Công an Đồng Nai: Chặt đứt nhiều đường dây cho vay nặng lãi

Thứ Sáu, 15/05/2020 17:22  | Minh Thắng

|

(CATP) Từ đầu năm đến nay, Công an huyện Long Thành (Đồng Nai) liên tiếp triệt phá nhiều băng, nhóm tổ chức cho vay lãi nặng với tổng số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Qua đó đã đề nghị truy tố các bị can về tội "cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự". Đây là kết quả đấu tranh để phòng ngừa loại tội phạm đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp trong thời gian qua trên địa bàn và nhiều địa phương khác.

Vào đầu năm 2020, qua quá trình trinh sát nắm bắt thông tin, Công an huyện Long Thành phát hiện có nhiều băng, nhóm lén lút trong các khu phòng trọ công nhân tổ chức cho vay nặng lãi nên chủ động triển khai phương an đấu tranh làm rõ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả. Đáng chú ý, công an đã tổ chức truy quét, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen. Điển hình là vụ án Hoàng Văn Biên (tự Bin, SN 1992, ngụ thôn Quảng Cư, xã Quảng Thanh, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng) tổ chức hoạt động "tín dụng đen" tại huyện Nhơn Trạch và Long Thành, thu lợi bất chính hơn 300 triệu đồng.

Quá trình điều tra xác định, do không có việc làm ổn định nên Biên lên mạng internet học cách cho vay lãi nặng rồi từ Hải Phòng vào Đồng Nai hoạt động. Đầu năm 2017, Biên in sẵn tờ rơi quảng cáo cho vay tiền góp đi rải trên các tuyến đường. Khi có người liên hệ theo số điện thoại thì Biên gặp mặt cho "khách hàng" biết cách thức góp tiền mỗi ngày, thu tiền phí mỗi lần vay. Theo đó, người vay tiền phải chỉ nhà để Biên đi lấy tiền góp hằng ngày và phải thế chấp giấy tờ tùy thân như CMND, hộ khẩu, giấy tờ xe. Nếu khách vay đồng ý thì Biên giao tiền và đi thu tiền góp vào buổi chiều mỗi ngày.

Tờ rơi của tội phạm tín dụng đen

Lúc đầu, Biên hoạt động cho vay ở địa bàn huyện Nhơn Trạch. Nhưng đến năm 2018, thấy việc tổ chức cho vay ăn nên làm ra nên Biên chuyển đến tạm trú ấp 5, xã An Phước, huyện Long Thành để hoạt động cho vay. Hình thức Biên cho vay cụ thể, nếu khách vay 3 triệu đồng thì góp trong 25 ngày với số tiền góp mỗi ngày là 150.000 đồng, thu tiền phí là 150.000 đồng. Khi đưa tiền, lập tức Biên lấy phí và tiền góp 2 ngày đầu tiên, thực chất người vay chỉ cầm trên tay 2.550.000 đồng. Kết thúc lần vay, Biên thu được số tiền lời là 900.000 đồng, tương đương mức lãi suất 360%/năm.

Tương tự như vụ án trên, hiện Cơ quan CSĐT Công an huyện Long Thành đã kết luận điều tra, chuyển qua Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Hồng Coóng (SN 1983, ngụ thôn Ninh Duy, xã Khởi Nghĩa, huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng) về hành vi "cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".

Hai đối tượng cho vay bị Công an Long Thành bắt tháng 2-2020

Trước đó, đầu năm 2020, bà Huỳnh Kim Lợi (SN 1964, ngụ ấp 5, xã An Phước, huyện Long Thành, Đồng Nai) trình báo về việc vay tiền của Nguyễn Hồng Coóng dẫn đến không có khả năng chi trả, nên bị Coóng đổ keo 502 vào ổ khóa cửa nhà. Lập tức Công an huyện Long Thành đã đấu tranh làm rõ vụ án.

Từ tháng 5-2017, Nguyễn Hồng Coóng bắt đầu hoạt động cho vay tiền "tín dụng đen" trên các địa bàn huyện Long Thành và Nhơn Trạch bằng hình thức cho vay trả góp hàng ngày và vay đứng trả lãi hàng tháng với lãi suất từ 25% đến 60%/tháng. Coóng sử dụng vốn ban đầu khoảng 1,8 tỷ đồng để cho vay. Đối tượng không phát tờ rơi mà hàng ngày đến các quán cà phê hoặc quán ăn uống đông người để gạ gẫm cho vay tiền. Quá trình điều tra, Coóng khai lợi dụng sự khó khăn, thiếu hiểu biết của người dân rồi đưa ra các hình thức cho vay đơn giản, không thế chấp tài sản để người dân vay tiền nhằm mục đích kiếm tiền lời. Gã đã cho 31 người vay bằng hình thức cho trả góp hàng ngày với lãi suất từ 25% đến 60%/ tháng, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.

Một vụ tạt sơn đòi nợ tại huyện Long Thành

Đối với trường hợp Ngô Phú Hiếu (SN 1996, ngụ thôn Thượng, xã Trịnh Xá, TP.Phủ Lý, Hà Nam) thì hoạt động cho vay lãi qua internet. Đối tượng lập tài khoản tên "Ahieuhanam" trên ứng dụng trực tuyến Mecash (quản lý cho vay, cầm đồ) để lưu trữ và quản lý việc cho vay tiền. Khi có khách mượn tiền hay trả tiền góp thì Hiếu sử dụng điện thoại di động lên mạng internet đăng nhập vào tài khoản để cập nhật thông tin cho vay tiền góp. Sau đó, Hiếu đến thuê trọ tại xã Lộc An, huyện Long Thành để hoạt động cho vay lãi nặng. Hình thức cho vay là thỏa thuận góp trả 25 ngày. Hiếu sẽ thu trước 15% của số tiền vay gồm 5% là tiền phí vay và 2 ngày góp đầu và cuối, với số tiền góp mỗi ngày là 5% của số tiền vay. Còn lại 85% số tiền vay giao cho người vay và người vay phải góp 23 ngày nữa cho Hiếu. Lãi suất của lần vay là 360%/năm.

Một lãnh đạo Công an huyện Long Thành cho biết, hiện các vụ án trên đã có kết luận điều tra chuyển Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị truy tố trước pháp luật. Tuy nhiên, để đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả với hoạt động tín dụng đen cùng với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp của lực lượng công an, các cấp, các ngành cần tăng cường công tác quản lý, siết chặt các hoạt động cho vay, huy động vốn tự phát, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để các tổ chức, doanh nghiệp và người dân nâng cao hiểu biết, nhận thức trước thủ đoạn của các đối tượng hoạt động tín dụng đen để phòng ngừa có hiệu quả.

Bình luận (0)

Lên đầu trang