Biên giới Tây Nam bộ: "Nóng" nhập cảnh trái phép đường bộ lẫn đường biển

Thứ Năm, 31/12/2020 12:18  | Thiện Thảo

|

(CATP) Theo nhận định của các cơ quan chức năng, từ nay cho đến Tết Nguyên đán Tân Sửu, nhiều đối tượng từ nước ngoài sẽ nhập cảnh trái phép vào nước ta bằng đường bộ, đường biển. Vì vậy, công tác tuần tra kiểm soát biên giới khu vực các tỉnh Tây Nam bộ hết sức nghiêm ngặt.

NGƯỜI VÀ TÀU "LẠ" TRÊN BIỂN

Ngày 30-12, Sở Y tế tỉnh Cà Mau có báo cáo về công tác phòng chống dịch Covid-19. Do tỉnh có đường bờ biển dài và giáp ranh với nhiều nước nên công tác tuần tra, kiểm soát hết sức khó khăn. Lợi dụng địa bàn rộng, một số chủ tàu chở người nhập cư trái phép vào nước ta.

Chiều 3-12, Ban chỉ đạo phòng chống dịch (BCĐPCD) Covid-19 huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) nhận được thông tin, một chiếc tàu đánh bắt xa bờ từ vùng biển Malaysia vừa cập bến. Lập tức các cơ quan chức năng xác định nơi thường trú của 6 "người lạ” gồm 2 người ở xã Phong Điền, 4 người ở TT.Sông Đốc, đều thuộc huyện Trần Văn Thời. Theo tường trình, tháng 6-2019, 2 người ở xã Phong Điền có hợp đồng đi đánh bắt thủy sản ở vùng biển Malaysia. Đến đầu năm 2020, 2 người ở xã Phong Điền sang phương tiện tàu cá khác gồm 8 người tiếp tục đánh bắt thủy sản ở vùng biển Malaysia.

Công tác kiểm soát cửa khẩu hết sức nghiêm ngặt

Ngày 25-11, khi tàu cá đánh bắt thủy sản giáp ranh với vùng biển Việt Nam, 6 người (2 ở xã Phong Điền và 4 ở TT.Sông Đốc) đi nhờ tàu cá của một người ở Kiên Giang vào đất liền. Lúc 22 giờ ngày 27-11, tàu cá về đến đất liền (Kiên Giang), 6 người đi về Cà Mau bằng xe 16 chỗ và đến 1 giờ 30 ngày 28-11 thì về tới địa phương. Sau khi rà soát, BCĐPCD Covid-19 huyện Trần Văn Thời tiến hành cách ly tại nhà đối với 74 người có tiếp xúc gần với 6 ngư phủ nói trên để phòng dịch Covid-19.

Theo Sở Y tế tỉnh Cà Mau, đến nay tỉnh đã ghi nhận 61 người nhập cảnh trái phép từ nước ngoài về Cà Mau. Những trường hợp trên, đa phần là người đi đánh bắt thủy sản trên vùng biển Malaysia. Sau đó, họ quá giang tàu cá Việt Nam ở vùng giáp ranh rồi về đất liền, tập trung nhiều qua cửa biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời. Tất cả các trường hợp phát hiện đã được đưa vào khu cách ly tập trung theo quy định phòng chống dịch Covid-19.

Quá trình truy vết những người có liên quan rất khó khăn. Thời gian gần đây, số "người lạ” trên tàu nhập cảnh trái phép bằng đường biển càng tăng. Tính từ cuối tháng 11 đến nay có 37 người (hiện còn ở tại khu cách ly tập trung là 14 người) là công dân địa phương nhập cảnh trái phép từ đường biển về Cà Mau.

8 đối tượng nhập cảnh trái phép, trốn cách ly từ Campuchia

Các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang vừa xử lý 8 đối tượng làm thuê tại tỉnh Sihanouk (Campuchia) đang thất nghiệp nên trở về Việt Nam, đến khu vực huyện Kampong Trach, tỉnh Kampot do lo sợ bị cách ly nên thuê xuồng của người Campuchia để nhập cảnh trái phép vào Việt Nam bằng đường biển.

Khoảng 0 giờ 30 ngày 11-11, Tổ tuần tra chống Covid-19 và chống buôn lậu thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang trong quá trình làm nhiệm vụ trên vùng biển Hà Tiên thì phát hiện một "tàu lạ” chạy từ hướng Campuchia vào địa bàn phụ trách nên kiểm tra, phát hiện 2 người đàn ông Campuchia cùng 8 phụ nữ và nhiều hành lý. Đến 4 giờ cùng ngày, Trạm biên phòng Pháo Đài bàn giao lại 8 đối tượng nhập cảnh trái phép cho lực lượng y tế Hà Tiên để đưa vào khu cách ly tập trung, 2 trường hợp người Campuchia chở thuê đang bị tạm giữ để tiếp tục làm rõ.

8 đối tượng trên quê Bình Thuận, Cà Mau, TPHCM, Đồng Tháp nhờ người đưa sang Campuchia bằng đường bộ vào nhiều thời điểm, địa điểm khác nhau. Tuy nhiên, mấy ngày qua hay tin nước này bùng phát dịch Covid-19, sợ bị lây bệnh nên họ trốn về Việt Nam. Số tiền họ phải trả cho dịch vụ để được các "cò” đưa sang Campuchia là từ 120 - 150 USD/người, thuê đưa về Việt Nam 100 - 130USD. Qua điều tra, 2 người đàn ông khai tên Prim Chanh Đa và Súp Va (cùng ngụ Campuchia, làm nghề chạy tàu thuê). Trước đó, 2 đối tượng được một người lạ ở thành phố Kep (Campuchia) thuê đưa 8 người phụ nữ về Hà Tiên với giá 400.000 đồng/người.

Kiểm tra các phương tiện đánh bắt xa bờ

VƯỢT BIÊN GIÁ BAO NHIÊU?

Chiều 30-12, đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết, Cơ quan An ninh điều tra công an tỉnh vừa ký quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra hành vi "tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép" theo điều 348 Bộ luật Hình sự liên quan đến "bệnh nhân 1440".

Khoảng tháng 7-2020, bệnh nhân cùng nhóm bạn sang Myanmar làm thuê. Do tình hình Covid-19 phức tạp, "bệnh nhân 1440" từ Myanmar lên mạng tìm người đưa về Việt Nam với giá 50 triệu đồng (chuyển khoản). Người này vượt biên cùng 5 người khác qua khu vực cửa khẩu Long Bình (huyện An Phú, An Giang). Rạng sáng 24-12, ôtô về đến Long An, anh cùng cô gái 32 tuổi (ở Đồng Tháp) xuống xe, đón ôtô 16 chỗ về nhà vào trưa cùng ngày. Trao đổi qua điện thoại, bà Trần Thị Hằng (51 tuổi, mẹ của bệnh nhân) cho biết, ban đầu, trên mạng ra giá 50 triệu đồng. Con tôi trả giá còn 37 triệu đồng.

Ngày 22-12, bà Hằng trực tiếp lên TPHCM gửi trước 25 triệu đồng vào tài khoản một phụ nữ. Hôm sau, con trai bà gọi về báo bị bỏ lại bìa rừng vùng biên giới Thái Lan vì hết tiền. Con gái bà liền chuyển thêm 12 triệu đồng cho người tổ chức vượt biên để anh trai tiếp tục hành trình. Khi về đến nhà, bà Hằng phát hiện con trai xanh xao, người hốc hác nên đưa vào Trung tâm y tế huyện Mang Thít cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả dương tính nCoV, ngày 26-12, anh ta được đưa đến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Vĩnh Long cách ly, điều trị.

Ngày 29-12, cô gái có kết quả xét nghiệm dương tính nCoV, được ghi nhận là "bệnh nhân 1452" đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc. Trong 4 người nam xuống xe tại TPHCM, 2 trường hợp đã mắc Covid-19, đó là "bệnh nhân 1451" và "bệnh nhân 1453", 2 người còn lại âm tính lần một. "Đến thời điểm này, Công an tỉnh An Giang đã xác định được một số đối tượng liên quan trong đường dây tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép. Công an tỉnh cũng đang phối hợp với công an các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Long An, TPHCM và Bình Dương để tiếp tục điều tra", đại tá Nơi nói.

Các đối tượng nhập cảnh trái phép bị bắt giữ

Ngành Y tế TP.Cần Thơ nhanh chóng đưa ông Đ.V.H (quốc tịch Canada, 62 tuổi) vừa nhập cảnh trái phép về cách ly tại cơ sở cách ly tập trung ở Trung đoàn Bộ binh 932 (quận Ô Môn). Kết quả xét nghiệm lần 1, ông H. âm tính với SARS-CoV-2. Theo thông tin ban đầu, ông Đ.V.H khai nơi cư trú tại Việt Nam ở phường 3, quận 5, TPHCM. Người đàn ông này từ Canada đi máy bay đến Đài Loan, qua Campuchia và đã được cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại đây 2 lần sau khi nhập cảnh, kết quả đều âm tính.

Hoàn thành thời gian cách ly, đến ngày 26-12, ông H. đi cùng 13 người khác (là người cách ly chung) đến cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) nhưng không được nhập cảnh vì không có hộ chiếu Việt Nam. Những người đi cùng được nhập cảnh hợp pháp và cách ly theo quy định. Tối 26-12, ông H. đón xe ôm nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Hôm sau, ông đón xe 29 chỗ cùng 4 hành khách khác (không rõ thông tin hành khách đi cùng và đặc điểm, biển số xe) đến huyện Cái Bè (Tiền Giang) thì một phụ nữ đi xuống. Tiếp tục hành trình, 22 giờ 30 ông H. về đến Cần Thơ. Sáng 28-12, ông đến trung tâm y tế trình báo.

Hiện lực lượng tuần tra kiểm soát dọc tuyến biên giới ở An Giang hết sức nghiêm ngặt. Nhiều đối tượng bị bắt khi vượt biên trái phép. Lúc 2 giờ 15 ngày 11-11, tại khu vực Mốc quốc giới 246 (ấp Tân Khánh, Long Bình, huyện An Phú, An Giang), Tổ công tác phòng, chống dịch Covid-19 số 11 của Đồn tuần tra phát hiện Nguyễn Văn Tuyến (SN 1997, thường trú Phú Thọ) có hành vi nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam. Ngoài ra, ngày 10 và 11-11, tại huyện An Phú, Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình cũng đã phát hiện 3 vụ với 8 người xâm nhập biên giới trái phép.

Đến ngày 12-11, Tổ công tác của Đồn Biên phòng Phú Hữu làm nhiệm vụ kiểm soát lưu động tại khu vực ngã 3 Ông Cải (ấp Đồng Ky, Quốc Thái, An Phú, An Giang), phát hiện ôtô BS: 93A-193.25 từ hướng Khánh An theo Quốc lộ 91C về TP.Châu Đốc có biểu hiện nghi vấn nên ra tín hiệu dừng phương tiện. Qua kiểm tra, tài xế Nguyễn Vũ Trung Hiền (SN 1994, thường trú P2Q8) chở Nguyễn Văn Mạnh (SN 1998) và Dương Hồng Sơn (SN 1998, cùng trú Thái Nguyên). Bước đầu, Mạnh và Sơn khai nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam để giải quyết việc gia đình. Còn Hiền chở 2 người trên về TP.Cần Thơ để lấy tiền công.

Đồn Biên phòng Phú Hữu đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính Nguyễn Văn Mạnh và Dương Hồng Sơn về hành vi nhập cảnh trái phép, phạt tiền 4 triệu đồng; xử phạt Nguyễn Vũ Trung Hiền về hành vi che giấu, giúp đỡ người khác đi lại trái phép trong khu vực biên giới, phạt tiền 400.000 đồng. Đồng thời, đơn vị đã bàn giao 3 công dân cho BCĐPCD Covid-19 huyện An Phú đưa đi cách ly theo quy định.

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, chiều 28-12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: Do tình hình Covid-19 ở Thái Lan, Myanmar, Singapore, Campuchia vô cùng phức tạp. Đồng Tháp và nhiều tỉnh phía Tây Nam bộ giáp với Campuchia đã có các trường hợp tìm cách nhập cảnh về Việt Nam qua đường mòn, lối mở. Vì vậy, Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh biên giới, đặc biệt là các tỉnh biên giới phía Tây Nam chú ý tăng cường lực lượng để quản lý biên giới tốt nhất. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, các bộ, ngành chức năng tăng cường các lực lượng để chốt chặn biên giới, kiểm soát tình hình người lạ mặt xâm nhập, không để xảy ra tình trạng dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang