão của người dân.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, tình hình chống bão đang rất khẩn cấp nên chính quyền và các cấp ngành liên quan phải tập trung cao độ để bảo vệ tính mạng và tài sản người dân và nhà nước. Phải sơ tán dân khỏi các vùng nguy hiểm; đưa tất cả thuyền bè từ sông, biển vào khu tránh trú an toàn. Bảo vệ kho tàng, bến bãi, công trình xây dựng, hạ tầng; đặc biệt là hệ thống điện, giao thông, công trình hồ đập.

Tất cả lực lượng quân đội, công an phải chuẩn bị sẵn lực lượng, trang thiết bị phối hợp cùng với địa phương túc trực ngày đêm để thực hiện phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó kịp thời, phục vụ cứu hộ cứu nạn.

Người dân tỉnh Quảng Ngãi giằng chống nhà cửa.

Tại Quảng Ngãi, kiểm tra, thị sát công tác ứng phó phòng chống bão số 9 tại các địa bàn xung yếu trên địa bàn tỉnh, bà Bùi Thị Quỳnh Vân - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Đặng Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các địa phương, các ban ngành khẩn trương di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm và hoàn thành vào lúc 18 giờ ngày 27-10.

“Phải huy động cả hệ thống chính trị tập trung tuyên truyền, vận động và tổ chức di dời người dân ở các vùng trọng điểm, xung yếu, ven sông, ben biển; vùng có nguy cơ ngập lụt, triều cường… đến nơi an toàn càng sớm, càng tốt; đặt mục tiêu bảo đảm tính mạng của người dân là trên hết. Các địa phương tuyệt đối không được để người dân ở lại vùng nguy hiểm. Hộ dân nào chậm trễ, không thực hiện thì phải thực hiện cưỡng chế đưa đến nơi an toàn.

Hỗ trợ người dân chằng, chống nhà cửa để hạn chế thiệt hại do bão gây ra; tăng cường công tác bảo đảm ANTT, phòng chống trộm cắp để người dân yên tâm chuyển đến nơi an toàn phòng tránh bão. Các cơ quan, đơn vị, địa phương có giải pháp bảo đảm an toàn cho các công trình trọng điểm, các công trình đang triển khai trên địa bàn”, bà Bùi Thị Quỳnh Vân yêu cầu.

Toàn bộ tàu thuyền trên biển đã vào bờ tránh trú ẩn; người trên các ao, hồ, sông, ven biển cũng được di dời vào đất liền.

Theo dự báo của ngành khí tượng thủy văn, từ đêm ngày 27 đến ngày 29-10, các sông tại Quảng Ngãi sẽ xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông có khả năng lên mức báo động 2 đến 3, có nơi trên báo động 3. Nên nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở sườn dốc, ven sông, suối tại các huyện miền núi Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ, Minh Long.

Cùng với đó xảy ra ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp và các đô thị tại các địa phương thuộc huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ, Nghĩa Hành và TP.Quảng Ngãi.

Lực lượng chức năng tại tỉnh Quảng Ngãi di dời các cụ già đến nơi an toàn.

Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân và các tổ phòng chống ứng phó bão số 9 cùng phương tiện thiết bị của tỉnh đã được huy động về các địa bàn xung yếu trọng điểm để hỗ trợ người dân… Quảng Ngãi đã sơ tán số người dân rất lớn là 60.000 người.

Tại Bình Định, ngày 27-10 mưa một số khu vực. Chiều 27-10, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, TP.Quy Nhơn nghiêm túc triển khai thực hiện các Công điện của tỉnh về triển khai ứng phó với bão số 9.

Người dân không được ra khỏi nhà, bắt đầu từ 22 giờ ngày 27-10 cho đến khi có tin bão số 9 suy yếu không còn nguy hiểm; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước không ra đường khi xảy ra bão, mưa lớn (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và trường hợp đặc biệt khẩn cấp).

Chính quyền, các đơn vị, lực lượng thông báo người dân chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống bảo đảm đủ dùng trong thời gian ở nhà. Tuyệt đối không để người dân ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, trên tàu cá, tàu vận tải neo đậu, lán trại tạm công trình đang thi công xây dựng từ 20 giờ ngày 27-10.

Các địa phương, các Sở, ban ngành khẩn trương thông báo cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn sắp xếp, bố trí công việc cho cán bộ, công nhân viên chức, người lao động đảm bảo an toàn tuân.

UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí, phân công lực lượng chức năng tổ chức tuần tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định; nếu người dân không chấp hành thì xử lý, cưỡng chế để đảm bảo an toàn, ưu tiên tính mạng là trên hết.

Lực lượng chức năng tại tỉnh Quảng Ngãi di dời một người tàn tật lên xe đưa đến nơi an toàn.
Các cụ già đưa di tản đến nơi an toàn để tránh bão.
Nhiều trẻ em, phụ nữ, cụ già tại Quảng Ngãi đã được đưa đến nơi an toàn, trong số hơn 60.000 người phải di dời.
Lực lượng chức năng tại tỉnh Quảng Ngãi thông báo người dân ven biển sơ tán.
Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ngãi di dời người dân đến nơi an toàn.
Người dân Quảng Ngãi đóng bao cát để dằn mái nhà.

Bình luận (0)

Lên đầu trang