“Ba bám, bốn cùng” để giữ vững bình yên nơi biên cương

Thứ Bảy, 27/04/2024 10:11  | Nguyễn Nhân

|

(CATP) An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại. 

Chính vì thế nên trọng trách quản lý, bảo vệ biên giới của lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh An Giang càng thiêng liêng, nặng nề. Với sự nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, BĐBP An Giang đã hoàn thành tốt nhiệm vụ để giữ bình yên trên tuyến biên giới Tây Nam.

Đồn biên phòng Vĩnh Ngươn dùng vỏ lãi tuần tra dọc tuyến biên giới.

NƠI TỪNG LÀ “ĐIỂM NÓNG” BUÔN LẬU

Tỉnh An Giang có đường biên giới dài gần 100km, tiếp giáp với hai tỉnh TaKeo và KanDan (Vương quốc Campuchia). Trước đây, khu vực biên giới của tỉnh, là một trong những “điểm nóng” về buôn lậu. Trong đó, thành phố Châu Đốc và TX.Tịnh Biên là hai địa bàn được xem là phức tạp nhất.

Những ngày cuối tháng 4/2024, chúng tôi đi dọc lên Cửa khẩu Quốc tế (CKQT) Tịnh Biên, giáp cửa khẩu Phnom Den (tỉnh Ta Keo, Campuchia) nơi được xem là trung tâm thương mại, mậu dịch sầm uất ở vùng biên giới tỉnh An Giang. Thấp thoáng trong bóng chiều là hình ảnh những khóm ấp nằm yên bình bên những cánh đồng trù phú với những hàng cây thốt nốt đặc trưng của vùng đất Bảy Núi.

Theo ghi nhận tại thời điểm này, có hơn chục phương tiện qua lại biên giới. Do đặc thù của địa phương, hàng hoá xuất nhập khẩu qua cửa chủ yếu là các mặt hàng nông sản, như: lúa tươi, trái cây, rau màu của thương nhân và cư dân hai biên giới, nên số lượng không quá lớn.

Thượng tá Đinh Quang Điềm (Đồn trưởng Đồn Biên phòng CKQT Tịnh Biên) cho biết, trung bình mỗi ngày có khoảng 130 phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu và phương tiện chở hành khách xuất nhập cảnh. Để đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra thuận lợi, thông suốt, đồn đã phân công, bố trí cán bộ chiến sĩ (CBCS) ứng trực tại những điểm ra vào khu vực, trạm kiểm soát biên phòng, điểm lên, xuống hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là dịp lễ 30/4. Qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật ở khu vực cửa khẩu. Từ đầu năm đến nay, đơn vị độc lập và phối hợp với lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý 14 vụ/ 12 đối tượng, trong đó buôn lậu, gian lận thương mại 13 vụ/11 đối tượng. Tang vật chủ yếu là mỹ phẩm, thuốc lá, đường cát và một số các loại mặt hàng khác, với tổng trị giá hơn 3 tỷ đồng.

Ngoài giữ bình yên nơi cửa khẩu, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCKQT Tịnh Biên luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm, giúp nhân dân các xã vùng biên chăm sóc sức khỏe, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói nghèo, giảm nghèo để ổn định cuộc sống.

Trung tá Nguyễn Văn Phát Anh (Chính trị viên Đồn BPCKQT Tịnh Biên) cho biết, xác định rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, Ban Chỉ huy đồn đã bố trí các đội công tác địa bàn, thường xuyên thực hiện “ba bám, bốn cùng” (bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào) với nhân dân. Các đội công tác, ngoài nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể địa phương để làm tốt công tác vận động quần chúng, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các Hiệp định, Nghị định, Quy chế quản lý, bảo vệ biên giới… với nhiều mô hình hết sức phong phú, sáng tạo. Từ đó, tình hình các loại tội phạm, hoạt động xuất nhập cảnh trái phép có chiều hướng giảm đáng kể (hơn 90%).

Thành phố Châu Đốc nằm cách biên giới Campuchia khoảng 25km. Những ngày công tác nơi đây, chúng tôi không còn bắt gặp những “đoàn xe độ” chất đầy thuốc lá chạy bạt mạng giữa trưa hay trong đêm tối, trở thành nỗi khiếp sợ của người dân đi đường và du khách đến cúng viếng.

Theo Thiếu tá Lê Văn Quân (Phó đồn trưởng nghiệp vụ Đồn BPCK Vĩnh Ngươn) – cho biết: Tình hình tội phạm trên địa bàn những năm qua giảm rất sâu. Có được kết quả trên nhờ sự nỗ lực của cán bộ, chiến sỹ trong tăng cường tuần tra, kiểm soát, mật phục trên toàn tuyến biên giới đồn quản lý; đơn vị duy trì của 4 tổ, chốt cố định dọc biên giới và 3 tổ lưu động với 32 CBCS thực hiện nhiệm vụ phòng chống xuất nhập cảnh, chống buôn lậu, qua lại ở các đường mòn, kênh, rạch trên biên giới, cùng sự phối hợp nhịp nhàng với các lực lượng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Từ đầu năm đến nay, đơn vị phối hợp bắt giữ 15 vụ vi phạm về hàng hoá nhập lậu. Ngoài ra, đơn vị thường xuyên tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cho bà con; để không còn cảnh người dân bao che, tiếp tay cho các đối tượng phạm tội. Từ đó nhiều gia đình đã thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.

Cán bộ Đồn BPCKQT Tịnh Biên hỗ trợ các em được nhận đỡ đầu.

TIẾP SỨC NHỮNG ƯỚC MƠ

Đứng chân trên địa bàn phường Tịnh Biên, thị xã Tịnh Biên, Đồn BPCKQT Tịnh Biên được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hơn 9,9km đường biên giới. Dù lên thị xã nhưng đời sống một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, nhận thức về việc học tập và hướng nghiệp còn hạn chế, một số gia đình không có điều kiện cho con em đến trường. Nhận rõ được trách nhiệm và mong muốn được góp một phần công sức để chia sẻ khó khăn, giúp học sinh yên tâm đến trường, trong những năm qua, Đồn BPCKQT Tịnh Biên đã đồng hành với những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thông qua các chương trình, mô hình: “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi đồn biên phòng”, dự án “Cán bộ chiến sĩ nâng bước em đến trường”…

Thực hiện chương trình, các CBCS biên phòng trực tiếp khảo sát, lập hồ sơ nhận nuôi đỡ đầu một số em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các em là “Con nuôi đồn Biên phòng” được bố trí chỗ ăn, ở, sinh hoạt phù hợp, chu đáo. Hàng ngày, ngoài giờ đi học ở trường, các em được tham gia sinh hoạt theo chế độ như chiến sĩ; có cán bộ trực tiếp kèm cặp, hướng dẫn, giáo dục và chăm sóc.

Trung tá Nguyễn Văn Phát Anh (Chính trị viên Đồn BPCKQT Tịnh Biên) cho biết, hiện nay, Đồn đang đỡ đầu 12 em học sinh, mỗi cháu được hỗ trợ từ 300.000 - 500.000 đồng/tháng từ sự đóng góp, hỗ trợ của CBCS trong đơn vị. Điển hình là trường hợp của anh em Nguyễn Hoàng Huy Bảo (học lớp 7) và Nguyễn Huyền Huy Hoàng (lớp 5). Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên mẹ bỏ nhà đi, cha thường xuyên trực ở đơn vị nên 2 anh em đứng trước nguy cơ bỏ học. Thấu hiểu hoàn cảnh của 2 em, cán bộ đồn đã đề xuất Bộ Chỉ huy BĐBP để được nhận nuôi. “Hai em này được đồn trợ cấp kinh phí hàng tháng, tặng quà vào các dịp lễ, tết. Bữa nào cha bận trực thì hai em được đưa vô đồn ở, có bố trí chỗ ngủ chu đáo. Nhờ sự quan tâm này mà nhiều năm liền thành tích học tập của hai em đã nâng lên mức khá, giỏi”, Trung tá Nguyễn Văn Phát Anh cho hay.

Những chương trình ý nghĩa này cũng được triển khai ở tất cả các đồn biên phòng. Thượng tá Nguyễn Văn Hiệp (Chính ủy BĐBP tỉnh An Giang) cho biết: “Chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi Đồn Biên phòng”… hết sức thiết thực, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, làm cho học sinh, người dân càng tin yêu bộ đội, thắt chặt thêm tình đoàn kết, gắn bó quân - dân, tô thắm hình ảnh những chiến sĩ “quân hàm xanh” nơi biên giới”.

Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng nhận khen thưởng từ UBND tỉnh An Giang.
 

Thượng tá Nguyễn Văn Hiệp - Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang): Hàng năm, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực, chủ động, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, mô hình giúp dân ở khu vực biên giới, nhiều chương trình, mô hình, phong trào, sáng kiến đã đem lại hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Để xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị nhằm giúp nhân dân hai nước ổn định làm ăn, sinh sống, nhân dân hai bên biên giới đã lập những cụm dân cư kết nghĩa và 100% các Đồn Biên phòng đã ký kết nghĩa với các lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia ở phía đối diện. Từ đó, không ngừng tăng cường giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai bên biên giới. Khi có vụ việc xảy ra, hai bên thường xuyên chủ động thông báo tình hình cho nhau, cùng nhau giải quyết đúng chủ trương, đối sách, hợp tình, hợp lý, không để xảy ra căng thẳng…

Bình luận (0)

Lên đầu trang