Ứng phó bão Tembin: Nam bộ đặt trong vùng 'báo động đỏ'

Chủ Nhật, 24/12/2017 16:57

|

(CAO) Cơn bão số 16 (tên gọi quốc tế là Tembin) đang hướng vào các tỉnh Nam Bộ với sức mạnh khủng khiếp và diễn biến phức tạp.

Đường đi của cơn bão đang nhắc các chuyên gia và người dân miền Tây nhớ lại thảm hoạ đã diễn ra sau cơn bão Linda lịch sử 20 năm về trước, nhưng với sức mạnh hiện tại và nếu tiếp tục tăng lên, bão Tembin được dự đoán có thể gây ra mức tàn phá còn kinh hoàng hơn.

Các tỉnh khu vực Nam bộ đang được đặt trong vùng “báo động đỏ” với nhiều phương án chủ động đối phó trước khi cơn bão đổ bộ vào đất liền.

Dự báo trong 12 giờ sắp tới, bão Tembin sẽ di chuyển theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh và nằm trong khoảng 25km/h. Và với tốc độ nói trên, trong chiều và tối nay có thể bão sẽ duy trì sức gió mạnh nhất cấp 12, giật cấp 15 với sóng biển cao 10m và đi qua khu vực đảo Trường Sa Lớn và Huyền Trân; cấp độ rủi ro thiên tai do bão ở huyện đảo Trường Sa cấp 4 (rủi ro thiên tai rất lớn).

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tại phiên họp về phòng chống thiên tai ứng phó với bão Tembin sáng 24-12 đã nhấn mạnh về mức độ nguy hiểm mà cơn bão này có thể đem lại.

Theo ông Thắng, ngoài chủ động ứng phó vỡi bão Tembin theo dự báo cần chủ động các tình huống khi có dự báo xu thế bão Tembin đi lệch về phía Nam, di chuyển sang biển Tây, vì đây là khu vực dễ bị tổn thương, vùng sạt lở cao.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai:

"Việc cấm biển phải thực hiện triệt để. Theo dự báo, sau khi bão qua khu vực Nam bộ, vào biển phía Tây của Nam bộ vẫn còn cấp 9. Đây là điều rất đáng chú ý vì khu vực này có số lượng tàu thuyền hoạt động lớn, phải kiểm soát chặt chẽ".

 
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cuộc họp chủ động phòng chống bão Tembin vào ngày 24-12

Trước những diễn biến còn phức tạp của bão Tembin, các địa phương phải tính toán cụ thể các phương án di dời người dân vùng cửa sông, khu vực sung yêu vào sâu trong đất liền.

"Với những tàu thuyền đánh bắt gần bờ, số lượng ở khu vực này rất lớn nên không cho phép chủ quan. Đặc biệt, cần gấp rút tìm mọi cách liên lạc với các tàu chưa liên lạc được", thứ trưởng Hoàng Văn Thắng chỉ đạo.

Rút kinh nghiệm từ công tác ứng phó với bão số 12, thứ trưởng Hoàng Văn Thắng còn yêu cầu các địa phương phải nỗ lực rất lớn để không gặp thiệt hại về tính mạng con người.

Sáng 24-12, trao đổi với Báo CATP, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết:

"Khoảng 22 giờ ngày 23-12, bão Tembin đi vào khu vực Biển Đông. Bão đang mạnh cấp 12 (115-135 km/h), giật cấp 15 và có xu thế mạnh thêm. “Hoàn lưu cơn bão rộng, xoáy bão tương đối hoàn chỉnh, đĩa mây lệch về phía tây và nam. Vùng gió mạnh chủ yếu ở phía bắc so với tâm bão”.

 

Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, dự kiến sẽ có 117.500 người dân vùng ven biển phải di tản và sơ tán tránh bão. Trong đó có 40.000 người phải sơ tán đến các trường học, trụ sở cơ quan kiên cố để tránh trú bão. Tỉnh cũng đã chỉ định 119.232 cơ quan, trường học cụ thể tại các địa phương sẽ bố trí làm nơi tránh trú bão cho dân. 11.400 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đoàn thanh niên… được huy động từ sáng thứ bảy để thực hiện kế hoạch ứng phó với bão.

Lực lượng bộ đội biên phòng chủ động hướng dẫn tàu thuyền neo đậu, tránh trú bão tại Phú Quốc

Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND Tỉnh Tiền Giang tỏ ra lo lắng và liên tục phân công, chỉ đạo nhiệm vụ cho các sở ban nghành trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc và hết mình các phương án chống bão, đảm bảo an toàn cho người dân.

“Cán bộ, đảng viên và công chức, viên chức phải làm gương cho người dân trong việc triển khai các biện pháp ứng phó với bão. Những địa phương nào lơ là, chủ quan, chậm triển khai các biện pháp đã được chỉ đạo thì lãnh đạo nơi đó sẽ bị kỷ luật", ông Hưởng nhấn mạnh.

Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang chủ trì cuộc họp khẩn tối 22-12 ứng phó với bão số 16

Cũng trong sáng 24-12, Tỉnh ủy Cà Mau đã họp khẩn nghe báo cáo tình hình công tác chuẩn bị phòng chống bão số 16 (Tembin), thống nhất phương án triển khai phòng chống khẩn cấp trên địa bàn các huyện. Theo diễn biến đường đi của bão Teambin, Cà Mau sẽ là một trong những tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất khi cơn bão cuối cùng trong năm 2017 càng quét qua.

Chỉ đạo tại cuộc họp, ông Dương Thanh Bình, Bí thư tỉnh ủy Cà Mau, nhận định đây là cơn bão nguy hiểm, phức tạp và chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Cà Mau. Ông Bình chỉ đạo trong ngày 24 và 25-12 các cơ quan chức năng phải hỗ trợ người dân thu hoạch các mô hình sản xuất kinh tế, cái nào thu hoạch được thì làm ngay, tránh thiệt hại.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng ở thời điểm này là thông báo tất cả tàu thuyền đang còn trên biển khẩn trương vào bờ. Chính quyền các huyện cương quyết di dời người dân ở các điểm xung yếu, cửa sông, cửa biển, nhà đơn sơ đến nơi an toàn ngay trong sáng 24-12.

“Chúng ta vẫn còn nhớ rất rõ những thiệt hại của cơn bão số 5 (Linda) năm 1997 và mới đây nhất là cơn bão số 12 ở miền Trung. Vì thế công việc quan trọng nhất là tuyên truyền đến người dân, không để người dân chủ quan”, ông Hải nói.

Cần Giờ sẵn sàng chống bão

Huyện Cần Giờ chủ động các biện pháp phòng tránh bão

Tại huyện Cần Giờ (TP.HCM), địa phương được dự đoán sẽ trực tiếp chịu ảnh hưởng từ bão số 16 cũng đã lên kế hoạch sẵn sàng ứng phó.

Trao đổi với Báo Công an TP.HCM, ông Trương Tiến Triển, Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, đã huy động gần 1.800 người tham gia công tác ứng phó với bão. Hiện Cần Giờ đã hướng dẫn cho hơn 1.000 phương tiện; đồng thời chuẩn bị 103 tấn gạo, hơn 2.800 thùng mì gói, nước uống.

“Hiện UBND huyện Cần Giờ đang tổ chức công tác di dời trên 5.000 dân trên địa bàn ở xã Thạnh An và các khu vực ven cửa sông, cửa biển về các nơi an toàn”, ông Triển thông tin.

Kiên quyết cưỡng chế tàu bè cập bờ

Theo Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, số tàu hoạt động ở khu vực quần đảo Trường Sa tương đối nhiều với 131 tàu/1.117 lao động, trong đó có 22 tàu/371 lao động của Quảng Ngãi, 3 tàu/20 lao động của Bình Định, 100 tàu/667 lao động của Phú Yên, 5 tàu/45 lao động của Khánh Hòa,1 tàu/14 lao động của Bình Thuận. Trước mức độ đặc biệt nguy hiểm nay, tất cả số lượng tàu cá của ngư dân đang hoạt động trong vùng biển nguy hiểm sẽ được hướng dẫn để vào bờ neo đậu, tránh trú bão. Với các trường hợp kiên quyết không vào bờ, Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng sẽ có các biện pháp kiên quyết cưỡng chế vào bờ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang