Trở lại pháp trường Long Bình

Thứ Bảy, 21/07/2018 16:45

|

(CAO) Con đường Hoàng Hữu Nam (đoạn qua P.Long Bình, Q9, TP.HCM) dẫn về trường bắn Long Bình, càng đi lại càng heo hút.

Ngày pháp trường lặng tiếng súng, nhiều người đã kỳ vọng về một sự lột xác nơi “vùng đất chết”. Nhưng sau gần 10 năm... mọi thứ vẫn chìm trong hoang lạnh.

Gặp “trùm” bốc mộ

- 6 giờ kém một ngày tháng 3 năm 2000, chiếc xe tù của cảnh sát lao vun vút trên con đường đất đỏ, tiếng còi hú vang vọng, mở đường hướng về trường bắn. Sẽ có thêm tử tù phải trả giá vì tội ác của mình...

- 3 giờ sáng một ngày cuối tháng 5 năm 2003, sau khi đọc xong lệnh thi hành án, 5 cảnh sát mặc đồng phục xếp hàng ngang để tiến hành công việc. Mỗi tử tù bị bắn 5 loạt đạn, mỗi loạt 5 phát và kết thúc bằng phát súng ân huệ của người đội trưởng. Những tiếng đạn khô khốc vang lên xóa tan buổi hừng đông im lặng. Lại một tử tù nữa nằm xuống…

Đó là vài dòng viết chúng tôi đã đọc được trong những trang nhật ký của ông Ba Son. Ở trong những trang giấy ấy, ký ức ám ảnh đã được tái hiện không thể chân thực hơn. Người đàn ông đã ở mảnh đất này mấy chục năm và trước khi trường bắn Long Bình bị giải toả để làm dự án, ông sống bằng nghề… bốc mộ tử tù.

Ông Ba Son có dáng người gầy guộc, nhỏ thó, tóc dài bồng bềnh như một lãng tử nhưng lại là một phần nhân chứng lịch sử của trường bắn này.

Phu bốc mộ Ba Son hồi tưởng lại quá khứ ở pháp trường Long Bình.

Ông tên thật là Lữ Vân Sơn (quê gốc ở Bến Tre). Xuất thân trong một gia đình khá giả, Ba Son có đầy đủ điều kiện ăn học, nhưng ông lại chọn làm thân võ biền. Những năm 1970, khi đã dành toàn bộ thời gian cho nghiệp võ, Ba Son nổi lên như một tên tuổi khắp các võ đường Sài Gòn. Ngày đó, những cú đấm như trời giáng, hay cú ra chân phản đòn chớp nhoáng của ông mỗi khi thượng đài đã trở thành một “thương hiệu”.

“Trùm” phu mộ kể: “Một ngày nọ, tôi đột ngột nhận được lệnh bắt nhập ngũ của chế độ cũ. Vào lính chưa đầy 3 tháng, lợi dụng sơ hở, tôi đánh liều đào ngũ, theo cha bỏ về quê làm lại cuộc đời”. Cho tới ngày đất nước thống nhất, Ba Son một lần nữa gia nhập quân ngũ, nhưng lần này là theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc để vào chiến trường chống lại nạn diệt chủng Khmer đỏ.

Xuất ngũ trở về, ông ngỡ ngàng khi chứng kiến Sài Gòn thay đổi quá nhiều, với đủ thứ tệ nạn xuất hiện, buộc ông phải thích ứng. Không vốn liếng, không bằng cấp, ông bắt đầu lang thang kiếm sống với đủ thứ nghề “trên trời dưới biển”, từ xe ôm, cửu vạn, cho đến mở lớp dạy võ tại gia.

Thế rồi không biết vì đâu mà cuộc đời đưa lối ông đến trường bắn này rồi gắn với nó như cái nghiệp để mưu sinh. Ngày trường bắn còn “vang đều tiếng súng”, ông làm thủ lĩnh một nhóm bốc mộ vốn là những tay giang hồ tứ chiếng, trôi dạt về đây. Khi ấy, người ta gọi Ba Son là một “ông trùm không ngai” ở chốn pháp trường.

Buổi chiều, Mặt trời chìm dần cuối trời Tây, đỏ ửng. Gió trườn mép đá, kéo cong những cành lau. Tiếng côn trùng bắt đầu nỉ non. Biết là chạng vạng. Theo con đường mòn, ông Ba Son dẫn chúng tôi vào pháp trường cũ. Nhưng ở con đường này, chúng tôi cảm nhận rõ sự u tịch.

Trước mắt chúng tôi là một chiếc cổng lưới sắt B40 đã hoen màu, rỉ sét, bị khoá chặt. Một tấm biển cảnh báo “không phận sự, cấm vào” để ngăn người xâm nhập.

Cổng vào pháp trường Long Bình đã được rào chặt tứ phía

Đằng sau cánh cổng ấy, là cả một chuỗi câu chuyện ly kỳ mà chúng tôi đang muốn được đến tận nơi để khám phá. Nhưng không, ánh mắt của cựu phu bốc mộ đã “níu” bước chân chúng tôi dừng lại. “Nơi đây đang chờ làm dự án. Họ chặn rồi. Về thôi, tôi sẽ kể cho các anh nghe những câu chuyện khác” – ông Ba Son hối thúc.

Những “con ma chạy”

Ở pháp trường Long Bình chẳng bao giờ thiếu những câu chuyện ma mị, liêu trai. Chuyện về những “con ma chạy” là một trong số đó. “Ai cũng nghĩ rằng trường bắn là một nơi quạnh quẽ, ghê rợn nhưng hồi đó thì không phải vậy. Đêm nào ở đây cũng có những “bóng ma”, nó chạy qua chạy lại như trẩy hội” – phu bốc mộ bắt đầu câu chuyện.

Ông kể, một đêm trời mây mù, gió thổi lạnh, ở trong pháp trường bỗng dưng có tiếng người nói xì xào, thoang thoảng lại nghe tiếng cười giòn tan. Tò mò, ông Ba Son cầm chiếc đèn pin tiến về phía pháp trường, nơi phát ra những âm thanh lạ đó. Càng đi gần đến nơi, ông lại càng nghe rõ bước chân chạy thình thịch, làm rung những bụi bờ lau sậy.

“Người hay ma?” – phu bốc mộ tự đặt câu hỏi cho mình nhưng chân vẫn cứ đi. Ông bắt đầu tắt đèn pin và rón rén nấp vào một bụi cây lớn để quan sát. Trong màn đêm dày đặc, ông nghe rõ những âm thanh của con người. Nhưng ở chốn cô quạnh, rợn người này, ai lại đến?

Đường dẫn vô pháp trường bị cỏ cây che khuất.

Chẳng phải chờ lâu, một lát sau, nhiều chiếc đèn xông, nến đèn cầy được bật sáng từ phía có âm thanh quái dị. Đi kèm theo đó là những lời khấn vái, lạy lục liên hồi. Âm thanh ấy vang dần, trải dài khắp không gian, phá đi màn đêm im ắng của nghĩa trang.

Họ, không phải là ma quỷ, mà là những người… đi cầu cơ (!). Nhang, đèn, bánh trái cùng những lời hứa hẹn mà người sống đang thông qua một “bài cúng siêu nhiên” để gửi xuống chốn âm ti cho một tử tù.

Dù nhá nhem, nhưng do thông thuộc địa hình của pháp trường này, nên ông Ba Son biết nhóm người đó đang khấn vái mộ của tử tù Phước “tám ngón” để… “xin số đề”. Thấy chuyện trái mắt, phu bốc mộ rọi thẳng chiếc đèn pin vào đám người và hô “công an đến”. Thế là chẳng cần đuổi, mạnh “con ma” nào nấy chạy, cả đám tán loạn trong màn đêm đen.

Kể từ hôm đó, ông Ba Son mới biết đến chuyện con bạc ở khắp nơi, vì nghe những lời đồn không có thật mà tìm đến pháp trường này cầu cơ. Khi có tử tù bị xử bắn và vừa chôn xong, thì chẳng mấy chốc, tuyến đường vào trường bắn bỗng trở thành bãi xe ô tô đậu kéo dài.

Hàng chục người lượt kéo đến các ngôi mộ cúng, vái xin số. Pháp trường tử tù từ chỗ là chốn hoang sơ, chết chóc, vì ba trò mê tín dị đoan mà đêm nào cũng “vui như chợ”, gây phức tạp an ninh trật tự khu vực, khiến lực lượng công an vất vả đẩy đuổi mới dẹp yên.

Giấc mộng hồi sinh

“Thế giờ còn nạn cầu cơ không?” – chúng tôi hỏi. Và phu bốc mộ đáp lại bằng một nụ cười trầm lắng. “Cũng có lai rai, ít lắm! Rào tứ phía rồi, muốn vào cũng khó. Nghe đâu làm dự án gì đó. Mà cả gần chục năm nay có thấy gì đâu” – ông nói, rồi hồi sau dẫn chúng tôi tìm đến một ngôi nhà cao tầng trong khu vực để tiện bề quan sát.

Theo hướng chỉ tay của phu bốc mộ là một dãi đất cây cối um tùm. Trường bắn giờ chỉ là một khu đất hoang phế, rộng hàng chục hecta. Do thiếu bóng người coi ngó, cỏ dại phía trong đã mọc cao hơn cả đầu người. Nơi đây đã không còn những hàng cột xử tử, cũng chẳng thấy một nấm mồ tử tù nào. Địa điểm xử bắn cũ chừng 1.000 mét vuông, nằm lọt thỏm giữa rừng cây già cỗi.

Khu Long Bình trước đây còn được biến đến với tên gọi: trường bắn Thủ Đức. Trước năm 1975, trường bắn nằm dưới một thung lũng hẻo lánh của huyện Thủ Đức xưa. Đất nước hòa bình, thống nhất, nơi đây tiếp tục được sử dụng làm địa điểm thi hành án hình sự cho các phạm nhân bị kết tội tử hình.

Nhiều tay anh chị xã hội đen một thời ngang dọc, khi được chở đến pháp trường, đều “tim đập chân run” trước khi bị thi hành án. Năm Cam, Phước “tám ngón”, những tay giang hồ khét tiếng cũng bị kết thúc số phận tại đây.

Chòi gác của bảo vệ bên ngoài pháp trường bị bỏ hoang

Sát cạnh trường bắn Long Bình ngày nay là một trường tư thục do Pháp đầu tư mang tên Colette - di dời tới đây từ tháng 9 năm 2010. Tuy nhiên, vào thời điểm này, trường bắn thỉnh thoảng vẫn tổ chức thi hành án đối với một số đối tượng tội phạm nên nhiều phụ huynh đã kiến nghị tới cơ quan quản lý địa phương cho nó dừng hoạt động. Sau khi nhà nước có quyết định thi hành án tử hình bằng phương pháp tiêm thuốc độc thì nơi đây được rào kín.

Một ngôi trường khang trang mọc lên cạnh pháp trường năm nào.

Theo quy hoạch, khu đất thuộc trường bắn cũ được giao lại cho một đơn vị đầu tư, tiến hành san lấp mặt bằng để xây dựng. Dự án bắt đầu triển khai từ năm 2013 với kỳ vọng sẽ phát triển cả một vùng đất chết thành tổ hợp đô thị hiện đại.

Ông Ba Son tiết lộ, từ sau ngày giải nghệ, thỉnh thoảng ông vẫn nhận được một số cuộc gọi từ các thân nhân tử tù nhờ hốt cốt nhưng đa phần mồ mả đều đã được di dời sang nghĩa trang khác nên cũng đành bó tay. Khu vực xung quanh trường bắn được chính quyền Q9 cho máy ủi san bằng. Những ngôi mả lạng của tử tù vô danh đã lần lượt được chính quyền địa phương bốc dỡ và chuyển đến một nơi khác.

Sau hơn 5 năm, pháp trường Long Bình vẫn còn nguyên vẹn hình hài vốn có. Còn “khu đô thị sôi động” được nhiều người mơ ước thì vẫn nằm lặng im trên bản vẽ - im lặng như cái cách mà trường bắn đã tồn tại suốt hàng chục năm trời.

Rất nhiều nguyên nhân đã được đánh dấu hỏi để làm rõ vì sao dự án này chậm trễ đến thế. Nhưng lời giải đáp chính xác thì đến nay vẫn chưa được cơ quan chức năng nói ra.

Hài cốt tử tù bên trong pháp trường đã được giải toả để nhường chỗ cho một dự án trong tương lai. Nhưng đến nay, mọi thứ vẫn còn im ắng…

Vùng đất chết sẽ được hồi sinh! Đó không chỉ là tính toán đã được đặt lên bàn giấy của cơ quan hữu trách, mà còn là mơ ước của người dân thành phố. Chính những người như ông Ba Son, dù pháp trường bị giải toả khiến phu bốc mộ này bị mất đi “chén cơm” nhưng mỗi khi nhắc về “vùng đất chết ấy”, đôi mắt của ông luôn ánh lên niềm ước mơ được nhìn thấy nó hồi sinh. “Mong dự án được xây dựng thành công lắm nhưng biết đến bao giờ?” – ông Ba Son đặt một hỏi mà chúng tôi không thể trả lời.

Phía sau những bản án tử hình

Một trong những ám ảnh khắc sâu vào người viết trong chuyến trở lại pháp trường này, như đã đã mở đầu bài viết, là những trang nhật ký của phu bốc mộ Ba Son. Trong số ấy, chúng tôi tìm thấy những câu chuyện nhói lòng giữa sinh và tử. Cuốn nhật ký không những ghi lại hàng ngàn lần hành quyết rợn người ở chốn pháp trường mà còn kể về cuộc sống của các gia đình có người thân bị xử tử tại đây. Đằng sau tiếng súng là cả một câu chuyện thê lương. Chúng tôi xin trích đăng thêm một dòng nhật ký như thế:

- Ngày 5 tháng 1 năm 2006, chị H. (người thân của một tử tù) vừa thắp nhang vừa lầm bầm khấn vái. Nước mắt chị chảy dài: “Từ ngày em bị xử tử, gia đình nhục nhã đến mức không dám ra đường. Giờ chị mới đứng trước mộ em nằm xuống. Mong cho em xuống dưới kia ráng thay đổi để nếu có được làm người thì cũng phải kẻ lương thiện”. Thắp nhang xong, chị lẳng lặng bỏ đi.

Đức Nam (ghi)

Nỗi ám ảnh khôn nguôi

“Tháng 7 âm lịch năm 2009, trước đêm thi hành án một tử tù mà tôi được biết trước. Tôi không sao nhắm mắt để ngủ ngon giấc. Chỉ cần nhắm mắt lại, tiếng la, tiếng súng và cả những khuôn mặt trắng bệt trong những bộ đồ sọc trắng đen lại ám ảnh trong đầu tôi. Lúc đó tôi nghĩ rằng, chắc đến lúc phải tìm đường chuyển nghề. Sau này mới biết mình bị hội chứng “ám thị tự kỷ”. Hầu như những ai đã từng làm phu bốc mộ tại đây đều mắc các chứng ám ảnh thần kinh, nó cứ theo dai dẳng suốt cả phần đời còn lại”.

….

“Hồi còn làm bốc cốt ở pháp trường, đêm trước ngày có tử tù bị bắn, chúng tôi luôn phải thức nguyên đêm để chuẩn bị sẵn. Tử tù sau khi bị kết liễu sẽ được chúng tôi làm các thủ tục khâm liệm rồi an táng ở khu nghĩa địa của pháp trường. Dù ở dương thế họ phạm nhiều tội ác nhưng khi về thế giới bên kia rồi thì xem như họ đã đền tội với đời. Tôi chỉ làm những việc nên làm, xem đó như là cái nghiệp của mình vậy. Có lẽ những năm tháng phu mộ với tôi không bao giờ quên được. Hình ảnh xác tử tù vẫn ám ảnh tôi và anh em đến hiện giờ”.

Đó là 2 trong nhiều đoạn có nội dung tương tự mà phu bốc mộ Ba Son đã kể lại trong chuỗi hồi ức dữ dội của mình…

 Đức Nam (ghi)

Bình luận (0)

Lên đầu trang