“Cò” ăn dày
Việc tuyển dụng lao động trẻ em tại tỉnh Đắk Lắk đa phần là thông qua các đối tượng môi giới. Do môi giới tuyển dụng được hưởng hoa hồng cao từ 1 đến 1,5 triệu đồng cho một người đi lao động nên “cò” đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết, bất chấp pháp luật ngày đêm tuyển lao động trong đó có nhiều trẻ em xuống làm ở các cơ sở thuộc quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Chánh, Bình Tân của TP.HCM.
Nhiều trẻ em ở Đắk Lắk bị “cò” dụ đi lao động ở TP.HCM làm từ 12 đến 15 tiếng/ngày, 2 năm mới nhận lương một lần. Nhiều gia đình hoang mang, lo lắng vì không liên lạc được với con họ; có em đi làm về mang bầu và sinh con, thậm chí có em mất tích cả năm nay gia đình vẫn chưa tìm thấy.
Trẻ em được nhắm đến tuyển dụng là các con em của các gia đình người dân tộc thiểu số, kinh tế khó khăn, thiếu hiểu biết pháp luật ở vùng sâu, vùng xa. Các hợp đồng mà chủ tuyển dụng đều rất sơ sài, vi phạm phát luật như: không thông qua ý kiến của cha mẹ, người giám hộ, không nêu rõ địa chỉ, điều kiện làm việc, chế độ bảo hiểm xã hội, thời gian làm việc kéo dài nhưng lương thấp…
Như hợp đồng ký với ông Nguyễn Văn Tiến (Chủ cơ sở sản xuất ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM), em H’Trem KCâm (trú tại buôn Puăn A, xã Ea Phê, huyện Krông Pắk) phải làm việc 13 giờ/ngày.
Thời gian làm việc được ấn định cụ thể, sáng từ 7 giờ đến12 giờ, chiều từ 14 giờ đến19 giờ, tối từ 20 giờ đến 23 giờ (trong đó, tối chủ nhật được nghỉ).
Hợp đồng được ông Tiến soạn ký tuyển lao động đối với cháu H’Trem KCâm- Ảnh: Hồng Quang
Theo đó, mức lương là 12 triệu/năm, gia đình được ứng 1 triệu, còn lại sẽ được thanh toán sau khi hợp đồng lao động một năm kết thúc. Trong hợp đồng còn ghi điều khoản ràng buộc “Nếu bên B tự ý bỏ việc trước hợp đồng sẽ phải bồi thường tiền xe và đi lại”.
Trong bản hợp đồng tuyển cháu H’Glen Niê (SN 2000, trú tại buôn Trưng, xã Cư Bông, huyện Ea Kar) đi làm việc chỉ cho biết người tuyển lao động tên là Nguyễn Thị Dương, quê Bắc Ninh.
Hợp đồng này giới thiệu: “Gia đình chúng tôi có con cháu làm nghề tại TPHCM nhiều năm nay. Hàng năm thường về quê hương để tuyển chọn các cháu cơ nhỡ, không việc làm, có nhu cầu học nghề, tuổi các cháu từ 13 đến 16 làm việc”.
Sập “bẫy”
Theo hợp đồng này thì các em học nghề trong 2 năm. Khi hết 2 năm, bà Dương sẽ mang tiền về tận gia đình để trả cho các cháu, sang năm thứ ba nếu tiếp tục làm bà này sẽ có lương chính thức tùy theo trình độ của các cháu.
Cũng theo hợp đồng này, nếu chưa đủ hai năm học nghề mà các cháu tự bỏ về, gia đình phải thanh toán tiền đi về và “tiền đào tạo” cho cơ sở.
Hợp đồng đưa ra, nhưng không có địa chỉ cụ thể nơi làm việc, người lao động không biết mình được nhận cụ thể bao nhiêu tiền lương trong 2 năm.
Hợp đồng lao động với cháu H’Glen Niê- Ảnh: Hồng Quang.
Hợp đồng lao động với cháu Hoàng Thị Phượng được soạn rất sơ sài- Ảnh: Hồng Quang
Ngồi trò chuyện với chúng tôi, anh Y Lăng Byă – cha của H’Glen Niê chia sẻ: “Bản hợp đồng đưa ra, chúng tôi cũng không hiểu cho lắm. Thấy có người đến tuyển cháu đi làm là tôi mừng lắm nên để cháu ký rồi tôi đưa cháu xuống TP.HCM nhận công việc”.
Tình trạng trẻ em ở độ tuổi từ 12 đến 15 tuổi bị “cò” và các nhà tuyển dụng đưa đi lao động trái phép tại TP.HCM và vùng lân cận đã diễn ra rầm rộ trong hai năm nay tại một số huyện Ea Kar, Krông Pắk, Krông Bông, Cư Kuin…của tỉnh Đắk Lắk. Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở LĐ-TBXH Đắk Lắk, trong những tháng đầu năm 2015 có 137 em và năm 2014 có 206 em đi lao động xa nhà.
Ngoài những hợp đồng trên, “cò” còn hợp thức hóa việc tuyển dụng với mục đích lao động rẻ, dễ sai bảo bằng việc “núp bóng” đào tạo nghề hay hợp đồng học việc.
Như hợp đồng của cháu Hoàng Thị Phượng ở xã Cư Bông được ký với bà Nguyễn Thị Thỏa tuyển lao động cho Bùi Trường Giang (trú tại P.12, Q.Gò Vấp, TP.HCM) được ghi là “Hợp đồng học việc” với thời hạn 2 năm, mức lương là 18 triệu, năm đầu được ứng 8 triệu.
Trong hợp đồng không quên ghi điều khoản: “Nếu bên nào sai, bên đó hoàn toàn chịu trách nhiệm với những gì đã thỏa thuận với gia đình, cháu ngoan sẽ được thưởng 1 đến 2 triệu”.
Với việc “vẽ” ra nhiều viễn cảnh tươi đẹp, nhiều gia đình đã dính “bẫy” tuyển dụng lao động của “cò”. Khi các em bước chân đến miền đất lạ và nhận ra mình làm việc trong môi trường độc hại và bị bóc lột phải làm việc 12 – 15 giờ mỗi ngày, làm đúng 2 năm mới được thanh toán tiền công, nếu bỏ ngang phải bồi thường cho chủ thì đã quá muộn.
Anh Y Lăng Byă cùng con H’Glen Niê trao đổi với phóng viên- Ảnh: Hồng Quang.
Và đây cũng là nguyên nhân chính , khi biết con mình bị bóc lột lao động trái pháp luật, các gia đình vẫn không dám cho con về hoặc tố giác với cơ quan chức năng.
Từ đó, tuổi thơ của các em đã bị đánh cắp…
(Còn tiếp)