Nhiều vấn đề nóng được báo chí chất vấn tại họp báo Chính phủ

Thứ Bảy, 04/05/2019 21:27

|

(CAO) Chiều 4/5, ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2019 đã diễn ra buổi họp báo Chính phủ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Cùng dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành và đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí truyền thông tại Hà Nội.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng tại buổi họp báo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại cuộc họp báo, nhiều phóng viên các cơ quan báo chí đã đặt câu hỏi.

Về giá điện tăng gây bức xúc

Trả lời các câu hỏi của PV về giá điện tăng và cách tính giá điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Bộ Công Thương đã căn cứ vào Quyết định 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân; Quyết định 34/2017/QĐ-TTg ngày 25/7/2017 về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2016-2020. Xét đề nghị EVN, điều kiện thực tiễn, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan báo cáo trình Chính phủ về các phương án điều chỉnh tăng giá điện.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến phê duyệt Bộ Công Thương thực hiện, tăng giá 8,36% từ 20/3. Sau khi ban hành quyết định này, các phương tiện thông tin đại chúng đã có nhiều ý kiến phản ánh hộ dùng điện người tiêu dùng phải trả tiền tăng đột biến so với tháng 3.

Các nguyên nhân của việc này đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công Thương giải thích. Trước hết, chia sẻ bức xúc của người tiêu dùng khi hoá đơn tiền điện cao hơn trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Bộ Công Thương với chức năng quản lý Nhà nước đã thực hiện các biện pháp như: Yêu cầu EVN phải tiếp nhận xử lý giải đáp đầy đủ thắc mắc của khách hàng liên quan đến hoá đơn tiền điện tháng 4, trong trường hợp có lỗi phải xử lý nghiêm khắc sai phạm.

EVN tiếp tục thông tin, tuyên truyền về việc điều chỉnh giá điện để khách hàng hiểu rõ về cách tính mới, nguyên nhân tăng, mục đích tính giá điện theo bậc thang đối với hộ gia đình. Cuối cùng, EVN phải tiếp tục hoàn thiện cải tiến chất lượng phục vụ khách hàng tốt hơn, đặc biệt trong những tháng nắng nóng…

Ngày 2/5 Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ra quyết định có 3 đoàn công tác kiểm tra thực hiện điều chỉnh giá điện theo đúng Quyết định 846 của Bộ Công Thương liên quan đến giá điện.

Hôm qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo lập đoàn Thanh tra Chính phủ làm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Công Thương kiểm tra việc này, sớm kết luận để việc tăng giá điện thực hiện đúng các quy định chung của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Liên quan đến đề xuất sửa giá điện bậc thang, bất cứ quy định nào đưa ra mà không hợp lý thì dù mới đưa ra, nếu cần thiết sửa thì vẫn phải sửa trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, đảm bảo chiến lược sử dụng năng lượng hiệu quả, phù hợp thực tiễn của Việt Nam.

Về dự thảo danh mục Bí mật Nhà nước của ngành, Bộ Công Thương đã đưa ra danh mục có 2 mặt hàng điện và xăng dầu. Tuy nhiên, đây không phải là giá mặt hàng này mà là phương án tính toán để trình các cấp có thẩm quyền trước khi công bố.

Hiện nay giá xăng đã theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước nhưng đây là mặt hàng thiết yếu, tác động trực tiếp đến kinh tế vĩ mô và đời sống nhân dân, dễ gây ra lạm phát kỳ vọng ảnh hưởng đến đời sống. Tương tự như vậy với giá điện. Vì thế, Bộ muốn đưa 2 nhóm hàng này vào danh mục Bí mật Nhà nước trước khi công bố giá chính thức.

Trả lời câu hỏi liên quan đến thanh tra việc điều chỉnh giá điện, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cho biết: Sau khi Thủ tướng chỉ đạo, Thanh tra Chính phủ sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tiến hành thanh tra việc tăng giá điện.

"Về tinh thần chung, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với 2 Bộ, tiến hành thanh tra, kết luận một cách chính xác, khách quan, làm rõ đúng sai trong các nội dung điều chỉnh giá bán điện, phương thức tính giá điện. Sau khi có kết luận thanh tra, chúng tôi sẽ tiến hành công khai theo quy định" - Phó Tổng Thanh tra khẳng định.

Về gian lận điểm thi THPT Quốc gia

Về việc gian lận thi cử vừa qua được báo chí phản ánh, có nhiều trường hợp phụ huynh làm cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Nhà nước, có nhiều ý kiến cho rằng trong những trường hợp như vậy có thể tạm thời đình chỉ công tác điều hành của những phụ huynh có con em liên quan đến gian lận thi cử để phục vụ cho quá trình điều tra.

Về vấn đề này Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cho biết: Thời gian qua, Bộ Công an đã khởi tố 3 vụ án liên quan đến gian lận thi cử ở 3 tỉnh Sơn La, Hoà Bình, Hà Giang, chúng tôi đã khởi tố 16 bị can và đến nay xác định được 222 học sinh nâng điểm, đã chuyển kết quả đến Bộ Giáo dục và Đào tạo, phối hợp với các trường đại học và các địa phương để bảo đảm đúng quy định pháp luật và quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thi cử.

Cũng trong quá trình đó, chúng tôi đang tiếp tục điều tra những vi phạm của các cá nhân nếu có, nếu có kết quả sẽ công bố cho các nhà báo và dư luận được biết.

Với những sai phạm liên quan đến cán bộ ngành công an, quan điểm của Bộ là bất cứ cán bộ công an có sai phạm về pháp luật nếu phát hiện đúng sẽ nghiêm khắc xử lý.

Về thông tin Jetstar Pacific lỗ hơn 4.000 tỷ đồng

Về thông tin Công ty cổ phần hàng không Jetstar Pacific liên tục báo lỗ, con số lỗ lên đến hơn 4.000 tỷ. Cổ đông lớn nhất của Jetstar Pacific là Vietnam Airlines (VNA) chiếm tới 68% cổ phần. Năm 2012, ông Dương Chí Thành khi đó là Phó Tổng giám đốc của VNA đã được điều động sang Jetstar Pacific để làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Và ông Lê Hồng Hà khi đó giữ chức Giám đốc Văn phòng miền Trung của VNA cũng được điều động sang Jetstar để làm TGĐ.

Đáng nói là giai đoạn này, từ năm 2012 đến 2016, Jetstar vẫn tiếp tục thua lỗ nặng nhưng hai vị này vẫn được điều động trở lại VNA để giữ chức vụ cao hơn là Tổng Giám đốc và Phó Tổng giám đốc VNA hiện nay.

Qua sự việc này, vừa qua báo chí dư luận có đặt câu hỏi về trách nhiệm của hai vị này đối với khoản lỗ tại Jetstar Pacific và vấn đề bổ nhiệm nhân sự.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật trả lời: Jetstar Pacific từ tháng 2/2012 chuyển từ SCIC sang VNA, từ khi chuyển sang thì công ty này lỗ hơn 3.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch sản xuất kinh doanh mà VNA xây dựng ở Jetstar Pacific thì đến năm 2020 giảm lỗ và không lỗ.

Trách nhiệm cá nhân hoặc trách nhiệm đối với việc lỗ này, chúng tôi sẽ đề nghị VNA báo cáo cụ thể rõ hơn. Cái này hằng năm có tính toán và có báo cáo tài chính. Nguyên nhân không phải do VNA sinh ra Jetstar Pacific mà để lỗ như thế. Hiện nay theo dõi các năm 2017, 2018 vừa rồi thì giảm lỗ rất nhiều. VNA đang cố gắng đến ngoài 2020 thì đơn vị này không lỗ nữa.

Còn trách nhiệm cá nhân cụ thể như thế nào, chúng tôi sẽ yêu cầu VNA có báo cáo cụ thể hơn.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Giai đoạn 2008-2012, đây là liên doanh, phía Úc chiếm 30% và phía Việt Nam chiếm 70%. Từ 2012, SCIC bắt đầu bàn giao cho VNA. Trong thời điểm bàn giao này chúng ta lỗ ròng 2.400 tỷ. Và sau khi bàn giao cho VNA, đến 2014 đã lãi được 8 tỷ và 2015 lãi 112 tỷ. Nhưng năm 2016 thì lỗ 901 tỷ do thị trường liên quan đến khách du lịch, trong đó có ảnh hưởng của Formosa. Năm 2017 lỗ 304 tỷ. Và năm 2018 lãi chút xíu, 34 tỷ. Như vậy tổng lỗ là 2.400 tỷ, cộng với 1.300 tỷ giai đoạn 2016-2017 thì là được 4.400 tỷ.

Kết quả cụ thể lỗ như thế nào thì trách nhiệm của Bộ GTVT sẽ thông tin cho báo chí. Chúng tôi chỉ nêu lên viễn cảnh như thế thôi chứ chưa đặt vấn đề gì, nhưng tinh thần là chúng tôi rất tôn trọng và lắng nghe cơ quan báo chí. Nhân sự thì sang trong điều kiện như thế nào? Sang trong bối cảnh, điều kiện đã lỗ rồi, chứ không phải sang đó gánh cả cái lỗ, giai đoạn 2008-2012 rồi 2012-2018. Chúng tôi xin phép được thông tin công khai như thế để biết.

Về đề xuất xử lý tài xế uống rượu bia gây tai nạn chết người tội giết người

Vừa qua ghi nhận nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc do tài xế có sử dụng rượu bia, khiến dư luận bức xúc. Nhiều chuyên gia và luật sư đã đề xuất xử lý các tài xế sử dụng rượu bia theo khung tội giết người. Đã nhiều nước trên thế giới áp dụng hình thức xử phạt này, thậm chí cả người cùng ngồi trên xe và người bán rượu bia cho tài xế gây tai nạn cũng bị xử phạt.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật trả lời: Hiện nay, chúng ta đang có Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm an toàn giao thông đường bộ và đường sắt. Vừa rồi, có nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu bia, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải xem xét và sửa đổi lại Nghị định 46 theo hướng tăng mức xử phạt. Hiện nay, Bộ đang thực hiện nhiệm vụ này và sẽ trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định 46 này trong tháng 6/2019.

Về giá xăng dầu liên tục tăng cao gây bức xúc

Về giá xăng dầu đã tăng hơn 3.500 đồng/lít, Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) tại một số doanh nghiệp đang âm. Có ý kiến cho rằng việc điều hành giá xăng dầu thời gian qua không hài hoà, lạm chi Quỹ BOG gây rủi ro lớn cho các DN.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Hiện nay mặt hàng xăng dầu được điều hành theo kinh tế thị trường có định hướng của Nhà nước, có nghĩa là ngân sách không bỏ tiền ra để điều hành xăng dầu.

Tuy nhiên, trong Nghị định 83 của Chính phủ đã đưa ra Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG), theo đó mỗi lít xăng, dầu nhập khẩu vào Việt Nam sẽ trích ra 300 đồng đưa vào Quỹ. Quỹ này được dùng để chi sử dụng trong các dịp lễ, Tết, các khoảng thời gian nhạy cảm… mà giá xăng, dầu thế giới tăng cao sẽ lấy ra bù vào.

Trong thời gian vừa qua, giá xăng dầu trên thế giới xăng rất cao, 4 tháng đầu năm 2019 giá dầu thô biến động tăng cao, ngày 23/4 vừa qua đã đạt mức giá cao nhất trong 6 tháng gần đây, tăng 28,85-32% so với đầu năm 2019. Giá thành phẩm xăng dầu tháng 3 so với tháng 4/2019 cũng tăng 8,5% và liên Bộ Công Thương-Tài chính đã phải sử dụng đến Quỹ BOG. Có thể thấy, vừa rồi giá xăng dầu vẫn tăng nhưng nếu không sử dụng Quỹ sẽ còn tăng nhiều hơn.

Việc sử dụng Quỹ BOG giúp cho việc điều hành kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát CPI, chỉ số GDP cả năm đồng thời đảm bảo hài hoà lợi ích của 3 bên: Người dân, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và Nhà nước. Chính vì thế, thời gian vừa qua khi giá xăng dầu thế giới biến động mạnh ta đã phải chi sử dụng Quỹ BOG rất nhiều.

Từ 1/1/2018 chúng ta đã đưa xăng E5 RON92 vào thay thế cho xăng RON92. Năm 2018, xăng E5 RON92 đã tiêu thụ 3,118 triệu m3 tương đương khoảng 42% lượng xăng tiêu thụ trên toàn quốc. Tuy nhiên 3 tháng đầu năm 2019 theo số liệu báo cáo, lượng xăng E5 RON92 tiêu thụ khoảng 740.000 m3 tương đương khoảng 38% tổng lượng xăng, như vậy là có giảm.

Về việc kinh doanh xăng E5, hiện nay mức thuế bảo vệ môi trường với xăng E5 RON92 được tính bằng 95,1% mức thuế so với xăng khoáng RON92. Tôi đồng tình rằng mức này chưa hợp lý nhưng ta không thể tính cơ học như vậy mà phải đánh giá dựa trên mức độ khí thải xăng E5 thải ra.

Còn hiện nay ta chỉ đang so sánh mức thuế của xăng bình thường là 4.000 đồng/lít, thuế xăng E5 chỉ 3.800 đồng/lít như vậy không thể khiến người dân lựa chọn xăng E5 được khi họ còn nhiều băn khoăn về chất lượng xăng E5, kiểu “chưa bốc bằng” xăng khoáng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang