Chuyện những người "trở về từ cõi chết" - kỳ 1: "Người chết" tự đọc điếu văn

Thứ Bảy, 20/01/2018 18:04  | Thiện Thảo

|

(CAO) Khoảng năm 2006, trong buổi trà dư tửu hậu, anh Bảy Năm, lúc bấy giờ giữ chức Bí thư Đảng ủy khối cơ quan tỉnh Cần Thơ, vui miệng: “Xưa giờ, người sống đọc điếu văn cho người chết là thường. Hôm nay, tôi giới thiệu cho các bạn người chết tự đọc điếu văn của mình”.

Nghe qua, ai cũng chưng hửng. Để xóa thắc mắc nghi ngờ trên, anh Bảy Nam mở cặp sách đưa điếu văn cho anh Trần Bình Trọng (SN 1958, hiện là Tổng giám đốc Công ty cổ phần In tổng hợp Cần Thơ). Người nhắc đến trong điếu văn chính là anh Trọng... Cầm tờ điếu văn của chính mình, anh Trọng không giấu được xúc động.

BỆNH NHÂN BẤT ĐẮC DĨ

Ngồi kể lại câu chuyện của mình gần 17 về trước, anh Trọng tâm sự: “Lúc sức khỏe bình thường, ai cũng coi thường. Khi đối diện giữa ranh giới sự sống và cái chết mới biết quý hơi thở, cuộc sống này”.

Xuất thân ở miền nghèo huyện Phước Long, Bạc Liêu, từ nhỏ anh Trọng như bao thanh niên khác vất vả trên đồng. Gia đình bữa đói bữa no khi quê hương luôn hứng chịu những trận dội bom của giặc. Năm 1972, anh tham gia giao liên vùng công tác Tây Nam bộ.

Đất nước hòa bình, anh tình nguyện nhận công tác ở Xí nghiệp In (hiện là Công ty Cổ phần In tổng hợp Cần Thơ). Nhớ lại những ngày đầu công tác, anh Trọng cho biết: “Lúc đó, anh em sống với nhau như trong gia đình. Có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, tình nghĩa lắm. Những buổi cuối tuần, anh em ngồi quây quần với nhau như người một nhà. Đời sống gia đình khó khăn nhưng không ai than vãn mà luôn phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ”.

Năm 1983, anh Trọng kết hôn với nhân viên phòng phim cùng xí nghiệp là chị Huỳnh Thị Thu Hà, nhỏ hơn anh một tuổi. Đám cưới nghèo nhưng tràn ngập tiếng cười, lời chúc tụng của bạn bè, đồng nghiệp. Đôi vợ chồng trẻ dắt dìu nhau về khu tập thể ở xí nghiệp dựng tổ ấm. Một năm sau, đứa con trai đầu lòng ra đời, anh đặt tên là Trần Quốc Trung. 

Anh Trọng nhận danh hiệu “Doanh nhân năng động và sáng tạo” năm 2017

Đứa con trai thứ hai là Trần Quốc Kiên cất tiếng khóc chào đời, anh quyết định cho chị Hà nghỉ việc để chăm sóc  con. “Tôi suốt ngày đầu tắt mặt tối ở cơ quan. Lúc bấy giờ, tập thể tính nhiệm bầu tôi giữ chức Trưởng phòng Tổ chức kiêm Chủ tịch công đoàn. Ngoài việc lo cơm áo gạo tiền, chế độ cho anh em trong đơn vị, tôi được phân công tạo mối quan hệ với các cơ quan, ban ngành khác”, anh Trọng nhớ lại.

Những ngày lễ, anh về đến nhà cũng khuya lơ khuya lắc. Ban đầu, chị Hà cũng khuyên lơn anh giữ gìn sức khỏe nhưng anh gạt ngang cho rằng “đi quan hệ cho đơn vị”. Với cương vị Chủ tịch Công đoàn nên nhận được tin gia đình của anh em đơn vị có tang gia, tiệc mừng, anh Trọng có mặt lo chu đáo.

Chiều 26-6-2001, sau khi ăn cơm xong, anh đau nhẹ vùng bụng. Cơn đau tăng dần. Phát hiện dấu hiệu bất thường của cơ thể, anh kêu người nhà chở đến Bệnh viện Quân y 121 Cần Thơ khám. “Tôi trở thành bệnh nhân bất đắc dĩ bởi từ nhỏ đến giờ, tôi chưa một lần nằm bệnh viện. Tôi được cho nhập viện để kiểm tra. Kết quả ban đầu là viêm tụy cấp. Giám đốc bệnh viện lúc bấy giờ nói câu xanh rờn “Bệnh của anh nặng lắm đó. Mấy ngày trước có người chết vì căn bệnh này". Nghe qua tôi lạnh sống lưng nhưng cố gắng gượng”, anh Trọng nhớ lại.

QUÝ TỪNG HƠI THỞ

Sau một tuần điều trị, Ban giám đốc Bệnh viện Quân y 121 Cần Thơ tổ chức nhiều cuộc hội chẩn. Các bác sỹ quyết định chuyển anh Trọng lên Bệnh viện Chợ Rẫy - TP.HCM tiếp tục điều trị. “Lúc đó tôi không biết gì. Những cơn đau dồn dập. Tôi có cảm giác như có ai đưa tay vô bụng mình. Vợ tôi túc trực bên tôi 24/24. Hai đứa con ở nhà giao cho các em thay phiên nhau chăm sóc”.

Khi tiếp nhận bệnh nhân, Bệnh viện Chợ rẫy đề nghị chị Hà ký vào giấy cam kết. Căn bệnh viêm tụy cấp của anh Trọng biến chứng nặng phải tiến hành mổ nhưng tỷ lệ thành công rất ít. Chị đành rơi nước mắt ký vào tờ cam kết. Ca mổ không thành công bởi tràn dịch ra ngoài, vết mổ bị hoại tử. Những lúc tỉnh, anh Trọng cho biết, tay nắm lấy tay bác sỹ van lơn: “Ráng cứu tôi nghe bác sỹ. Chuyến này, tôi chắc chết quá...”.

Một tháng, hai tháng... trôi qua nhưng nỗi cực hình đối với anh Trọng. Bên giường bệnh của anh dây nhợ chằng chịt như người... máy bởi bình oxi, truyền dịch, truyền đạm... Sau vài tháng điều trị, cân nặng của anh từ 70 kg còn... 29 kg nhưng tiên lượng xấu. Bác sỹ vận động chị Hà nên đưa anh Trọng về nhà nhưng chị không đồng ý vì “còn nước còn tát”.

Anh Trọng nói: “Lúc đó, tôi sống đời thực vật. Tỉnh dậy môt chút là mắt nhìn người thân như nhòe đi rồi mê man không biết. Tôi biết đang đối mặt với cái chết”. Khoảng giữa tháng 9-2001, bác sỹ trực thông báo cho chị Hà: “Căn bệnh của anh có tiên lượng xấu. Huyết áp tụt. Chị nên điện thông báo cho cơ quan, gia đình để chuẩn bị lo hậu sự”. Chị Hà cố gượng: “Bác sỹ có cách nào cứu ảnh không?”. Bác sỹ nói chị chờ để tổ chức hội chẩn.

Lúc đó, chị gọi điện thông báo cơ quan, người thân tình hình sức khỏe của anh Trọng. Vài phút sau, bác sỹ trực mời chị vào phòng làm việc thông báo cho chị một quyết định quan trọng: “Tình hình sức khỏe của anh Trọng không tốt, huyết áp tụt dần. Nếu chị quyết định nhanh để chúng tôi quyết định mổ lần 2 cho anh nhưng tỷ lệ cứu sống không được 10%”. Cũng như lần trước, chị Hà ký vào tờ cam kết. 

Những lúc rảnh rỗi, anh Trọng xem hồ sơ bệnh án cũ và điếu văn của mình được anh cất lại giữ làm kỷ niệm​

Trong khoảng thời gian này, cơ quan cũng tiên lượng xấu đến sức khỏe của anh Trọng. Anh Ba Bé, Giám đốc công ty động viên anh em có thâm tình dành chút thời gian lên thăm anh Trọng. “Có lần bệnh viện ra thông báo, hạn chế người thăm tôi. Cuối tháng 9-2001, anh Ba Bé được cử đi công tác Hàn Quốc. Trước khi đi, anh tổ chức cho tôi hết sức chu đáo. Từ người viết điếu văn, phiếu nhận đất ở nghĩa trang Long Tuyền, nhà tang lễ cũng được “đặt trước chỗ cho tôi”... Anh còn cẩn thận dặn anh em, khi nào nhận được điện thoại vợ Trọng phải điều xe lên chở nó về để tổ chức tang lễ cho trọn nghĩa anh em”, anh Trọng bùi ngùi.

Và kỳ tích đã xuất hiện. Ca mổ đã thành công. Anh Trọng tiếp tục dưỡng thương 1 tháng rồi về căn nhà tập thể của Xí nghiệp In. Biết anh nhớ cơ quan, nhân lúc chị Hà đi chợ mua thức ăn, anh em liền thuê taxi đến bồng anh lên xe đưa vô xí nghiệp in, sống lại những ngày bên đồng nghiệp, đơn vị.

“Trong thời gian dưỡng bệnh, tôi nhớ cơ quan lắm nhưng anh Ba Bé nhất quyết không cho tôi đi làm mà tiếp tục dưỡng sức cho khỏe hẳn. Tôi buồn quá đăng ký tham gia lớp Đại học Luật để nâng cao trình độ. Năm 2006, tôi được bổ nhiệm làm phó giám đốc. Hai năm sau, anh Ba Bé về hưu, tập thể tín nhiệm bầu tôi hay anh”, anh Trọng nói.

Anh Trọng đúc kết: “Khi đối diện với ranh giới sự sống và cái chết mới biết quý sức khỏe, tình cảm gia đình, anh em, đồng nghiệp. Tôi tâm niệm rằng, con người sống có một lần, thời gian một đời rất ngắn nên sống cho đáng sống. Huống hồ, tôi sống 2 lần trong một cuộc đời”.

Có lẽ với tâm niệm trên, 45 năm anh tham gia cách mạng, 41 năm công tác ngành in, công ty luôn đạt kế hoạch đề ra. Nhiều năm liền, công ty và cá nhân anh được Phòng Công nghiệp Thương mại chi nhánh TP.Cần Thơ tặng danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu khu vực vực Đồng bằng sông Cửu Long”, “Doanh nhân năng động và sáng tạo”. Năm 2017, dù ngành in ở Cần Thơ rất khó khăn, công ty của anh vẫn có doanh thu vượt kế hoạch đề ra với tổng thu hơn 300 tỷ đồng.

Còn tiếp...

Bình luận (0)

Lên đầu trang