Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, khắc ghi hình ảnh đẹp của người chiến sĩ Cảnh sát trong lòng nhân dân

Thứ Hai, 17/07/2017 17:46

|

Nhân kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962 - 20/7/2017), Thượng tướng, GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an có bài viết quan trọng: “Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, khắc ghi hình ảnh đẹp của người chiến sĩ Cảnh sát trong lòng nhân dân”. Báo Công an TP.HCM trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của đồng chí Bộ trưởng.

Ngày 20-7-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 34/LCT công bố Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát nhân dân (CSND) và Pháp lệnh quy định chế độ cấp bậc hàm của sĩ quan, hạ sĩ quan CSND nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Việc ban hành các pháp lệnh này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và Bác Hồ dành cho lực lượng Công an nhân dân (CAND) nói chung, CSND nói riêng, tạo nền tảng pháp lý xây dựng lực lượng CSND tiến lên chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trở thành lực lượng vũ trang cách mạng tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đóng vai trò nòng cốt, xung kích trong cuộc đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn xã hội (TTATXH). Ngày 20-7 hằng năm đã trở thành Ngày truyền thống của lực lượng CSND Việt Nam anh hùng.

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết công tác Công an 6 tháng đầu năm 2017

Ngay từ những ngày đầu thành lập, trước chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân, gián điệp, biệt kích của đế quốc Mỹ với miền Bắc, lực lượng CSND đã chiến đấu dưới mưa bom, bão đạn cùng quân và dân cả nước dồn sức, đồng lòng bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, điểm tựa vững chắc, hậu phương lớn của miền Nam anh dũng thành đồng. Hình ảnh những người chiến sĩ Cảnh sát giao thông, phòng cháy, chữa cháy, Cảnh sát khu vực và các lực lượng Cảnh sát khác băng mình trong bom rơi, đạn nổ, hy sinh quên mình trong công tác, chiến đấu trở thành chỗ dựa tin cậy, niềm tự hào, sự quý mến và gần gũi đối với nhân dân. Trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đã có gần 3.000 cán bộ, chiến sĩ CSND cùng với các lực lượng khác trong CAND lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam, tham gia phối hợp với lực lượng tại chỗ kiên cường chiến đấu tiêu diệt địch, đồng thời, tiến hành công tác tiếp quản, đấu tranh không khoan nhượng với các loại tội phạm, bảo đảm TTATXH, góp phần xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng vùng mới giải phóng.

Bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế của đất nước, lực lượng CSND đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, liên hệ mật thiết với nhân dân, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, tích cực đổi mới các mặt công tác, các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo đảm TTATXH, góp phần cùng các lực lượng An ninh nhân dân bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, lợi ích quốc gia, tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi để phát triển đất nước, từng bước nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Có thể khẳng định, trong suốt chặng đường cách mạng vẻ vang của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, được sự yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân, sự phối hợp, hiệp đồng của các lực lượng, các cấp chính quyền, lực lượng CSND đã có những đóng góp hết sức quan trọng, lập nhiều chiến công, thành tích sáng chói. Ghi nhận những thành tích, chiến công đó, lực lượng CSND đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 01 Huân chương Sao Vàng, 09 Huân chương Hồ Chí Minh và hàng nghìn huân chương, huy chương các loại cho các tập thể, cá nhân. Có hơn 120 lượt tập thể và gần 100 cá nhân cán bộ, chiến sĩ CSND được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nhiều tấm gương tiêu biểu của cán bộ, chiến sĩ CSND qua các thời kỳ đã trở thành biểu tượng cao đẹp của CAND Việt Nam, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh. Những vinh quang đó của các thế hệ CSND xuyên suốt chiều dài lịch sử gắn liền với sự hy sinh tính mạng và xương máu của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ CSND. Chỉ riêng trong giai đoạn đổi mới và hội nhập quốc tế, trong cuộc chiến đấu giữ gìn TTATXH và phòng, chống tội phạm, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát đã anh dũng hy sinh, hàng nghìn đồng chí bị thương tật hoặc tổn hại sức khỏe (Chỉ tính từ năm 1986 đến nay, đã có 150 đồng chí anh dũng hy sinh và hơn 800 đồng chí bị thương hoặc phơi nhiễm HIV trong khi làm nhiệm vụ). Hành động quả cảm, sự hy sinh xương máu ấy của cán bộ, chiến sĩ CSND hôm nay đã góp phần viết tiếp, làm rạng rỡ thêm trang sử hào hùng của lực lượng CAND nói chung, CSND nói riêng. Những hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy, Cảnh sát hình sự tấn công, trấn áp và truy bắt tội phạm; người chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn lao mình vào giặc lửa, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; người chiến sĩ Cảnh sát cơ động băng rừng, vượt núi giúp dân chống lũ; người chiến sĩ Cảnh sát giao thông giữa trời mưa dông, nắng gắt vẫn dầm mình điều tiết giao thông và còn rất nhiều chiến công thầm lặng khác của lực lượng CSND là sự tiếp nối những hình ảnh đẹp của lực lượng CSND trong lòng nhân dân thời kỳ đổi mới.

Tuy nhiên, chúng ta đang phải đối mặt với mặt trái khắc nghiệt của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, cái xấu đã và đang tác động đến nhận thức, hiện hữu trong đời sống hằng ngày, làm đảo lộn nhiều chuẩn mực về đạo đức và chính trị - xã hội. Trong lực lượng CSND vẫn còn những cán bộ, chiến sĩ trong thực thi nhiệm vụ, dưới áp lực của công việc và các thủ đoạn tấn công, mua chuộc, dụ dỗ, lôi kéo của tội phạm, còn nảy sinh hiện tượng tiêu cực, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, quy trình công tác, tư cách của người cán bộ, chiến sĩ CAND, dẫn đến vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào lực lượng Cảnh sát, phần nào làm ảnh hưởng đến hình ảnh đẹp của người chiến sĩ Cảnh sát mà biết bao thế hệ đồng chí, đồng đội đã đổ mồ hôi, công sức và cả máu xương để tạo dựng nên.

Tự hào về truyền thống anh hùng vẻ vang, để mãi khắc ghi hình ảnh đẹp của người chiến sĩ Cảnh sát trong lòng nhân dân. Thời gian tới, lực lượng CSND và Công an các đơn vị, địa phương cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Một là, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị CSND từ Trung ương đến địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng trong nghiên cứu, đề xuất, kiện toàn tổ chức bộ máy hoạt động thuận lợi, hiệu quả, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, chủ động, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả trong công tác của lực lượng CSND giai đoạn hiện nay. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phong trào CAND học tập và làm theo 6 điều Bác Hồ dạy bằng những hành động thiết thực, góp phần xây dựng lực lượng CSND trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm TTATXH trong tình hình mới.

Hai là, xây dựng lực lượng CSND thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, xung kích trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm TTATXH, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Lực lượng CSND cần phải dựa vào dân, sát cánh với nhân dân, làm cho nhân dân thêm tin tưởng và sẵn sàng giúp đỡ nhiều hơn nữa trong công tác, chiến đấu. Do vậy, xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát trong lòng nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt và xuyên suốt trong công tác xây dựng lực lượng, là yêu cầu tất yếu, khách quan trong mối quan hệ qua lại giữa lực lượng Cảnh sát và quần chúng nhân dân. Mỗi cán bộ, chiến sĩ CSND phải xác định được vinh dự, trách nhiệm của mình và đặc biệt là phải tự xây dựng hình ảnh đẹp trong lòng nhân dân, thực hiện tốt lời Bác Hồ lúc sinh thời từng căn dặn: “Công an của ta là CAND, vì nhân dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc”, “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”.

Tổng cục Chính trị CAND, Tổng cục Cảnh sát và Cơ quan chính trị Công an các đơn vị, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin, truyền thông trong và ngoài ngành làm tốt công tác tuyên truyền, xây dựng hình ảnh đẹp về người chiến sĩ CAND nói chung và CSND nói riêng với nhân dân. Tuyên truyền những chiến công, hình ảnh hy sinh, chiến đấu, lao động của người chiến sĩ Cảnh sát đến với nhân dân, những khó khăn, vất vả của cá nhân và gia đình cán bộ, chiến sĩ, cả những cống hiến thầm lặng của họ, gắn với các hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật đến nhân dân, để người dân hiểu, thông cảm, từ đó yêu quý, đùm bọc, giúp đỡ lực lượng Cảnh sát trong thi hành nhiệm vụ. Đồng thời, phải nghiên cứu, triển khai các hình thức tuyên truyền phù hợp đến các tầng lớp nhân dân, như qua các trang mạng xã hội: Facebook, Zalo, Youtube, Twitter...

Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, khắc ghi hình ảnh đẹp của người chiến sĩ Cảnh sát trong lòng nhân dân

Ba là, đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ CSND cần tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Ngành Công an trên mọi lĩnh vực công tác, thực hiện theo khuôn khổ pháp luật của Nhà nước, có ý thức tổ chức kỷ luật cao, chấp hành nghiêm chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, chấp hành điều lệnh, nội quy, quy trình công tác, chiến đấu của lực lượng, không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao sức chiến đấu, trình độ nghiệp vụ, pháp luật, đoàn kết, nhất trí, hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị, các cơ quan, ban, ngành liên quan và quần chúng nhân dân. Đồng thời, rèn luyện để mỗi người chiến sĩ CSND đều thực sự tận tụy, nhiệt tình trong công việc, mưu trí, dũng cảm, kiên cường chiến đấu, không sợ hy sinh, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, cần xây dựng ý thức, nếp sống tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân trong khi thi hành công vụ, nêu cao tinh thần gương mẫu đi đầu, thượng tôn pháp luật. Phải bảo đảm được sự kết hợp hài hòa của yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, quản lý xã hội, quản lý con người, nhưng đồng thời vẫn tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức và công dân sống, lao động, kinh doanh trong điều kiện xã hội hiện tại.

Bốn là, chú trọng đẩy mạnh Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống tội phạm, bảo đảm TTATXH. Nâng cao chất lượng quản lý hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, tăng cường quản lý nhà nước về bảo đảm TTATXH; tập trung trấn áp mạnh các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm về ma túy, buôn lậu, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, không để tội phạm lộng hành, gia tăng gây bức xúc cho nhân dân và xã hội. Chỉ đạo chấn chỉnh công tác điều tra xử lý tội phạm, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai có hiệu quả các bộ luật, luật liên quan trực tiếp đến công tác phòng, chống tội phạm bảo đảm TTATXH đã được Quốc hội thông qua, như Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Luật Thi hành tạm giam, tạm giữ năm 2015, Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ...

Năm là, các học viện, nhà trường, cơ sở đào tạo của Công an các đơn vị, địa phương ngoài việc dạy học viên về chính trị, nghiệp vụ và các kỹ năng mềm như: Ngoại ngữ, tin học, bắn súng, võ thuật, lái xe ô tô và mô tô… cần thiết phải tập trung giáo dục, đào tạo và huấn luyện học viên về kỹ năng sống, về văn hóa ứng xử, lễ phép với nhân dân... Chú trọng đầu tư theo chiều sâu, tự đổi mới nội dung, chương trình huấn luyện, đào tạo đối với học viên, thường xuyên chăm lo, giáo dục truyền thống anh hùng cách mạng của lực lượng CAND, CSND, giáo dục mối quan hệ, gắn bó máu thịt giữa lực lượng Công an và nhân dân để học viên ý thức được trách nhiệm của mình khi ra trường được làm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm TTATXH và bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân; ý thức được việc xây dựng hình ảnh đẹp của người chiến sĩ Công an, chiến sĩ Cảnh sát trong lòng nhân dân.

Nhìn lại những chặng đường cách mạng đã qua, tự hào với những thành tích đã đạt được, với sự đóng góp, cống hiến công sức, hy sinh của các thế hệ CSND vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, mỗi cán bộ, chiến sĩ CSND vẫn đang ngày đêm tiếp tục phấn đấu, cống hiến hết sức lực và trí tuệ của mình để hoàn thành nhiệm vụ cao quý mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, mãi mãi xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự của đất nước.

http://bocongan.gov.vn/web/guest/ct_trangchu/-/vcmsviewcontent/GbkG/2004/2102/37954

Bình luận (0)

Lên đầu trang