Tưởng nhớ, tri ân các liệt sĩ Biệt động Sài Gòn - Gia Định

Thứ Hai, 19/02/2024 09:13

|

(CATP) Ngày 15/02/2024 (nhằm Mùng 6 Tết Giáp Thìn), Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối vũ trang biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định (SG - GĐ) đã tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ lực lượng vũ trang Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong hai cuộc kháng chiến và cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, tại địa chỉ 499/20 Cách Mạng Tháng Tám, P13Q10, TPHCM. Từ hơn nửa thế kỷ trước, nơi đây là Garage xe phục vụ hậu cần - kỹ thuật cho lực lượng Biệt động SG - GĐ.

Đại tướng Lê Hồng Anh - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; Thành ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ Việt Nam TPHCM; Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 7; ông Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy; ông Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy và Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu đã gửi lễ dâng hương tưởng niệm.

Dự lễ dâng hương có ông Lê Hoàng Quân - nguyên Chủ tịch UBND TPHCM; Đại tá - AHLLVTND Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), nguyên Chính ủy Lữ đoàn 316 đặc công biệt động; Trung tướng Phạm Văn Dỹ - nguyên Chính ủy Quân khu 7; Trung tướng Nguyễn Văn Nam - Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM; Đại tá Nguyễn Công Anh - Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM; ông Huỳnh Văn Cang - Phó Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến TP (nguyên Thư ký Bí thư Khu ủy SG - GĐ Võ Văn Kiệt); ông Phan Xuân Biên - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy (nguyên Thư ký Thiếu tướng Tư lệnh Quân khu SG - GĐ Trần Hải Phụng); ông Nguyễn Quốc Độ - Phó Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến Khối vũ trang biệt động Quân khu SG - GĐ; đại diện lãnh đạo một số đơn vị của Quân khu 7 và Bộ Tư lệnh TP; các sở ngành, quận, huyện cùng đông đảo tướng lĩnh, các cựu chiến binh là chiến sĩ Biệt động SG - GĐ và gia đình các liệt sĩ...

Tại lễ dâng hương, ông Phan Xuân Biên ôn lại truyền thống của lực lượng Biệt động SG - GĐ: Lễ dâng hương, giỗ các Anh hùng liệt sĩ Biệt động SG - GĐ là ước nguyện của Đại tá Nguyễn Đức Hùng (tức Tư Chu) - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND), Chỉ huy trưởng Biệt động Thành và gia đình thân nhân các liệt sĩ. Đó như một lời nhắc nhở các đồng đội còn sống và các thế hệ con cháu không được quên những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Từ xuân Mậu Tý 2008 đến nay, cứ đến Mùng 6 Tết, gia đình, con cháu của nhiều thế hệ lực lượng Biệt động SG - GĐ cùng tề tựu về ngôi nhà chung, thành kính dâng hương, dâng hoa và làm giỗ tưởng nhớ đến các chiến sĩ Biệt động Thành đã anh dũng hy sinh trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Đặc biệt là những anh chị em Biệt động đã ngã xuống trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đánh vào các cơ quan đầu não của chế độ Sài Gòn như: Dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tổng tham mưu, Tổng nha Cảnh sát, Biệt khu Thủ Đô, Khám Chí Hòa, Đài phát thanh, Sân bay Tân Sơn Nhất...

Nguyên Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân dâng hương

Biệt động Thành ra đời trong kháng chiến chống Pháp, phát triển mạnh với những chiến công vang dội thời chống Mỹ. Lịch sử Biệt động Thành là bản Anh hùng ca với những chiến công thần kỳ, mãi mãi được ghi nhận.

Trong gần 50 năm, kể từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước đã làm rất nhiều việc để tôn vinh, tri ân Biệt động SG - GĐ, từ làm phim, hội thảo khoa học, biên soạn lịch sử, xây dựng Di tích đến thực hiện các chính sách xã hội... Câu lạc bộ Lực lượng võ trang Khối biệt động, từ thời do Thiếu tướng Trần Hải Phụng xây dựng đến các đồng chí Tư Tăng, Bảy Bê và ngày nay; các gia đình Biệt động, tiêu biểu như vợ chồng đồng chí Tư Chu - Đoàn Thị Nhỏ, gia đình đồng chí Trần Văn Lai - Mai Hồng Quế, con cháu các chiến sĩ tình báo, Biệt động Thành năm xưa... đã tích cực tập hợp lực lượng, thu thập tài liệu, hiện vật, xây dựng di tích, bảo tàng... Đó là biểu tượng ngời sáng của tình nghĩa đồng đội, là bản lĩnh, trách nhiệm của "Bộ đội Cụ Hồ", là truyền thống "uống nước nhớ nguồn", văn hóa nghĩa tình của dân tộc ta, của nhân dân TP mang tên Bác.

Ông Phan Xuân Biên bày tỏ: Những gì chúng ta đã làm được vô cùng quý báu, rất đáng tự hào và trân trọng, song vẫn chưa tương xứng với sự hy sinh lớn lao của Biệt động SG - GĐ. Chúng ta còn nợ Biệt động Thành nhiều lắm. Trong cuộc họp hôm nay có rất nhiều người tham dự, hy vọng chúng ta hãy tự nhủ lòng mình tiếp tục làm tốt công tác "truyền thống và ái hữu", tích cực tìm mọi ngả đường, vượt qua những trở ngại, phối hợp với các cơ quan hữu quan, giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, bức xúc liên quan đến Biệt động Thành, trước hết là đối với những người đã hy sinh, đặc biệt trong Tết Mậu Thân 1968. Kiểm tra, hệ thống lại toàn bộ Di tích liên quan đến lịch sử Biệt động Thành, nhất là nơi diễn ra những trận đánh vang dội; các hầm chứa vũ khí, ém quân... để có kế hoạch xây dựng, phục hồi các Di tích.

Chiến công của Biệt động là thành tích chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; của bao thế hệ Biệt động suốt hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc trong thế kỷ 20. Biệt động không phải của riêng ai, nên ai ai cũng có quyền tự hào về Biệt động, đều có trách nhiệm tôn tạo, tôn vinh những gì liên quan đến lịch sử oai hùng của Biệt động Thành. Trong đó, những người, những tổ chức tham dự cuộc gặp mặt hôm nay có vai trò hạt nhân hết sức quan trọng...

Trao đổi với PV sáng 17/02/2024, anh Trần Vũ Bình - con trai Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai (tức Mai Hồng Quế), xúc động: "Điều tôi suy nghĩ nhiều nhất lúc này là làm sao, làm gì để thế hệ trẻ biết, hiểu, cảm và trân quý di sản của những chiến sĩ Biệt động SG - GĐ đã khuất để lại. Việc đúc kết và xây dựng hình tượng, chân dung huyền thoại chưa thật sự xứng tầm. Lớp trẻ ngày nay, thậm chí ngay cả khi đến tận Bảo tàng Biệt động SG - GĐ vẫn chỉ nghe những câu chuyện khá đơn điệu, nhân chứng rơi rụng, tài liệu không rõ ràng, có chỗ thậm chí còn chưa "khớp" nhau. Hãy thử nghĩ, sau vài năm nữa khi những nhân chứng cuối cùng ra đi, thì Biệt động SG - GĐ sẽ còn gì cho lớp trẻ? Bằng tâm huyết của tôi và cả gia đình suốt gần 40 năm qua, tôi tiếp tục dành thời gian và nguồn lực để thực hiện những cái còn dở dang như ước nguyện của bố tôi và các chiến sĩ Biệt động SG - GĐ...".

Một số hình ảnh tại buổi gặp mặt:

Các đại biểu đến dự buổi gặp mặt
Các đại biểu dâng hương tưởng niệm
Tham quan các hiện vật được trưng bày
Các đại biểu dùng bữa cơm thân mật

Bình luận (0)

Lên đầu trang