29 năm tầm nã 'đại ca Lưu' - Kỳ 2

Thứ Ba, 23/06/2015 14:42  | An Hòa

|

(CATP) Lại nói về quá trình tẩu thoát vào năm 1986 của Bùi Đức Lưu. Theo lời khai, hắn cùng hai đồng bọn vào đến Sài Gòn rồi mỗi người một nơi. Lưu về Cần Thơ, nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời. Đối với một gã lưu manh chuyên nghiệp như Lưu, sớm muộn gì cũng “ngựa quen đường cũ”.

Vào tù như cơm bữa

 

“Bệnh” trộm cắp đã ngấm vào máu thịt của Bùi Đức Lưu. Sau nhiều đêm suy nghĩ, hắn quyết định đổi tên mới là Phan Viết Sơn để tiếp tục phạm tội. Tất nhiên hắn đổi cả hộ khẩu thường trú và đổi cả tên cha, để trùng khớp với họ mà hắn giả danh. “Cha” hắn mang tên Phan Viết Ngọ, “mẹ” là Nguyễn Thị Điểm.

 

Ngày 9-1-1997, Bùi Đức Lưu (lúc này mang tên Phan Viết Sơn, HKTT “ma” tại ấp 5, xã Hiệp Thành, TX.Bạc Liêu) bị CA huyện Sông Cầu (Phú Yên) bắt về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của công dân. Ngày 24-7-2007, TAND huyện Sông Cầu tuyên phạt hắn chín tháng tù giam. Hắn được ra tù vào tháng 10-2007.

Tập hồ sơ lưu trữ về Bùi Đức Lưu - Ảnh: An Hòa

Ngày 13-6-1998, Lưu lại bị TAND tỉnh Ninh Thuận xử phạt sáu năm tù giam về cùng tội danh trên, với hành vi tráo vàng giả lấy vàng thật. Hắn bị giam tại Trại giam Thủ Đức và được tha vào năm 2002. Lúc này, Lưu vẫn mang tên Phan Viết Sơn nhưng đổi địa chỉ về đường Cách Mạng Tháng Tám (P.An Thới, TP.Cần Thơ) để tránh bị phát hiện theo lệnh truy nã từ năm 1986 của CA Nghĩa Bình (cũ).

Ngày 29-4-2004, Lưu đón xe từ TX.Bạc Liêu để lên BV Ung bướu (TPHCM) khám bệnh. Do là ngày chủ nhật nên BV không khám bệnh. Hắn bắt xe tới sân bay Tân Sơn Nhất. Thấy anh Mùi có điện thoại, Lưu thò tay móc nhưng bị người dân phát hiện, bắt giao CA. Trong người Lưu có một CMND, một ĐTDĐ mua ở Bạc Liêu và 500 nghìn đồng mà hắn khai lên Sài Gòn chữa bệnh. Tại cơ quan điều tra, hắn khai quê ở Ninh Bình, không có tiền án, tiền sự.

CAQ.Tân Bình (TPHCM) truy tố hắn về tội trộm cắp tài sản. Ngày 14-12-2004, TAND Q.Tân Bình đã tuyên phạt Lưu sáu tháng tù giam, do hắn khai phạm tội lần đầu và đang mang trọng bệnh trong người. Sau phiên tòa, hội đồng xét xử trả tự do cho hắn vì trừ vào thời gian tạm giữ từ tháng 5-2004. Lúc này hắn khai ngụ ấp 5, xã Hiệp Thành, TX.Bạc Liêu.

Kế hoạch truy lùng

Năm 1989, Nghĩa Bình được tách thành hai tỉnh là Bình Định và Quảng Ngãi. Thượng tá Minh Thu - người kí hồ sơ chuyển sang Viện Kiểm sát đề nghị truy tố băng cướp liên Đông Dương hồi năm 1986, đã chuyển công tác về CA Quảng Ngãi. Hàng loạt cán bộ thụ lý hồ sơ, người về Quảng Ngãi, người về hưu nên rất khó khăn cho việc truy lùng Bùi Đức Lưu.

Bản án của Bùi Đức Lưu (mang tên giả là Phan Viết Sơn) của TAND Q.Tân Bình năm 2007 - Ảnh: An Hòa

Từ năm 2002, thiếu tá Nguyễn Văn Sanh - cán bộ Phòng CSHS (CA Bình Định) đã lập hồ sơ về Bùi Đức Lưu. Sau đó, cán bộ Đội 3, Phòng CSHS lên kế hoạch truy bắt, thông qua việc xác minh quan hệ của bọn chúng. Sau khi trốn khỏi Trại giam Bình Định, Nguyễn Long Châu bị bắt tại Quảng Ngãi. Các “chiến hữu” khác của Lưu là Cao Văn Long (bị CATPHCM bắt), Nguyễn Việt Hùng đang cải tạo tại Trại giam Gia Trung, Võ Mạnh Hùng chuyên bán cá khô tại TP.Quy Nhơn...

Đây là những đối tượng đã chấp hành án xong hoặc đang ở trại, được CA khai thác thông tin về Lưu. Hàng chục biên bản hỏi cung, hàng trăm trang giấy ghi lời khai của đồng bọn Lưu, nhưng không có manh mối nào về gã cầm đầu băng cướp.

Từ năm 2010, Phòng Cảnh sát truy nã (CA Bình Định) được thành lập cùng các đơn vị khác của Bộ CA. Hồ sơ của Bùi Đức Lưu được lật lại, bổ sung thêm thông tin. Đại úy Phạm Thế Hưng, cán bộ Đội 2 (Phòng Cảnh sát truy nã, CA Bình Định) cho biết, công tác lập hồ sơ của Bùi Đức Lưu rất khó khăn vì nhiều cán bộ thụ lý cũ đã nghỉ hưu hoặc qua đời. Hồ sơ này được tái lập, bổ sung và hầu như dựng lại toàn bộ từ phòng hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát.

Qua các nguồn tin và từ Cục Cảnh sát truy nã, được biết “cha” Lưu là Phan Viết Ngọ đã chết, “mẹ” là Nguyễn Thị Điểm cũng qua đời. Các tổ công tác lập tức ra quê Lưu tại Hải Phòng xác minh, nhưng hắn không đăng ký hộ khẩu ở ngõ 20 Mê Linh (Q.Lê Chân). Người thân của hắn trôi dạt nhiều nơi nên không rõ. Manh mối của việc truy nã Bùi Đức Lưu không còn hy vọng. Chỉ đến khi CA Bình Định nhận được thông tin từ Cục Cảnh sát truy nã (Bộ CA) gửi về thì cơ hội bắt gọn tên cướp đã hé mở.

Thượng tá Nguyễn Hữu Lợi - Ảnh: An Hòa

Thượng tá Nguyễn Hữu Lợi - Phó trưởng Phòng Cảnh sát truy nã (CA Bình Định) kể: Trước khi cất lưới, anh đã vào CA Phú Yên nghiên cứu tài liệu cũ thì phát hiện, Lưu “dính” vào vụ lừa đảo năm 1997 do TAND huyện Sông Cầu xét xử. Khi đó, nhóm của Lưu gồm bốn tên. Riêng Lưu “đội lốt” Phan Viết Sơn, vợ là N.T.K (SN 1960, ngụ P.An Thới (cũ), nay là P.Bùi Hữu Nghĩa, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ). Đặc biệt, dấu vết mà Phan Viết Sơn để lại là xe máy mà hắn sử dụng để gây án mang tên vợ N.T.K.

Để kiểm tra các nguồn tin, thượng tá Lợi vào TP.Hồ Chí Minh nghiên cứu một vụ án khác mà Phan Viết Sơn tham gia vào năm 2004 do TAND Q.Tân Bình xét xử, nhưng Sơn lại khai một địa chỉ ở Cà Mau. Tại đây, qua hình ảnh nhận dạng trong lệnh truy nã và hồ sơ, anh xác định Bùi Đức Lưu và Phan Viết Sơn là một. Vị sĩ quan này e ngại địa chỉ của Sơn không thể có thật, vì đối tượng rất tinh quái nên lập tức xác minh. Kết quả, CA Bạc Liêu trả lời không có địa chỉ ấp 5, xã Hiệp Thành, TX. Bạc Liêu.

Trong khi đó, CA Cần Thơ xác minh là có Phan Viết Sơn, vợ là N.T.K, ngụ địa phương. Như vậy, khả năng duy nhất Bùi Đức Lưu (tức Phan Viết Sơn) có quan hệ hoặc trú ngay tại địa chỉ của vợ là N.T.K ở Cần Thơ.

Cất lưới

Từ chiếc xe máy mang tên N.T.K, thượng tá Nguyễn Hữu Lợi xác minh tại Cần Thơ có đối tượng Bùi Đức Lưu (tức Phan Viết Sơn) hay không? Tin báo về là có. Lòng anh khấp khởi mừng thầm. Dù đang trong dịp nghỉ phép, nhưng anh vẫn báo cáo cấp trên để lên đường. Vượt hơn nghìn cây số từ miền Trung, tổ truy nã của CA Bình Định đã có mặt tại Tây Đô.

Đến Cần Thơ, phối hợp với đơn vị bạn, người sĩ quan CA này biết được Lưu đã sống tại đây từ năm 1988, hai vợ chồng hành nghề cầm cái số đề. Qua xác minh, ngày 28-5-2015, vợ chồng hắn vào BV Cần Thơ nuôi mẹ vợ bị bệnh. Tổ công tác do thượng tá Lợi chỉ huy đón lõng tại đây, nhưng đối tượng mất dấu.

Sáng 29-5, sau khi phát hiện Lưu từ BV về nhà, nhiều chiến sĩ CA đã có mặt tại khu vực hắn đang sinh sống. Sợ bị CA bắt về tội tổ chức đề đóm, Lưu lập tức nhảy lên... mái tôn tẩu thoát. Hắn đón xe đò ngay trong đêm để về Sài Gòn.

Bùi Đức Lưu khi bị bắt

Thượng tá Lợi cho “rút quân” truy đuổi hắn. Nguồn tin báo về, một đối tượng từ bến xe Miền Tây, TPHCM di chuyển về lô 10, cư xá Thanh Đa (P27Q.Bình Thạnh) nên vòng vây càng thắt chặt. Lực lượng tinh nhuệ gồm các tổ công tác của CA Bình Định, Cục Cảnh sát truy nã, Phòng Cảnh sát truy nã CATPHCM và cả trinh sát của Phòng Cảnh sát truy nã CA Cần Thơ cũng đồng loạt triển khai đội hình, quyết tâm bắt cho được Lưu.

Sau ba ngày quan sát, trinh sát phát hiện một đối tượng lạ mặt đội tóc giả, chỉ về nhà vào ban đêm, thường xuyên đi thu gom các tập số đề để chuyển về cho vợ tại Cần Thơ. Sau khi phương án chuẩn bị “bủa lưới” hoàn thành, các tổ công tác vào vị trí sẵn sàng.

Chiều 3-6, Lưu ra khỏi nhà như mọi ngày, nhưng không ngờ đã bị CA theo sát. Hắn chạy xe máy tà tà ra khỏi cầu Kinh (Thanh Đa), tới điểm giao dịch tại một ngân hàng ở P27Q.Bình Thạnh, Lưu đã cải trang rất khéo, nhưng không ngờ ngày đền tội đã đến. Vừa ra khỏi cửa, hắn run rẩy khi nghe ai đó gọi đúng tên cúng cơm của mình.

- Bùi Đức Lưu, anh đã bị bắt! Giọng thượng tá Lợi sang sảng, làm mọi người chú ý.

- Tôi là Phan Viết Sơn, các anh nhìn lầm ai rồi - Lưu đáp.

- Chúng tôi không lầm đâu. Anh nên hợp tác với chúng tôi. Mời anh về trụ sở làm việc - thượng tá Lợi quát.

Còng số 8 lập tức bập vào tay Lưu, khi hắn chưa kịp định thần. Hắn ú ớ vài câu rồi ngoan ngoãn làm theo mệnh lệnh của tổ công tác, vốn đã cải trang thành một nhóm thanh niên đang dạo phố. Lưu được đưa về nhốt tại Trại giam T17 (Bộ CA), chờ ngày di lý về Bình Định.

(Còn tiếp)

Bình luận (0)

Lên đầu trang