“Thích gì làm nấy” - cách định hướng nghề nghiệp của người Nhật (*)

Thứ Ba, 06/11/2018 07:45

|

(CAO) Nhà văn Ryu Murakami (Nhật Bản) không còn xa lạ với độc giả Việt Nam với những tác phẩm được yêu mến như: 69, Thử vai, Xuyên thấu, Ba đêm trước giao thừa…

Nhưng có lẽ độc giả Việt Nam rất ngỡ ngàng khi biết ông còn viết sách bàn về hướng nghiệp, đã gây tiếng vang lớn, tạo cảm hứng cho giới trẻ Nhật Bản. Và đây là một cuốn billion – bestseller của Nhật; cũng chính là lý do cuốn sách này - “Thích gì làm nấy” (tựa gốc: Tuổi 13 đón chào nghề nghiệp) - được Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản Japan Foudation chọn hỗ trợ để dịch và xuất bản ở Việt Nam.

Một đề tài nghiêm túc, khô khan và khó có thể hấp dẫn độc giả, nhất là các em học sinh, nhưng thực sự khi cầm cuốn sách trên tay, chúng ta không khỏi tò mò lật giở bởi sự thú vị của nó. Đầu tiên là phần cuối trong cái mục lục “ấn tượng” cuối sách:

“Dành cho những bạn đang thất vọng vì chưa tìm ra sở thích tại các chương trên hoặc không biết mình thích gì: -Thích chiến trận / Thích dao kéo/ Thích vũ khí / Thích ngủ và không làm gì cả / Tò mò, thích tìm hiểu về giới tính / Thích cá cược và phân định thắng thua”.

Thử lật đến trang 309, bạn sẽ “khúc khích” khi đọc: “…rồi sau khi đã ngủ nhiều đến mức không ngủ thêm được nữa, bạn hãy tích lũy thêm năng lượng và… đọc lại cuốn sách này từ đầu. Nhất định bạn sẽ tìm ra điều mình hứng thú bởi mọi người khi sinh ra đều được ban cho óc tò mò và nguồn năng lượng dồi dào….”.

Sự khác biệt của cuốn sách là từ sự “đúc kết” của chính bản thân tác giả-từng-là-học-sinh- với những băn khoăn, trăn trở và thậm chí có khi đã phải trả giá cho sự lựa chọn nghề nghiệp của mình. Ông hoàn thành cuốn sách này ở tuổi 50 bằng tất cả những tích lũy, trải nghiệm và suy ngẫm của một người bước qua nhiều thăng trầm cuộc đời và bằng tất cả những tâm huyết của một người đã “đi qua”.

Ông muốn các bạn trẻ có một sự chuẩn bị kĩ lưỡng để có một tương lai, một nghề nghiệp vững chắc. Hơn thế nữa, vì tư duy “khác biệt” của ông nói riêng và của người Nhật nói chung, và đây cũng thể hiện là tư duy giáo dục NB: Nghề nghiệp không đơn thuần là công cụ để kiếm tiền; mà Nghề nghiệp kết nối Con người - Xã hội - Thế giới.

Các bạn trẻ không cần vội vàng, nôn nóng “tìm kiếm”. Có những người đến năm 28 tuổi mới quyết định được “cái nghiệp” mình theo cả đời, thậm chí kéo dài cho đến năm 35 tuổi mới xác định được, khi đã có một nền tảng giáo dục và trải nghiệm nhất định.

Nói điều này, tác giả còn muốn nhấn mạnh rằng các bạn trẻ không nên lãng phí thời gian bỏ qua mọi sự đam mê, tìm hiểu, mà hãy kiên trì theo đuổi sở thích, niềm đam mê của mình. Con đường đi đến một nghề nghiệp đúng nghĩa, đầu tiên là hành trình của sự “gặp gỡ” – kiểu như một mối duyên tương ngộ khi ta tìm được niềm đam mê, sở thích.

Để tạo ra “mối duyên ngộ gặp gỡ” này phải có lòng say mê tìm hiểu, có sự hứng thú thực sự và nó được hun đúc, nuôi dưỡng từ nhỏ, từ sở thích thủa ấu thơ của chúng ta. Nghĩa là “hướng nghiệp” cho các em học sinh phải một “hành trình” bắt đầu từ những cái gọi là “sở thích” ban đầu rồi nuôi dưỡng và vun trồng, chứ không phải tới 3 tháng cuối của năm học lớp 12 thì mới được “tư vấn hướng nghiệp”.

“Thích gì làm nấy” giới thiệu cặn kẽ hơn 400 nghề nghiệp có thể thỏa mãn mọi sở thích của các em học siinh, có những nghề rất quen thuộc và những nghề cũng vô cùng lạ, kiểu như thích ngủ thì sẽ làm gì; thích cá cược sẽ làm gì…

Cuốn sách thực sự thú vị, đáng để các bâc phụ huynh, các em học sinh cũng như các chuyên gia giáo dục tham khảo.

(*) Sách do Công ty Đông A và NXB KHXH xuất bản - phát hành, Japan Foudation hỗ trợ bản quyền và dịch.

Bình luận (0)

Lên đầu trang