Thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả tràn lan ở miền Tây (kỳ 1)

Thứ Hai, 07/09/2020 12:16  | Thiện Thảo

|

(CATP) Thời gian qua, Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan giám sát ngành nông nghiệp tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp phát hiện phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) kém chất lượng, giả tràn lan. Sau khi bị xử lý, các đối tượng tiếp tục vi phạm. Nông dân chưa vào vụ phải trắng tay bởi mua nhầm vật tư nông nghiệp (VTNN) không đạt chất lượng.

THUỐC DIỆT CỎ THÀNH DIỆT... LÚA

Ngày 6-9, người dân xã Khánh Hải (H.Trần Văn Thời, Cà Mau) đứng ngồi không yên khi mới đầu vụ đã bị thiệt hại do phun thuốc diệt cỏ nhưng cỏ không chết, lúa chết trắng đồng. Ngày 27-7, trong bộ đồ còn lấm lem bùn đất, ông Nguyễn Quốc Hưng (ngụ ấp Trùm Thuật A) cầm mớ lúa non bị héo đến gặp chị Nguyễn Bích Loan - Phó chủ tịch UBND xã Khánh Hải: "Cán bộ xã xem xét dùm. Tôi mua thuốc diệt cỏ nhưng cỏ sống tốt mà lúa chết gần hết. Kiểu này mới vào mùa đã thiệt hại".

Theo lời ông Hưng, gia đình gieo sạ 1,5ha đất. Tất cả các chi phí sinh hoạt gia đình cùng tiền cho con ăn học điều trông chờ vào lúa. Vào đầu vụ, nhân viên tiếp thị tìm đến nhà ông giới thiệu thuốc diệt cỏ "như thần" hiệu Wh... Họ nêu hàng loạt tính năng nhưng nông dân thích nhất vẫn là giá rẻ. So với các loại thuốc khác uy tín trên thị trường từ 80.000 - 100.000 đồng/chai thì Wh... có giá rẻ bất ngờ chỉ hơn 60.000 đồng cho 1,5ha lúa gieo sạ. Chờ cho mạ non xanh, đám cỏ cũng tươi tốt sau những cơn mưa đầu mùa, ông Hưng lấy thuốc diệt cỏ như "thần" Wh... ra phun. Hôm sau, ông ra ruộng sớm thì tá hỏa khi cỏ xanh tốt mà mạ thì héo rũ trôi theo mặt nước.

Công an An Giang kiểm tra kho chứa phân bón giả tại H.Tri Tôn

Cán bộ xã ghi nhận ý kiến của ông Hưng không bao lâu, hai ông Nguyễn Văn Tuấn và Trương Văn Linh (cùng ngụ ấp Trùm Thuật) đến UBND xã trình bày mạ non chết do thuốc diệt cỏ. Theo lời ông Tuấn, ông mua 2 loại thuốc diệt cỏ, trong đó có Wh... do được nhân viên tiếp thị tìm tới nhà bán với giá rẻ. Khi mạ xanh đồng, ông Tuấn sử dụng thuốc diệt cỏ Wh... cho 3,3ha. Sáng hôm sau, 1,5ha mạ nổi lềnh bềnh trên ruộng.

Đau lòng nhất là hộ ông Nguyễn Văn Hòa (ngụ ấp Bảy Ghe) mua thuốc diệt cỏ Wh... phun 3,2ha mạ. Vài ngày sau, ông như quỵ xuống đồng bởi mạ xanh đã chết héo, diện tích thiệt hại 80%. Chị Nguyễn Bích Loan, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Hải cho biết: "Nhận được trình báo của người dân, xã cử cán bộ đến hiện trường. Tổng diện tích bị thiệt hại khoảng 10ha, mức độ từ 30-80%. Chúng tôi có mời đại lý và công ty sản xuất để xem xét bồi thường cho dân nhưng không có kết quả”.

Theo cơ quan chức năng, đánh vào tâm lý của người dân thích mua sản phẩm giá rẻ nên nhiều công ty sản xuất hàng kém chất lượng, hàng giả thuê tiếp thị đến tận nhà dân quảng bá. Thực tế là khi dùng thuốc diệt cỏ, mạ chết; dùng thuốc diệt sâu, lá héo; dùng phân bón lúa, lúa chết, cỏ xanh... khá phổ biến ở các vùng nông thôn.

Anh Trần Văn Thanh (ngụ H.Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), gia đình không đất sản xuất nhưng dành dụm số vốn đến thuê 5,5ha ruộng. Năm đầu, anh dốc sức cải tạo đất. "Ngày chuẩn bị gieo sạ, tôi được một công ty mời dự hội thảo đầu bờ. Lúc đầu, họ giới thiệu hội thảo sẽ có những kỹ sư nổi tiếng hỗ trợ người dân mùa bội thu. Tôi đăng ký mua thử phân bón mới với giá rẻ hơn so với các loại khác trên thị trường gần 100.000 đồng". Thế nhưng khi bón được vài ngày, đồng lúa xanh tươi trở nên héo rũ.

Bà Lê Thị Mỹ (ngụ huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) bức xúc một lần tin theo lời nhân viên tiếp thị phân bón mua nhầm hàng kém chất lượng. Phân bón xong, lúa tươi tốt. Nhưng đến khi thu hoạch, bà Mỹ cùng người thân khóc ròng bởi lúa... lép. Lại một năm bà Mỹ gánh nặng nợ nần.

NÔNG DÂN ĐANG BỊ "BỎ RƠI"

Với hy vọng có mùa màng bội thu nhưng người dân không biết đâu là thuốc thật, đâu là thuốc giả. Ông Phan Văn Lắm, nông dân kỳ cựu huyện Phước Long, Bạc Liêu hơn 50 năm trên đồng nhưng vẫn mua nhầm phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng "Trước hàng loạt nhãn hiệu thuốc, phân bón như hiện nay, nông dân chúng tôi biết tin đâu là thuốc thật, đâu là thuốc giả. Đến mùa vụ, đại lý nói sao nghe vậy chớ biết đâu mà lần".

Dụng cụ sản xuất phân bón giả bị lực lượng chức năng thu giữ

Đối với chủ đại lý kinh doanh VTNN cũng khó có thể giúp đỡ nông dân phân biệt hàng giả, hàng thật và kém chất lượng. Một chủ cơ sở kinh doanh thuốc BVTV ở Hậu Giang thừa nhận: "Nhìn bề ngoài, các đại lý cũng khó có thể biết các loại phân bón kém chất lượng. Lý do là một số doanh nghiệp trong nước khi nhập khẩu đã pha trộn lại, tạo thành một sản phẩm mới bán cho nông dân.

Riêng thuốc BVTV thì dấu hiệu nghi ngờ nhất là không bao giờ chú thích đầy đủ thông tin về nguồn gốc sản phẩm ở ngoài chai hoặc bao thuốc". Hầu hết các chủ đại lý đều khẳng định đại lý của mình không bao giờ buôn bán sản phẩm "ngoài luồng" làm mất uy tín với nông dân.

Thành lập tổ kiểm tra

Chiều 6-9, trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Cà Mau cho biết, cơ quan chuyên môn đã thành lập tổ xác minh, làm rõ nội dung theo đơn yêu cầu của người dân. Đồng thời, chi cục xuống cơ sở bán thuốc để tiến hành lấy mẫu theo quy trình, nhằm kiểm tra thành phần và hàm lượng của mẫu thuốc. "Việc lấy mẫu thuốc đảm bảo lấy đúng mẫu theo ngày sản xuất, lô thuốc mà người dân đã mua tại cơ sở bán trước đó để xịt lên lúa. Và thông thường, kết quả kiểm định chất lượng thuốc sẽ có trong thời gian từ 10 - 15 ngày", vị cán bộ này xác nhận.

Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 11 triệu tấn phân bón và hơn 100.000 tấn thuốc BVTV. Hiệp hội phân bón Việt Nam thống kê, mấy năm gần đây tình trạng phân bón giả, kém chất lượng đang hoành hành tràn lan, nhất là ở vùng nông thôn. Trung bình mỗi năm, nông dân tiêu thụ trên 10 triệu tấn phân bón với trên 1.000 cơ sở sản xuất, trong đó có từ 30-50% là phân bón giả, kém chất lượng.

Báo cáo của Cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công thương, bình quân mỗi năm phát hiện, xử lý trên 3.000 vụ phân bón giả kém chất lượng. Hàng năm, cục đã kiểm tra hàng ngàn hộ kinh doanh phân bón thì có hàng trăm hộ vi phạm (khoảng 42%). Kiểm nghiệm hàng ngàn mẫu phân bón thì có hàng trăm mẫu (khoảng 31%) không đạt tiêu chuẩn chất lượng... Trước thực trạng đáng buồn, nông dân và công ty chân chính âm thầm tìm cách xóa gian lận kinh doanh VTNN kém chất lượng.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang