Góp ý xây dựng Luật Báo chí:

Tạo điều kiện cho báo chí hoạt động xã hội, làm kinh tế

Thứ Năm, 28/05/2015 04:49  | Lê Ngân

|

(CAO) Dự kiến, dự thảo Luật Báo chí sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10-2015.

Sáng 28-5-2015, Tại TP.HCM, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội thảo "Góp ý xây dựng Luật Báo chí" khu vực phía Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết: "Việc xây dựng Luật Báo chí lần này phải đáp ứng các yêu cầu như: Luật Báo chí phải nhằm đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí phát triển đúng định hướng, đúng pháp luật, phục vụ có hiệu quả công cuộc công nghiệp, hiện đại hóa đất nước; triển khai thực hiện quy định của Hiến pháp năm 2013, đó là công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình...

Vì vậy, Luật Báo chí mới phải đảm bảo những quy định trong luật đáp ứng tốt hơn nữa quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và đặc biệt là quyền tiếp cận thông tin của công dân phù hợp điều kiện phát triển của đất nước; các quy định trong Luật Báo chí cần khắc phục những bất cập, những vấn đề chưa đầy đủ, chưa hoàn chỉnh, chưa đáp ứng được yêu cầu do sự phát triển nhanh chóng của tình hình mới ở trong nước và trên thế giới; đồng thời đảm bảo sự thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan, tạo điều kiện cho báo chí phát triển…".

Dự kiến, dự thảo Luật Báo chí sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10-2015

Ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí, đại diện Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập trình bày những nét chính của dự thảo Luật Báo chí. Cụ thể, dự thảo Luật Báo chí mới có 6 chương 58 điều, trong đó có 35 điều mới, 23 điều cũ có sửa đổi bổ sung. Những quy định mới đáng chú ý gồm: Đối tượng áp dụng Luật Báo chí bao gồm cả những người liên quan đến hoạt động báo chí như cộng tác viên, nhân viên phát hành, về điều kiện hoạt động của văn phòng đại diện cơ quan báo chí, trưởng/phó văn phòng đại diện phải có thẻ nhà báo được cấp bởi cơ quan báo chí có văn phòng đại diện (không chấp nhận thẻ nhà báo được cấp bởi cơ quan báo chí khác)...

Góp ý cho dự thảo Luật Báo chí, ông Nguyễn Quang Thông - Tổng biên tập báo Thanh Niên cho biết, để tạo điều kiện cho báo chí làm kinh tế, hoạt động xã hội, trong Điều 5 (chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí) bổ sung thêm khoản f như sau: “Tổ chức thực hiện các hoạt động liên quan đến kinh tế báo chí”; khoản g: “Tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao vì tôn chỉ mục đích của báo, vì lợi ích cộng đồng, xã hội”.

Cho nên, tại Điều 25, ông Thông đề nghị đổi tài chính thành kinh tế của cơ quan báo chí, thêm phần quy định về phá sản của cơ quan báo chí. Điều 41 (quảng cáo trên báo chí) báo chí được đăng phát quảng cáo, đề nghị thêm các thông tin quảng bá. Nhiều ý kiến của đại biểu góp ý về hoạt động của cơ quan báo chí, nhà báo, nhà báo chưa được cấp thẻ, văn phòng đại diện, giải quyết khiếu nại, cải chính trên mặt báo…

Kết thúc hội thảo, thứ trưởng Trương Minh Tuấn xin ghi nhận, tiếp thu những ý kiến đóng góp rất xác đáng, mới mẻ, để Tổ biên tập tổng hợp, chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo.

Dự kiến, dự thảo Luật Báo chí sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10-2015.

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang