Ngăn chặn ô nhiễm không khí tại TPHCM: Cần hành động ngay!

Kỳ 1: Bụi mịn - sát nhân vô hình

Thứ Hai, 16/12/2019 17:20

|

(CATP) Chỉ số chất lượng không khí ở Hà Nội ngày 13-12 vừa qua có lúc lên tới mức kịch khung (màu nâu - cực kỳ nguy hiểm đối với sức khỏe con người). Thời điểm này, chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Hà Nội là 333, dẫn đầu bảng các thành phố có mức độ ô nhiễm cao trên thế giới, theo bảng xếp hạng của Air Visual. Riêng tại TPHCM, sau nhiều ngày liên tiếp ở mức có hại (màu đỏ), chỉ số chất lượng không khí ngày cuối tuần đã trở về mức chấp nhận được (màu cam). Tuy nhiên, việc chất lượng không khí tại TPHCM giảm ô nhiễm trong 2 ngày cuối tuần qua được dự báo chỉ là tạm thời.

Ô NHIỄM VẪN RẤT NGHIÊM TRỌNG

Sáng sớm chủ nhật (15-12- 2019), chỉ số chất lượng không khí đo được tại TPHCM theo ứng dụng Air Visual là 105 (màu cam - không tốt cho sức khỏe của nhóm người nhạy cảm). Chỉ số ô nhiễm không khí hôm nay đã giảm hơn một nửa so với mức trung bình tuần qua. Đến giữa trưa, chỉ số này giảm còn 60 (màu vàng - bình thường).

Nhưng hầu hết các ngày trong tuần trước, vào sáng sớm dễ dàng nhận thấy các tòa nhà cao ốc tại TPHCM chìm trong lớp mù màu trắng đục, tầm nhìn xa giảm rõ rệt. Tại khu vực Cát Lái (Q2), nơi được xem là ô nhiễm nhất, hiện trạng này cũng dễ dàng nhìn thấy, kéo dài liên tục nhiều tuần.

Theo các chuyên gia về khí tượng, tình trạng mù quang hóa thường xuất hiện vào buổi sớm tại các thành phố lớn trong giai đoạn ô nhiễm không khí ở mức cao và sẽ tan khi trời sáng hẳn. Tuy nhiên, tại TPHCM, cá biệt có những ngày đến giữa trưa lớp mù quang hóa vẫn chưa tan. Hiện tượng bầu trời mù quang hóa chủ yếu do không khí lạnh ở phía Bắc tràn xuống, nhiệt độ không khí thấp khiến mọi người nhìn bầu trời có lớp mù quang hóa vào buổi sáng. Theo đó, hiện tượng này nhiều khả năng sẽ kéo dài qua Tết Dương lịch sắp tới.

Chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan cho biết, các tỉnh Nam bộ bắt đầu vào mùa khô, thỉnh thoảng có mưa nên độ ẩm trong không khí không cao. Vì vậy, hiện tượng mù quang hóa xảy ra những ngày qua chủ yếu là mù khô, do không khí ô nhiễm và diễn ra ngày càng thường xuyên.

Bà Lan giải thích: Do bầu không khí ở tầng thấp (từ 100m trở xuống) đang rất ô nhiễm với khói, bụi từ phương tiện giao thông, công trường xây dựng... Hiện tượng mù quang hóa sẽ xuất hiện nhiều ở những nơi có độ ẩm cao, có hạt nhân ngưng kết, nhiệt độ thấp, gió nhẹ. Mấy ngày vừa qua, các điều kiện thời tiết đều thuận lợi, nồng độ bụi trong không khí cao làm hình thành lớp mù. Cư dân mạng thường xuyên khoe ảnh tòa nhà Landmark 81 bị mù quang hóa che khuất, chính vì vị trí của tòa nhà này nằm gần sông Sài Gòn.

Ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại TPHCM

Kết quả quan trắc ở 30 vị trí tại TPHCM cho thấy, chỉ số bụi tổng phát sinh từ hoạt động giao thông, công nghiệp (bụi nhìn thấy được) đa phần đều vượt mức quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT). Trong đó, chỉ số ô nhiễm ở vòng xoay Mỹ Thủy, đường Nguyễn Thị Định (Q2) luôn là ô nhiễm nhất, thường xuyên có chỉ số ô nhiễm ở mức 180 hoặc cao hơn.

ẢNH HƯỞNG LÂU DÀI ĐẾN SỨC KHỎE

Ô nhiễm không khí là nguyên nhân chính dẫn đến những ca tử vong sớm, gây ra cái chết của 7 triệu người trên thế giới mỗi năm. Trong đó, hơn 1,7 triệu nạn nhân là trẻ em dưới 5 tuổi. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới công bố năm 2018, tại Việt Nam, có 60.000 ca tử vong liên quan đến các bệnh về tim, phổi do tác động của ô nhiễm không khí.

Nghiên cứu của Đại học Fulbright Việt Nam vào năm 2013, ô nhiễm không khí ở nước ta gây thiệt hại kinh tế từ 9,86 - 12,45 tỷ đôla; riêng tại TPHCM là từ 117 - 183 triệu đôla.

Một trong những nguyên nhân tạo nên sự nguy hiểm khó lường của ô nhiễm không khí chính là bụi siêu mịn. Phổ biến nhất là bụi PM2.5 (đường kính chỉ bằng 1/40 - 1/100 sợi tóc). Đây là "siêu vi bụi", không khẩu trang bình thường nào có thể ngăn cản được. Với kích thước siêu nhỏ, các hạt bụi này có thể chui sâu vào phổi, gây ra nhiều bệnh (phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi...). Ngoài ra, chúng có thể thâm nhập sâu vào hệ tuần hoàn, dẫn đến đột quỵ, rối loạn nhịp tim, bệnh tim thiếu máu...

Tiến sĩ Trần Ngọc Đăng (Giảng viên Khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y dược TPHCM) cảnh báo: Ô nhiễm không khí có khả năng gây ảnh hưởng lâu dài cho sức khỏe. Không khí ô nhiễm có thể làm tắc nghẽn đường dẫn khí, viêm phổi, tăng tính nhạy cảm với nhiễm trùng. Khi hít vào, các chất ô nhiễm không khí có thể ảnh hưởng đến hoạt động của tim. Ô nhiễm không khí do bụi mịn cũng có thể gây kích thích thần kinh, thay đổi nhịp tim, dẫn đến rối loạn nhịp tim, gây tử vong; làm gia tăng nguy cơ tiểu đường Type 2 ở người lớn. Phơi nhiễm của phụ nữ mang thai được tìm thấy ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của thai nhi, tác động đến sự phát triển tinh thần, thể chất ở trẻ...

Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ (Tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) cho rằng ô nhiễm không khí xuất phát từ nhiều nguồn. Thông thường tại nhiều đô thị như Hà Nội và TPHCM, các hoạt động từ giao thông là nguồn phát thải chính (chiếm khoảng 55 - 60%), kế đó là các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu công nghiệp... (30%), chỉ có khoảng 5% đến từ các sinh hoạt của người dân.

Cảnh mù quang hóa bao phủ khu vực cầu Bình Lợi

KHẨN TRƯƠNG TÌM BIÊN PHÁP ỨNG PHÓ

Từ tháng 9-2019 đến nay, ngoài việc đưa các cảnh báo, khuyến cáo khá chậm trễ, các cơ quan chức năng vẫn chưa có động thái triển khai những biện pháp nhằm kéo giảm tình trạng này. Các chính sách mang tính dài hạn, căn cơ cũng gần như không có.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Thắng (nguyên Phó cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường) cho biết: Đây là một biểu hiện của sự chồng chéo và khoảng trống trong phân công trách nhiệm giữa các bộ, ngành trong vấn đề bảo vệ môi trường. Bộ TNMT chịu trách nhiệm chung về bảo vệ môi trường không khí, nhưng chỉ kiểm soát các nguồn thải công nghiệp lớn. Các nguồn thải cố định khác, Bộ Công thương được giao quản lý, nhưng cũng chỉ kiểm soát các doanh nghiệp nhà nước mà không quản lý các cơ sở sản xuất ngoài quốc doanh.

Trước hiện trạng này, Sở TNMT TPHCM đã kiến nghị tăng tần suất quan trắc chất lượng không khí, trong đó có quan trắc thông số bụi mịn trên địa bàn thành phố. Cụ thể, tần suất quan trắc chất lượng không khí tại 30 vị trí hiện hữu sẽ được tăng lên 3 lần/ngày. Thời gian triển khai tăng cường quan trắc từ năm 2020 - 2022. Đặc biệt, sẽ tăng cường quan trắc thông số bụi PM10 và PM2,5 tại tất cả các vị trí quan trắc, nhằm đánh giá chi tiết về hàm lượng bụi mịn trong không khí.

Kết quả quan trắc sẽ thông tin đến người dân qua website và ứng dụng trên điện thoại thông minh liên tục hằng ngày. Sở TNMT cho biết, việc tăng tần suất quan trắc nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin về hiện trạng chất lượng không khí hằng ngày một cách chính xác, đúng quy định, trong thời gian chờ đầu tư, lắp đặt mạng lưới các trạm quan trắc môi trường không khí tự động liên tục.

Sở TNMT khuyến cáo, trong các thời điểm xảy ra hiện tượng mù quang hóa, người dân hạn chế các hoạt động thể thao, đi lại... ngoài trời. Nếu có nhu cầu ra ngoài, cần đeo khẩu trang, kính che toàn bộ mắt.

Doanh nghiệp xã hội CHANGE đã phối hợp với Tổng lãnh sự quán Đức tại TPHCM và Trung tâm Giao thông công cộng thuộc Sở Giao thông - Vận tải TP tổ chức cuộc thi nhiếp ảnh "Bắt nét không khí, phơi màu ô nhiễm". Trong đó, 16 tác phẩm dự thi được triển lãm tại nhà chờ xe buýt trên địa bàn Q1 từ ngày 13 đến 21-12-2019. Đây là những bức ảnh khắc họa một cách chân thực hiện trạng ô nhiễm không khí và những ảnh hưởng của nó đến chất lượng cuộc sống của chúng ta.

Tại các nhà chờ, người xem còn được tìm hiểu về các kiến thức liên quan đến ô nhiễm không khí và giải pháp góp phần giảm thiểu tình trạng này, như: trồng thêm cây xanh, bảo vệ rừng...

(Còn tiếp...) 

Bình luận (0)

Lên đầu trang