Gác trọ Sài Gòn mùa “cô vi”

Thứ Tư, 29/07/2020 11:42

|

(CATP) Len lỏi đủ mọi ngõ ngách ở Sài Gòn, những phận người vài tháng trước đây còn có việc làm ổn định, giờ đã phải ra đường vất vả mưu sinh. Những căn gác trọ ọp ẹp ở thành phố mùa hậu “cô vi” vẫn là nơi che nắng, trú mưa cho nhiều mảnh đời tha hương nhưng không còn rộn rã tiếng cười.

Trong một lần đến thăm các công nhân (CN) có hoàn cảnh khó khăn trong mùa “cô vi” vào tháng 4 vừa qua, Phó bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung rất xúc động trước hoàn cảnh khó khăn của người lao động (NLĐ), bà động viên và yêu cầu các cấp chính quyền, doanh nghiệp, chủ nhà trọ hỗ trợ tốt nhất cho lực lượng này, đồng thời đưa ra nhiều hoạt động cùng chung tay phòng chống dịch Covid -19 nhưng vẫn đảm bảo cuộc sống cho CN và NLĐ.

Nỗi lo ở xóm trọ nghèo

Khu xóm trọ đìu hiu trên đường 27, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức lẫn sau tán bàng già. Khói bếp từ cái nồi gang cháy sém tỏa ra nghi ngút. Mùi hương đặc trưng bao trùm. Biết là trời đã chạng vạng nhưng trước đây, xóm trọ giờ nào trong ngày cũng đông đúc, còn giờ đã vắng tiếng người. Trở về căn phòng xập xệ sau 1 ngày vất vả mưu sinh, chị Lê Thị Hằng (47 tuổi, quê Thanh Hóa) bắt tay vào chuẩn bị bữa tối.

Xung quanh căn trọ của chị, những đồng hương quê Thanh Hóa khác cũng tề tựu đông đủ. Một ngày dài tất tả mưu sinh ở Sài Gòn đã kết thúc, giờ là lúc họ dành cho gia đình. Hai vợ chồng cùng vào Sài Gòn kiếm kế sinh nhai, nhưng nhiều năm nay, chị Hằng chẳng dành dụm được gì, bởi làm CN may như chị cũng chỉ đủ chi tiêu và trích một khoản tiết kiệm gửi về quê lo cho 2 con nhỏ.

Chị Hằng chuẩn bị bữa tối sau một ngày làm việc vất vả

Nhưng rồi cũng như nhiều NLD khác, đại dịch tràn đến làm những người dân bình thường đánh mất đi cuộc sống; dù con “cô vi” chưa xâm nhập hay tàn phá chính cơ thể họ. Bị công ty cho thôi việc, chị Hằng đành theo chồng ra các công trường xây dựng làm phụ hồ. Kinh tế ngày càng khó khăn hơn, người xây nhà cũng ít dần, thế là chị tiếp tục chuyển nghề. Lang thang khắp các ngõ ngách ở Sài Gòn, chị Hằng cũng quen dần với thúng ve chai phía sau chiếc xe đạp cà tàng.

Chị kể, căn phòng trọ chật hẹp với căn gác lửng chưa đầy 20m2 này là nơi che nắng, trú mưa cho 2 vợ chồng từ nhiều năm qua. Ngày trước thu nhập ổn định, mức giá 1,5 triệu đồng cũng tạm ổn, còn bây giờ, đó là cả một gánh nặng. Nhiều bà con khác cùng dãy trọ cũng liêu xiêu vì đại dịch. Bữa cơm tối giản đơn của 2 vợ chồng gói gọn trong 1 lon gạo, rổ rau má và 4 con cá nục hấp.

Bữa cơm đơn giản của đôi vợ chồng nghèo

Dù khó khăn nhưng hai vợ chồng vẫn lạc quan. Qua nắm tin tức, chị Hằng chia sẻ: “Dịch tới có phải chỉ mình khổ đâu, mà hàng loạt công ty lớn, nhỏ đều đình trệ. Vì vậy, mình phải tập bằng lòng với thực tại và không ngừng nỗ lực tự cứu bản thân trước”.

Ở khu xóm trọ trên đường Lê Trọng Tấn, Q.Tân Phú, nhiều người vẫn quen gọi đây là “xóm thợ may” vì hầu hết người thuê trọ đều làm nghề đạp máy - khâu kim, cái nghề hiện vẫn chưa ổn định do dịch Covid-19. Anh Võ Văn Đức (28 tuổi, quê Vĩnh Long) cùng vợ là chị Trần Thị Ngọc (27 tuổi, ở Hà Tĩnh) là những thành viên mới của xóm này.

Sắp sửa sinh con đầu lòng nhưng công việc của 2 vợ chồng tại khu công nghiệp Pouyuen khá bấp bênh, trong khi nội ngoại hai bên chẳng khá giả gì, nên cả hai đành phải tự lực cánh sinh. Tuy vậy, giữa lúc bộn bề khó khăn, đôi vợ chồng son cũng tự tìm cách an ủi nhau. Anh Đức cho biết: “Vợ sanh con, em sẽ chạy thêm Grab kiếm thu nhập trang trải, thời gian rảnh cũng có thể bán thêm đặc sản quê nhà, cố gắng lo sữa, tã cho cháu”. 

Vợ chồng chị Hằng và bữa cơm khi trời đã sẩm tối

Sau tấm rèm cửa đã bạc màu, chị Lê Thị Diệu Nhung (42 tuổi, quê Sóc Trăng) đang cặm cụi sửa đồ cho khách để kiếm thêm thu nhập. Người phụ nữ này chia sẻ, so với nhiều gia đình trong xóm, chị vẫn có công việc ổn định. Tuy đồng lương cũng bị cắt xén ít nhiều vì ế ẩm nhưng chi tiêu tiết kiệm cũng đủ lo cho con trai đầu lòng năm nay vào lớp 10. “Mình tranh thủ nhận quần áo sửa kiếm thêm vào buổi tối, cũng được khoảng 1 triệu đồng mỗi tháng”, chị Nhung chia sẻ.

Xóm vé số liêu xiêu

Chúng tôi tìm đến xóm ngụ cư của cư dân vé số lúc trời tắt nắng. Giữa lòng Sài Gòn nhộn nhịp có căn nhà chỉ vỏn vẹn vài chục mét vuông nằm trên con hẻm ngoằn ngoèo ở khu Bàn Cờ, Q3 nhưng là nơi che chở cho hơn 20 “vị khách” tha hương, đến từ xứ “nẫu” (chỉ bà con các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa) xa xôi, có người từ Quảng Ngãi vào hành nghề bán vé số dạo. Mỗi người mang một số phận và nỗi niềm riêng.

Anh Bi kiểm tra từng xấp vé số trước giờ đi bán

Như bao phận đời tha hương khác, dù già cả nhưng do hoàn cảnh khó khăn, nhiều bà con vẫn quyết liều với số phận, một mình vào Nam kiếm kế sinh nhai. Giữa lúc kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, cuộc sống của những phận đời ở xóm ngụ cư cũng trôi nổi như chính xấp vé số trên tay họ. Anh Bi (30 tuổi, quê Phú Yên) bị tật bẩm sinh nên việc đi hàng chục cây số một ngày để bán hết cọc vé luôn là thử thách không hề nhỏ đối với chàng trai kém may mắn này.

Cuộc sống của những phận đời ở xóm ngụ cư cũng trôi nổi như chính xấp vé số trên tay họ

Buổi chiều muộn, vòng xoay Phù Đổng chật ních dòng xe. Nếu trời thương, hôm nay bán hết số vé lãnh từ đại lý, anh Bi sẽ dành dụm thêm khoản tiền nhỏ để chuẩn bị về quê. “Vé số sắp xổ, bà con thương quẹo mua giúp tui tờ số với”, anh Bi mời gọi, nhưng dòng xe cứ thế trôi qua. Đôi mắt của chàng trai xấu số quyện buồn theo ánh chiều tà héo hắt.

Lủi thủi bước về phía một nhóm khác, cứ thế, chàng trai tật nguyền lững thững cho đến sập tối mới quay về gác trọ.

Cần những vòng tay nối dài

Trong chuyến công tác đợt tháng 4 vừa qua, Phó bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung ghi nhận, đánh giá cao và cảm ơn việc làm ý nghĩa của các chủ nhà trọ trong hỗ trợ, giúp đỡ CN, NLĐ đang ở trọ. Việc làm này đã góp một phần giúp CN bớt khó khăn, qua đó góp phần cùng TP chung tay phòng chống dịch Covid-19. Theo Phó bí thư Thành ủy Võ Thị Dung, từ khi dịch Covid-19 xảy ra đến nay, TP đã có nhiều hoạt động chăm lo, chia sẻ khó khăn cùng CN, NLĐ.

Phó bí Thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung thăm phòng trọ công nhân tại Q.Tân Bình hồi tháng 4 - Ảnh SGGP

Riêng các câu lạc bộ nữ nhà trọ đồng cảm với những khó khăn của CN lao động đã có những việc làm ý nghĩa. Ngoài giảm tiền trọ thuê hàng tháng, các nữ chủ nhà trọ còn động viên, chia sẻ, tặng quà cho CN, NLĐ bị giảm hoặc mất thu nhập. Qua đó thể hiện tinh thần tương thân tương ái, giúp NLĐ bị ảnh hưởng dịch Covid -19 ổn định cuộc sống, vượt qua khó khăn.

Những đứa trẻ nghèo nơi xóm ngụ cư ở Sài Gòn

Vừa qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM tổ chức sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2020, ngoài thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi cho công nhân viên chức - lao động (CNVC- LĐ), Công đoàn cơ sở (CĐCS) còn tặng 239 phần quà cho CNVC - LĐ, con đoàn viên khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo với kinh phí hơn 157 triệu đồng; hỗ trợ 37 trường hợp CNVC - LĐ gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 với kinh phí 44,4 triệu đồng.

Xóm trọ của dân vé số nghèo râm ran câu chuyện về dịch “cô vi”

Bên cạnh đó, các CĐCS trực thuộc còn hỗ trợ 157 lượt đoàn viên vượt khó với gần 2,1 tỉ đồng. Dịp này, Công đoàn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP đã trao 88 suất học bổng Nguyễn Đức Cảnh (từ 800 ngàn đến 2 triệu đồng/suất) cho con CNVC - LĐ vượt khó, học giỏi.

Liên đoàn Lao động TPHCM cũng đặt ra 10 nhiệm vụ cho 6 tháng cuối năm, trong đó tiếp tục nghiên cứu tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, NLĐ bị mất hoặc ngừng việc do ảnh hưởng dịch Covid-19 và trong dịp Tết Tân Sửu; tập trung hoàn thành tốt các chỉ tiêu cơ bản do Tổng liên đoàn lao động Việt Nam giao, chú trọng thực hiện tốt chủ đề công tác năm "Năm nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở"...

6 tháng đầu năm, TPHCM có hơn 20.000 doanh nghiệp giải thể

Trong 6 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn TP có gần 20.300 doanh nghiệp giải thể, ngừng việc, thu hẹp sản xuất do ảnh hưởng của dịch bệnh với tổng số lao động bị mất việc, ngừng làm việc hơn 397.000 người. Các cấp Công đoàn của TP đã chăm lo cho trên 18.000 đoàn viên, NLĐ với số tiền trên 21,6 tỉ đồng, vận động chủ nhà trọ giảm giá thuê hơn 57.600 phòng trọ và miễn phí 200 phòng trọ vào thời điểm các doanh nghiệp tạm dừng, thu hẹp sản xuất. Tổ chức tài chính CEP thông qua Chương trình "CEP chia sẻ yêu thương" đồng hành cùng CN, NLĐ lao nghèo vượt khó trong dịch Covid-19 với tổng kinh phí hỗ trợ là 6,5 tỉ đồng…

Bình luận (0)

Lên đầu trang