Thanh tra Chính phủ:

Phát hiện nhiều sai phạm tại Tập đoàn PVC và dự án Formosa

Thứ Sáu, 22/07/2016 18:09  | Thanh Hoà

|

(CAO) Ngày 22-7, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã họp báo thường kỳ về kết quả công tác thanh tra quý II và nhiệm vụ trọng tâm quý III năm 2016. Tại cuộc họp báo, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cho biết, nhiều sai phạm tại Tập đoàn PVC và tỉnh Hà Tĩnh trong việc cấp phép dự án Formosa đã được phát hiện từ cách đây nhiều năm.

Tỉnh Hà Tĩnh cho Formosa thuê đất 70 năm là sai

Trả lời báo chí về trách nhiệm của những tập thể, cá nhân liên quan đến việc cho Formosa thuê đất đầu tư 70 năm trái quy định; trong đó trách nhiệm cụ thể của ông Võ Kim Cự - nguyên Bí thư, Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh cho biết, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra “Chấp hành pháp luật về đầu tư cơ bản và quản lý sử dụng đất đai đối với một số dự án trên địa bàn Hà Tĩnh” năm 2012, kết luận thanh tra 1538 ngày 3-7-2014 đã được công khai.

Theo ông Khánh, cuộc thanh tra này dài và rộng, trong một thời gian không thể đi sâu vào từng dự án. Formosa chỉ là một trong số các dự án được Thanh tra Chính phủ xem xét trong quá trình thanh tra, nhưng đã được kết luận cụ thể.

Ông Khánh khẳng định: từ khi Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực, những trường hợp như Formosa mặc nhiên là 70 năm, nhưng xét theo quy định của pháp luật thời điểm đó, kết luận của Thanh tra Chính phủ đã khẳng định Hà Tĩnh làm như thế là chưa đúng pháp luật.

Ông Khánh cũng cho biết: “Về kiến nghị xem xét trách nhiệm, chúng tôi không chỉ ra từng cá nhân mà gắn với cấp có thẩm quyền, ban quản lý phải xem xét xử lý kiểm điểm. Đương nhiên gắn với tên tuổi thời điểm đó thì phải có trách nhiệm, không thể không có trách nhiệm”.

Phó tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh tại cuộc họp báo

Ông Khánh cũng thông tin thêm, vừa qua Thanh tra Chính phủ đã thành lập tổ công tác tiến hành kiểm tra việc thực hiện, xử lý các nội dung kết luận và kiến nghị của thanh tra. Hiện nay tổ kiểm tra mới kết thúc công việc, đang chờ làm việc lại với Hà Tĩnh để thông báo kết luận đó.

“Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá bước đầu Hà Tĩnh chưa nghiêm túc. Còn tại sao chưa nghiêm túc sẽ có đối chiếu cụ thể, chúng tôi sẽ có thông báo chính thức. Trách nhiệm đó của những ai thì sẽ gắn với từng việc, từng người có trách nhiệm”- ông Khánh nhấn mạnh.

Ông Khánh khẳng định, hiện nay Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành có liên quan đang chỉ đạo ráo riết và nghiêm túc thực hiện nhiều việc để khắc phục hậu quả sự cố của Formosa gây ra và hoàn thiện cơ chế chính sách để đảm bảo những điều tốt nhất cho người dân.

Tập đoàn PVC từng bị điều tra

Cũng tại cuộc họp báo sáng 22-7, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh cho biết, năm 2011, Thanh tra Chính phủ thanh tra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), trong đó, nhiều đơn vị thành viên, có cả Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Thời điểm này, ông Trịnh Xuân Thanh giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT.

Ông Khánh cho biết, việc thanh tra tập đoàn PVN không thể làm cụ thể từng đơn vị, từng cá nhân. Kết quả sai phạm đến đâu, Thanh tra Chính phủ kết luận đến đó.

“Lúc ông Thanh làm lãnh đạo, PVC thua lỗ 3.300 tỷ đồng như kết luận Thanh tra Chính phủ công bố. Ngoài ra PVC còn nhiều vi phạm khác. Trách nhiệm của ông Thanh đã được Tổng Bí thư chỉ đạo làm rõ”, ông Khánh cho hay.

Còn việc xử lý trách nhiệm của ông Thanh cũng như việc bổ nhiệm, cân nhắc các chức vụ là do các Bộ, ngành khác, không thuộc trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ. Ông Khánh cũng cho biết, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra những sai phạm trong một số dự án lớn như: Nhà máy nhiên liệu Xăng sinh học (Phú Thọ), Xơ sợi Đình Vũ (Hải Phòng) và bước đầu kết luận, PVC có sai phạm trong thi công các dự án này.

Về các văn bản Thanh tra Chính phủ gửi Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đồng ý đề xuất phong tặng 3 danh hiệu cao quý (Huân chương lao động hạng Nhì, Huân chương lao động hạng Nhất và Anh hùng lao động) cho PVC trong thời gian 2009-2011, ông Khánh thông tin: Khi xem xét khen thưởng danh hiệu cao quý, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương thường có văn bản lấy ý kiến Thanh tra Chính phủ xung quanh việc đơn vị đó có liên quan đến vi phạm pháp luật hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo hay không.

Khi nắm được thông tin khen thưởng đối với PVC gây bức xúc dư luận, Thanh tra Chính phủ đã chủ động rà soát lại hồ sơ, bởi không chỉ với PVC mà với tất cả các đơn vị khác cũng vậy.

Còn ông Hoàng Thái Dương, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ khẳng định, Thanh tra Chính phủ không tham gia hoặc đồng ý với việc khen thưởng các danh hiệu của PVC trong giai đoạn đó.

“Vào năm 2011, Ban Thi đua - Khen thưởng có gửi văn bản hỏi và chúng tôi có trả lời rằng chưa nhận được đơn thư tố cáo và chưa phát hiện vi phạm gì ở PVC bởi kết luận thanh tra Tập đoàn Dầu khí vào năm 2012. Thanh tra Chính phủ không trả lời đồng ý hay không đồng ý với việc tặng bất kỳ danh hiệu nào cho tổ chức, cá nhân nào cả” - ông Dương nói.

Ngoài ra, ngày 5-4-2011, Tổng Thanh tra Chính phủ có quyết định số 725/QĐ-TTCP về thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Ngày 18-1-2012, tại kết luận chính thức về cuộc thanh tra này, Thanh tra Chính phủ có nêu về việc: ngày 6-10-2008, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản cho phép UBND TP Hà Nội bán chỉ định cơ sở nhà, đất tại 69 Nguyễn Du để xây dựng làm trụ sở làm việc.

Căn biệt thự chuyên dùng ở 69 Nguyễn Du, có diện tích 569,7 m2 được giao cho PVC cải tạo làm trụ sở; thời gian sử dụng 50 năm, không được phép chuyển nhượng hoặc chuyển mục đích sử dụng đất nếu không được phép của UBND TP Hà Nội.

Tuy nhiên, ngày 31-12-2009, PVC đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng căn biệt thự này cho Cty cổ phần Đầu tư Khoáng sản Hợp Thành với giá trị 95,9 tỷ đồng. Theo Thanh tra Chính phủ, do thời gian và nội dung thanh tra được quy định và tại thời điểm đó, Công an TP Hà Nội cũng đang tiến hành điều tra việc mua, bán căn nhà 69 Nguyễn Du nên không đi sâu để xác minh.

Đồng thời, tại thời điểm thanh tra xác định, PVC còn nợ Tổng Cty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP) 111,7 tỷ đồng khi nhận chuyển nhượng dự án khách sạn Thái Bình.

Trong quý II/2016, ngành thanh tra đã triển khai 1.805 cuộc thanh tra hành chính và 84.817 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, qua đó phát hiện vi phạm 8.028 tỷ đồng, 860 ha đất; kiến nghị thu hồi 6.772 tỷ đồng và 515 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 1.256 tỷ đồng, 345 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 221 tập thể; ban hành 45.652 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân với số tiền là 1.408 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 19 vụ, 31 đối tượng.

Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, có 4 trường hợp (Quảng Ngãi 2 người, Tây Ninh 2 người) người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng đã xử lý kỷ luật 2 người, xử lý hình sự 2 người. Cơ quan điều tra đã thụ lý 148 vụ, 354 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang