Tổng Bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước: Quan trọng là nâng cao dân chủ

Thứ Ba, 23/10/2018 13:08

|

(CAO) Bên hành lang Quốc hội sang nay (23-10), đại biểu Dương Trung Quốc đã chia sẻ góc nhìn của ông về việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước.

Ông Quốc cho rằng, đây là môt thử nghiệm, và từ thử nghiệm này có thể định hướng cho về sau.

Đaị biểu Dương Trung Quốc 

Phóng viên: Theo ông, việc này có nhận được sự đồng thuận cao không?

Ông Dương Trung Quốc: Tôi tin là cao. Vấn đề còn lại là gì, là chúng ta phải có một cơ chế để giám sát quyền lực.

Tôi nhớ khi tôi phát biểu về việc này tại Quốc hội cách đây 13 năm có một đồng chí cao cấp của Đảng và Nhà nước đã gặp tôi ở hành lang và nói rằng, những ý kiến của anh đưa ra rất tốt, Đảng cũng đã bàn lâu rồi nhưng chúng ta vẫn né tránh. Các vị lão thành luôn luôn lấy câu chuyện Gorbachyov ra để lo rằng nếu chúng ta tập trung quyền lực mà không thể kiểm soát được thì rất dễ “bẻ ghi con tàu”.

Tôi nghĩ là việc chúng ta đề phòng thì cứ đề phòng thôi nhưng thiên hạ làm được thì mình cũng làm được. Quan trọng là mình nâng cao dân chủ, để dân giám sát và có cơ chế giám sát được quyền lực đó, như ý kiến của chính Tổng Bí thư từng nói rất nhiều, rằng quyền lực phải được giám sát, được kiểm soát. Cho nên tôi nghĩ không phải là cái lo đến mức chúng ta phải tự dừng bước, tự hạn chế mình lại.

- Việc Tổng Bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước theo nhiều người là rất đáng mừng. Ông thì sao?

+ Tôi không dùng chữ mừng. Mừng hay không là ở kết quả của nó.

Tôi cho là vấn đề mà chúng ta quan tâm là ở việc giám sát quyền lực. Tập trung quyền lực có cái hay là chúng ta có những quyết sách kịp thời và có dấu ấn vai trò của cá nhân, nhưng cũng nảy sinh ra các rủi ro và chúng ta thấy trước rồi. Trước khi bàn câu chuyện của hôm nay chúng ta đã bàn về việc giám sát quyền lực.

- Cũng có người coi đây là một “tình huống”. Liệu có thể biến “tình huống” này thành xu hướng được không, theo ông?

+ Tôi không thoả mãn với cách dùng từ tình huống mà lẽ ra nó phải là một xu hướng, là một định chế quốc gia.

- Nhưng muốn trở thành một định chế quốc gia cũng cần một quy trình. Theo ông muốn nó thành một xu hướng thì nên thế nào?

+ Thì quy trình như nào cũng là con người, cũng là chủ trương, thực hiện hay không thực hiện thôi, có gì khó khăn đâu. Ta cứ tự đặt ra khó khăn đấy chứ.

- Vấn đề là bối cảnh ở Việt Nam nữa, đã phù hợp cho xu thế đó chưa, thưa ông?

+ Ta vẫn hay nói thể chế ở Việt Nam là đặc thù, ta tôn trọng điều đó. Nhưng cũng có những nước như vậy mà họ làm được, thế tại sao ta không làm? Mà những nước đó, tôi không nói to hay nhỏ, mạnh hay yếu, như nước Lào chẳng hạn, họ làm được thì tại sao ta không làm được?

- Thế theo ông việc Tổng Bí thư đồng thời Chủ tịch nước thì có những cái lợi gì?

+ Trước hết là giảm biên chế. Giảm vị trí cấp cao là quan trọng chứ.

Cái thứ hai là bộ máy, cái đó hoàn toàn phù hợp với xu thế hiện nay. Nhưng tôi muốn nhắc lại quan trọng là phải đi kèm với giám sát, đặc biệt là giám sát của người dân.

Tôi nói ví dụ như câu chuyện chúng ta đang làm là lấy phiếu tín nhiệm. Quả thật chúng tôi rất phân vân trong lựa chọn cho đúng. Có thể đấy là ý kiến của cá nhân mình và mình cho rằng mình rất có trách nhiệm, rất thận trọng nhưng mình đã là tiếng nói của dân chưa khi tất cả thông tin đến chúng ta chỉ là những bản báo cáo ngắn không có kiểm định.

Báo cáo kết quả mà cũng đóng dấu mật, thế làm sao tôi thảo luận được với người dân của tôi là tín nhiệm ông này hay tín nhiệm bà kia? Tất nhiên mỗi người có một trách nhiệm riêng, nhưng phải nói là đại diện cho dân để nói là cái khó. Hơn nữa, cách lấy tín nhiệm của mình 3 nấc như thế cũng rất đặc thù và rất khó để chúng ta tỏ thái độ.

Cái thứ ba nữa là chúng ta đừng lấy con số tuyệt đối. Tôi nói ví dụ các vị hoạt động quốc hội thì làm sao mà đánh giá được. Một luật ban hành kém như BLHS vừa rồi thì cả gần 500 đại biểu đều như nhau và mỗi người chịu trách nhiệm về lá phiếu của mình. Tôi cũng chịu trách nhiệm về chuyện đó, chứ không thể nói là tại bà Chủ tịch hay ông Chủ nhiệm. Những nhân vật này rất khó đánh giá nên thường tỷ lệ phiếu tín nhiệm rất cao.

Thế còn những người đứng mũi chịu sào, chịu trách nhiệm trực tiếp về những lĩnh vực có tác động trực tiếp đến dân thì sao? Lấy thước đo là sự hài lòng của người dân là dễ hiểu nhất, nên đừng lấy con số tuyệt đối là anh này được tín nhiệm hơn anh kia mà nên coi đây là một cơ hội để nhắc nhở, để cảnh báo, từ đó để mọi người có thể điều chỉnh lại mình qua cái đó.

- Xin cảm ơn ông!

Bình luận (0)

Lên đầu trang