Đi tìm "Giấc mơ Chapi"

Chủ Nhật, 07/02/2021 21:10

|

(CATP) Một lần đi viết bài về “mùa mía đắng” trong đợt hạn hán năm 2016, tôi bị lạc giữa những cánh đồng mía bạt ngàn tại huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận), xung quanh không một bóng người qua lại. Rong ruổi cả ngày, lúc ngoảnh lại thì trời đã xế chiều, đang loay hoay tìm đường về thị trấn Ninh Sơn, tôi bỗng thấy xa xa có duy nhất một căn nhà sàn đơn sơ nằm bên sườn đồi.

Tôi tìm đến và được biết căn nhà này là của cặp vợ chồng người Raglai. Họ có ba đứa con và sống với nhau đã bao mùa nương rẫy. Các vật dụng trong nhà được làm từ mây, tre, gỗ, gốm và chiếc đàn chapi treo lủng lẳng trên vách nứa. Tôi hỏi mua cây đàn thì chủ nhà bảo nếu tôi thích, anh ta sẽ tặng chứ không bán. Cầm cây đàn trên tay, tôi chợt nhớ đến thời điểm nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác bài hát Giấc mơ Chapi, nó có cái gì đó rất giống với cơ duyên mà tôi đang gặp nên tôi quyết định đi tìm “giấc mơ” ấy.

CƠ DUYÊN RA ĐỜI CỦA GIẤC MƠ CHAPI

Nhạc sĩ Trần Tiến kể, ông được nhạc sĩ Hồ Công Hoài Sơn, Trưởng Đoàn ca múa nhạc Ninh Thuận lúc đó, nhắn gửi: “Anh viết giúp cho Ninh Thuận một bài hát, vì tỉnh vừa chia tách, chưa có bài hát nào cho riêng mình”. Từ sự “đặt hàng” ấy, năm 1993, trong một chuyến đi điền dã tại miền núi Ninh Thuận cùng với các nhạc sĩ: Phan Huỳnh Điểu, Lư Nhất Vũ, Lê Giang... để tìm một nhạc cụ độc đáo của dân tộc mình mang sang Pháp biểu diễn, giới thiệu với bạn bè quốc tế, đoàn của ông đã dừng lại ở Ninh Thuận.

Ông đi nửa ngày đường, qua hàng chục cây số lên đỉnh núi cao, nơi ở của người Raglai thì thấy một căn nhà sàn duy nhất, xung quanh không một bóng người. Căn nhà có hai vợ chồng và một đứa con. Ông đến gần thì nghe tiếng đàn rất lạ. Nghe xong, ông tìm đến hỏi mua, nhưng chủ nhà bảo: “Không…, anh thích thì tôi tặng, tôi bán làm gì. Ở đây, lâu lắm rồi chúng tôi không dùng đến tiền”. Nghe xong, Trần Tiến tái người. Tưởng mình nghe nhầm, nhạc sĩ hỏi lại: “Anh nói sao?”. Chủ nhà nói: “Từ khi đi lính về, tôi lấy một cô vợ người dân tộc. Mười mấy năm nay, tôi không dùng đến tiền. Anh ra mà xem, đàn dê, đàn gà của tôi đầy đây nè, lúa nương bạt ngàn, tôi có tiêu pha gì đâu! Trong nhà không có một thứ gì gọi là vật dụng bằng kim khí”. Nghe chủ nhà nói vậy, tự nhiên trong đầu Trần Tiến nảy ra một giấc mơ: “Ôi… Ta bao giờ được sống như thế này, khỏi phải bon chen cuộc đời rắc rối?”. Và bài hát Giấc mơ Chapi ra đời từ giấc mơ giản dị ấy.

Ngoài chơi đàn chapi, nghệ nhân Mai Thắm còn biết thổi kèn bầu và chơi nhiều nhạc cụ khác

Giấc mơ Chapi được hát lần đầu tiên trên sân khấu tại Pháp và Hà Lan, do chính Trần Tiến trình bày trong chuyến lưu diễn châu Âu của nhóm Du ca Đồng Nội, đây cũng là lần đầu tiên đàn chapi được giới thiệu với bạn bè quốc tế. Khi về Việt Nam, ca sĩ Y Moan là người đầu tiên hát Giấc mơ Chapi và cũng là người hát thành công nhất. Bài hát này gắn với Y Moan cho đến buổi biểu diễn cuối cùng của đời mình.

CHAPI - HỒN NGƯỜI RAGLAI

Mặc dù chưa một lần gặp nhạc sĩ Trần Tiến, nhưng mỗi khi nhắc về Giấc mơ Chapi, nghệ nhân Mai Thắm (SN 1959, người Raglai, ngụ thôn Mã Oai, xã Phước Thắng, huyện Ninh Sơn) “rất ưng cái bụng” về ông nhạc sĩ đã nói đúng “hồn người Raglai”. Thời đó, người Raglai “ai nghèo cũng có cây đàn chapi”. Từ sớm mai cho đến đêm khuya, khi rung lên khắp các nếp nhà sàn, tiếng đàn chapi cứ ngân nga đều đặn, lúc trầm lúc bổng, không nhanh, không chậm, như chính nhịp sống đong đưa của người Raglai ở miền sơn cước. Mê mẩn bởi tiếng đàn ông cha, cậu bé Mai Thắm bắt đầu học và tập chơi loại đàn này. Lên 18 tuổi, cậu đã chế tác và chơi thành thạo loại đàn độc đáo của dân tộc mình.

Ông Thắm bảo, người Raglai gọi đàn chapi là “chapin”, người Việt đọc chệch thành “chapi”, tên gọi này phổ biến rộng rãi cho đến ngày nay. Ông không biết loại đàn này có từ lúc nào. Chỉ biết rằng từ khi ông sinh ra, đã thấy các bô lão và người lớn trong làng dùng “chapin” rồi. Không chỉ biết chơi, chế tác chapi, ông còn biết chơi, biết chế tác kèn bầu, đàn đá, gò chỉnh âm thanh của bộ mã la (bộ cồng chiêng của người Raglai) và biết rèn đúc các vật dụng khác.

Đàn chapi của người Raglai có nhiều loại. Người Raglai ở miền Đông, còn gọi là “bái Đông”, gồm các xã: Phước Thành, Phước Đại, Phước Chiến, Phước Kỳ…, thường làm chapi 10 dây. Người Raglai ở miền Tây, còn gọi là “bái Tây”, gồm các xã: Phước Bình, Phước Thắng… đến tỉnh Khánh Hòa, thường làm chapi 12 dây.

Người Raglai ở xã Ma Nới (huyện Ninh Sơn) làm chapi 8 dây, được ghép thành 4 cặp dày, mỏng khác nhau. Dày nhất là hai cặp dây cha, mẹ, có âm thanh trầm lắng. Hai cặp dây kế tiếp tượng trưng cho con trai, con gái, có âm thanh trong trẻo, cao bổng hơn. Người Raglai theo chế độ mẫu hệ nên điệu đàn chapi bao giờ cũng được khảy từ cặp dây mẹ rồi mới đến cặp dây cha và sau cùng là các cặp dây con. Đối với người Raglai, chapi là hồn người, là báu vật vô giá.

Khi rung lên, tiếng chapi ngân nga như chính nhịp sống đong đưa của người Raglai ở miền sơn cước

Theo nghệ nhân Chamalé Âu (SN 1955, người Raglai, ngụ xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn), điều khó nhất khi làm đàn chapi là lẫy dây và thẩm âm. Dây lẫy dày quá, âm thanh phát ra sẽ trầm, cứng, không vang xa; dây mỏng thì âm sẽ bổng, nhưng rất dễ gãy. Làm đàn xong, người ta áp tai vào đầu ống tre rồi gảy đàn, chỉnh âm đến khi nào âm thanh phát ra “nghe ưng cái bụng của mình” là được.

Cùng với chiếc kèn bầu, người Raglai sử dụng đàn chapi gần như mọi lúc, mọi nơi. Nhiều nhất là lúc rảnh rỗi vào mùa mưa, dịp lễ, tết, cưới xin, cúng lúa mới hoặc trai gái dùng tán tỉnh nhau trong những đêm trăng thanh gió mát. Chamalé Âu được xem là người chơi chapi hay nhất của tỉnh Ninh Thuận. Ông đã giành nhiều giải thưởng, bằng khen, chứng nhận của tỉnh và trung ương cho những lần xách chapi đi diễn.

Có thời điểm, lớp trẻ dân tộc Raglai ở xã Phước Thắng mù tịt về chapi, khiến nghệ nhân Mai Thắm canh cánh nỗi lo tiếng đàn bị thất truyền. Trước nguy cơ chapi bị mai một, những năm gần đây, ông gác lại chuyện nương rẫy, chú tâm vào đào tạo lớp trẻ giữ gìn “hồn người Raglai”. Hiện đã có hơn 10 thanh thiếu niên biết chơi chapi, đánh mã la, thổi kèn bầu. Tâm nguyện của ông là mở một lớp dạy nhạc cụ người Raglai, để “hồn vía cha ông” được bảo tồn cùng năm tháng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang