Hiểm họa khôn lường từ các lò tái chế nhôm phế liệu

Thứ Tư, 22/07/2020 11:19

|

(CATP) Khu vực miền Đông Nam bộ đang có hàng trăm cơ sở tái chế nhôm phế liệu hoạt động. Hầu hết các cơ sở này đều sử dụng lò đốt thủ công lạc hậu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Đáng lo hơn, những sản phẩm hàng hóa gia dụng được sản xuất tại đây đe dọa sức khỏe người tiêu dùng vì chứa chất độc hại.

"Bức tử" môi trường

Tìm đến Đường liên ấp 2 - 6 ở xã Vĩnh Lộc A (H.Bình Chánh, TPHCM), nơi có nhiều lò tái chế nhôm phế liệu hoạt động, chúng tôi cảm thấy như bị ngạt thở vì khói, bụi và mùi hôi nồng nặc, khét lẹt thoát ra từ các lò đốt. Nhà xưởng được xây dựng tạm bợ, nhếch nhác, nằm xen kẽ giữa các đám ruộng. Nước trên cánh đồng cạnh những cơ sở này đều có màu đen. Bên vệ đường là nơi chứa rác, khói, bụi mù mịt cả quãng dài.

Chúng tôi bước vào một cơ sở có quy mô lớn ở đây, với công suất mỗi ngày sản xuất hàng tấn nhôm thành phẩm, khu xưởng rộng chừng vài trăm mét vuông, trước cổng chất chồng hàng đống phế liệu, bên trong có một lò đốt đắp bằng gạch. Đồ phế thải được đưa thẳng vào lò để nung chảy với nhiệt độ cao. Ống khói nhả xỉ đen sì. Người làm việc che gần kín mặt, liên tục thay phiên xúc nhôm lỏng vẫn còn đỏ lừ từ trong lò ra đổ vào khuôn.

Tại xã Tân Hiệp (H.Hóc Môn, TPHCM) cũng vậy, khi đi vào một con đường đất rộng ở ấp Tân Thới, chúng tôi gặp liên tiếp những cơ sở hoạt động tái chế nhôm. Một xưởng rộng khoảng 300m2, có cổng bằng tôn kín mít, đang khép hờ cho người ra vào. Trước sân, từng thỏi phôi nhôm được xếp thành khối, nằm chờ xe đến bốc đi giao hàng.

Bên trong các lò tái chế nhôm

Người dân sống gần đây cho biết, hàng ngày khói vẫn bốc lên từ xưởng màu đen đậm, có lúc gió tạt vào khu dân cư khiến họ ngột ngạt, khó chịu. Thêm cào đó, dọc con đường này thường xuyên có những chiếc xe tải chở hàng ra vào, gây bụi và ồn ào cả ngày lẫn đêm, ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường sống của người dân.

Cảnh khói đen cuồn cuộn bốc lên bao trùm cả khu vực khi chúng tôi đến "tâm điểm" sản xuất nhôm ở xã Hố Nai (huyện Trảng Bom, Đồng Nai). Với 9 cơ sở tái chế quy mô lớn, hoạt động ngày đêm, mức độ ô nhiễm rất nghiêm trọng. Tiếp cận khu vực, dễ dàng nhìn thấy hàng đống vỏ lon bia, máy biến thế, tụ điện cũ, phụ tùng máy móc, khung nhôm kính... chất cao nghệu. Bãi chứa bã thải nằm san sát, lố nhố, đen kịt phía sau con mương thoát nước, bốc mùi hăng hắc nồng nặc.

Theo lãnh đạo địa phương, các sơ sở này hình thành từ rất lâu, nằm ngay trong khu dân cư và gần trường học, gây ô nhiễm trầm trọng, nhưng vẫn chưa thể di dời. "Thực trạng này đã diễn ra gần 20 năm nay, mức độ ô nhiễm có dấu hiệu ngày càng nghiêm trọng. Chúng tôi đã nhiều lần tiến hành xử phạt, yêu cầu đình chỉ, nhưng các cơ sở này tìm nhiều cách đối phó và vẫn tiếp tục vi phạm" - Một cán bộ nói.

Công nghệ nhôm "bẩn"

Trong vai người tìm mối hàng xoong, nồi về bán ở tỉnh, chúng tôi tiếp cận các xưởng tái chế và sản xuất đồ gia dụng bằng nhôm. Quy trình của họ đều giống nhau: những thỏi phôi nhôm sau khi ra lò được thợ dùng máy cán, đúc thành sản phẩm gia dụng. Sau đó, sản phẩm được cho vào ngâm ở bể hóa chất để làm sạch và "tráng bóng", trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Hàng loạt cơ sở tái chế nhôm thủ công đang bức tử môi trường

Xưởng của ông chủ tên L. ở huyện Đức Hòa (Long An) mỗi ngày sản xuất hàng trăm sản phẩm gia dụng, chủ yếu là đồ dùng để đun nấu và đựng thực phẩm, như: chảo, xoong, nồi, thố, ấm..., cung cấp cho thị trường các tỉnh miền Tây Nam bộ. Ông L. cho biết, hàng của ông thuộc loại giá rẻ nên không thể đòi hỏi nhiều về chất lượng. "Vả lại đồ nhôm thì biết bao giờ cho hỏng? Nó chỉ nhanh xuống màu chút khi dùng thôi!" - Ông L. thuyết phục.

Sau công đoạn cán, kéo hoàn thiện, sản phẩm được vứt la liệt trên nền nhà. Tiếp đến, công nhân sắp chúng thành chồng, rồi đưa vào bể hóa chất. Cứ khoảng mươi phút lại vớt ra. Lúc này, những đồ vật bằng nhôm có màu đen xỉn, ố vàng nguyên thủy lúc đúc đã trở nên sáng bóng.

Một cơ sở khác ở huyện Bình Chánh, nổi tiếng là "nơi sản xuất công nghiệp các sản phẩm gia dụng bằng nhôm" (lời giới thiệu trên website của xưởng này), nhưng khu sản xuất chỉ là dãy nhà tôn lụp xụp, rộng chưa đến 200m2. Cánh cổng sắt duy nhất dẫn vào xưởng đóng im ỉm, chỉ được mở khi có xe và người ra vào. Trước khu nhà là nơi tập kết phế liệu nhôm đã được ép thành bánh lớn, kế đến là kho chứa các sản phẩm đồ gia dụng đã được tráng bóng.

Trong công xưởng chỉ có một lò tái chế thủ công sử dụng chất đốt công nghiệp, khu cán sản phẩm và 2 bể lớn chứa hóa chất màu đen bên cạnh. Dưới sàn nhà, hàng loạt vỏ thùng hóa chất còn tem, nhãn vứt vương vãi. Chủ cơ sở cho biết, loại hóa chất này dùng để đánh bóng, làm sáng đồ trước khi bán ra thị trường. "Tuy là hàng Trung Quốc, nhưng nó rất thông dụng trong ngành công nghiệp sản xuất đồ nhôm, nên thực tế là đảm bảo an toàn, không nguy hại gì đến sức khỏe..." - Vừa chỉ vào các thùng hóa chất, chủ cơ sở vừa nói.

Theo báo cáo đánh giá mới đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hoạt động sản xuất, tái chế nhôm tại khu vực TPHCM và các tỉnh lân cận hiện đang sử dụng công nghệ thủ công lạc hậu, dùng chất đốt công nghiệp, không có quy trình về tiêu chuẩn. Hậu quả là làm phát sinh rất nhiều khói, bụi độc hại, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là những truờng hợp thường xuyên tiếp xúc hoặc sinh sống gần các xưởng tái chế. Cạnh đó, do thiếu quy trình về tiêu chuẩn, dẫn đến việc phôi nhôm tái chế lẫn nhiều tạp chất, chứa các thành phần độc hại, nếu sử dụng để sản xuất đồ gia dụng sẽ rất nguy hiểm.

"Tái chế nguyên liệu nhôm hiện là việc cần thiết và được khuyến khích, tuy nhiên đó phải là một công nghệ chuẩn, với những quy trình nghiêm ngặt để đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, không thể tùy tiện sử dụng phôi nhôm tái chế để sản xuất đồ gia dụng, bởi nó có thể chứa các thành phần độc hại, gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người" - Một chuyên viên môi trường cho biết.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Hiếu - Trường Đại học Công nghiệp TPHCM:

Không nên sử dụng đồ dùng bằng nhôm không rõ nguồn gốc để đun nấu thực phẩm, đặc biệt là các sản phẩm từ nhôm tái chế. Các loại xoong, nồi sản xuất từ nhôm tái chế chưa qua lọc cặn, có độ tinh khiết thấp, dễ lẫn các tạp chất kim loại nặng khác, như: chì, asen, cadimi... Trong quá trình đun nấu, đựng đồ ăn mặn hoặc chua, sản phẩm nhôm không rõ nguồn gốc dễ bị ăn mòn, điện hóa, tạo ra những vết lỗ chỗ, ion nhôm bị giải phóng lẫn vào đồ ăn, thức uống, rất nguy hiểm.

Trong quá trình sản xuất, ngoài nhôm "bẩn", cơ sở sản xuất có khi còn độn thêm nhiều phụ gia, ngâm chất tẩy trắng..., cũng dễ bị "bung" ra trong quá trình đun nấu, cọ rửa. Sau thời gian phơi nhiễm, lượng chất độc tích tụ trong cơ thể người sử dụng có thể gây nhiễm độc nặng, dẫn đến ảnh hưởng hệ thần kinh, tuần hoàn máu, bệnh tật...

Bình luận (0)

Lên đầu trang