Tổng Bí thư: “Cứ nói trên nóng dưới lạnh, nhưng giờ dưới cũng nóng dần lên rồi”

Thứ Năm, 28/12/2017 12:26  | Thanh Hoà

|

(CAO) Sáng 28/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ bắt đầu Hội nghị trực tuyến với các địa phương, tập trung thảo luận những giải pháp triển khai nhiệm vụ kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tới dự.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thay thế ngay cán bộ nào lơ là trách nhiệm, thiếu nhiệt huyết

Đây là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phát biểu khai mạc hội nghị. Thủ tướng cho biết: Năm 2017, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, phức tạp, hạn chế, nhất là tình trạng thiên tai nặng nề, nhiều ý kiến đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Nhưng với quyết tâm, kiên định, chúng ta đã hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu đề ra.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng đạt 6,81%, chủ yếu nhờ tiềm năng, lợi thế, chứ không đến từ khai khoáng. Môi trường kinh doanh chuyển đổi tích cực. Sự tăng trưởng vượt bậc của chỉ số chứng khoán cho thấy niềm tin của xã hội, thị trường, DN vào kinh tế Việt Nam ngày càng bền vững. "Nhiều đại án tham nhũng được xử lý nghiêm minh, lấy lại niềm tin trong nhân dân. Từ đó tạo niềm tin ngày càng lớn hơn về đất nước Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh và nêu rõ: "Tuy nhiên, nếu chúng ta hài lòng, không cố gắng thì cỗ máy phát triển đó sẽ dừng lại. Do đó cần tiếp tục cố gắng, phát huy các thành tựu đã đạt được để tạo sự phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn".

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Bên cạnh những kết quả, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại như tốc độ tăng trưởng chưa bền vững, xử lý nợ xấu còn hạn chế, còn nhiều DN thua lỗ… Quy mô nền kinh tế còn thấp, cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, cải cách hành chính còn bất cập, tái cơ cấu kinh tế chưa đạt được mục tiêu đề ra.

"Năm 2018 cần tiếp tục quyết liệt: kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, đề cao trách nhiệm cá nhân, xây dựng nền công vụ trong sạch, quyết tâm loại trừ tham ô, nhũng nhiễu. Hãy hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn để chớp cơ vươn lên. Cán bộ nào lơ là trách nhiệm, thiếu nhiệt huyết cần được thay thế ngay" - Thủ tướng khẳng định.

Đạt và vượt cả 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội

Trình bày báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội năm 2017, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết: Nhìn tổng thể cả năm 2017, nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đây là một thành công lớn của đất nước ta, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm dần khai thác tài nguyên, chuyển sang công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển các ngành dịch vụ, du lịch.

Việc đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực đã góp phần củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2017 tăng 20 bậc, lên mức 68/157 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Về phát triển kinh tế, Chính phủ đã chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Giá tiêu dùng bình quân tăng 3,53%, lạm phát cơ bản tăng 1,41%. Tín dụng tăng khoảng 19%, cơ cấu chuyển dịch tích cực, chất lượng được nâng lên, an toàn hệ thống được bảo đảm. Mặt bằng lãi suất giảm 0,5 - 1%. Tỷ giá, thị trường ngoại hối, giá trị đồng tiền Việt Nam ổn định, dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục 51,5 tỷ USD.

Đặc biệt, Báo cáo của Chính phủ cho biết xuất khẩu ước đạt 214 tỷ USD, tăng 21,1%. Trong đó hàng nông, lâm, thủy sản đạt trên 36 tỷ USD; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt 420 tỷ USD; xuất siêu 2,7 tỷ USD. Công tác quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường. Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc, lên thứ 55/137; Ngân hàng Thế giới xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, lên thứ 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Về các lĩnh vực phát triển văn hóa, xã hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng và đạt nhiều kết quả. Cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành tổ chức nhiều hoạt động đền ơn, đáp nghĩa thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ. Tạo việc làm cho khoảng 1,63 triệu người; đưa trên 128.000 người đi lao động ở nước ngoài. An sinh xã hội được bảo đảm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn khoảng 6,9%. Số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 13,5 triệu, bảo hiểm thất nghiệp đạt 11,4 triệu.

Tham nhũng, lãng phí vẫn xảy ra

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong năm qua, đó là tình hình sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn. Cơ cấu lại nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ ở một số vùng, địa phương triển khai chậm, lúng túng, chưa gắn với thị trường. Quản lý phát triển đô thị còn nhiều hạn chế. Nhiều cơ chế, chính sách còn bất cập; điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực rườm rà. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại còn diễn biến phức tạp. Tinh thần, thái độ phục vụ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế. Xây dựng Chính phủ điện tử chậm.

Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết dứt điểm, phát sinh điểm nóng, phức tạp, phần lớn liên quan đến đất đai. Chậm xử lý một số vụ việc vi phạm pháp luật hình sự, để tội phạm bỏ trốn. Tình hình an ninh, trật tự trên một số địa bàn diễn biến phức tạp. Xảy ra nhiều vụ trọng án, tội phạm ma túy, chống người thi hành công vụ và tai nạn giao thông, cháy nổ nghiêm trọng. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn, thách thức...

“Đừng ngủ quên trên vòng nguyệt quế”

Đây là mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi phát biểu chỉ đạo hội nghị. Điểm lại những thành tựu về các lĩnh vực kinh tế-xã hội, văn hóa, đối ngoại, an ninh chính trị…của nước ta trong năm qua. Tổng Bí thư nhấn mạnh, công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực đã có kết quả bước đầu, xử lý nhiều cán bộ cao cấp. “Cứ nói trên nóng dưới lạnh, nhưng giờ dưới cũng nóng dần lên rồi”-Tổng Bí thư nhận xét.

Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng phức tạp được triệt phá, đem lại dư luận tốt. “Không phải ngẫu nhiên mà một không khí phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đang lan rộng trong cả nước”-Tổng Bí thư chỉ rõ.

Tổng Bí thư phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Có nhiều nguyên nhân, nhưng bao trùm là chúng ta được thừa hưởng kế thừa thành quả của nhiều năm trước, đặc biệt là năm 2016. Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, chỉ đạo kịp thời, phù hợp. Bên cạnh đó, còn có sự đoàn kết chung sức chung lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện tốt Nghị quyết TW lần thứ 12, tạo chuyển biến tích cực, có hiệu quả các vấn đề mà cuộc sống đặt ra, nhất là những vấn đề bức xúc, nhạy cảm. Nhiều Nghị quyết được ban hành kịp thời, hợp lòng dân, giải quyết tốt các vấn đề kinh tế-xã hội.

Đặc biệt có sự đồng tình ủng hộ, đóng góp kịp thời của các đồng chí lão thành cách mạng, của nhân dân, báo chí… tạo sự đồng tâm nhất trí của cả hệ thống chính trị xã hội.

“Tuy nhiên, tuyệt nhiên chúng ta không “ngủ quên trên vòng nguyệt quế””-Tổng Bí thư nêu rõ. Chỉ ra những khó khăn thách thức trong nước và quốc tế, những hạn chế, yếu kém thời gian qua, Tổng Bí thư đề nghị hội nghị cần dành thời gian thảo luận thấu đáo để thống nhất đánh giá tình, hình, thực hiện nhiệm vụ năm 2018 một cách đúng đắn nhất.

Đồng ý với các báo cáo, dự thảo NQ, năm 2018 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng, đất nước đứng trước thời cơ, thách thức mới, Tổng Bí thư đề nghị Chính phủ cần tập trung thực hiện các vấn đề:

Tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khoá XII;

Cần nhận thức, quán triệt đầy đủ, sâu sắc hơn nữa quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng và triển khai quyết liệt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, coi đây là nhiệm vụ cơ bản, trọng yếu của chúng ta trong thời gian tới; Đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết Trung ương khoá XI về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo;

Phát triển nguồn nhân lực; tăng cường tiềm lực và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để có thể vượt qua những thách thức, nắm bắt được những cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể đem lại;

Quan tâm hơn nữa đến phát triển có hiệu quả văn hoá, xã hội, chăm lo cải thiện đời sống nhân dân;

Kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại toàn diện về quốc phòng, an ninh theo tinh thần "giữ nước từ xa", "giữ nước từ khi nước chưa nguy". Giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy, nổ, các tệ nạn xã hội;

Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; sẵn sàng ứng phó kịp thời, xử lý có hiệu quả các sự cố thiên tai và cứu hộ, cứu nạn;

Tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

“Thực hiện tốt những việc nêu trên sẽ không hề làm "chùn" sự chỉ đạo hay làm "chậm lại" sự phát triển, mà ngược lại, sẽ giúp làm trong sạch, tạo sức mạnh thật sự của bộ máy và đội ngũ, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để Chính phủ và chính quyền các địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công mọi nhiệm vụ”-Tổng Bí thư khẳng định và tin tưởng, tha thiết mong rằng, sau Hội nghị này, với niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới, Chính phủ và chính quyền các địa phương sẽ cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đoàn kết phấn đấu với quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa, năng động, sáng tạo hơn nữa để hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần xây dựng đất nước thân yêu của chúng ta ngày càng đàng hoàng hơn, tươi đẹp hơn như Bác Hồ từng mong đợi.

Bình luận (0)

Lên đầu trang