Kỳ 1: Ga Đà Lạt - Tuyến đường sắt độc đáo bậc nhất Châu Á

Thứ Năm, 09/02/2017 01:49  | Hoàng Sơn

|

(CAO) Tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm – Đà Lạt từng mệnh danh là con đường huyền thoại của Châu Á; bởi lẽ trên thế giới chỉ có hai tuyến đường sắt răng cưa leo núi là Việt Nam và Thụy Sĩ, nhưng độ dài và cung đường của Việt Nam kỳ vĩ hơn.

Ga Đà Lạt - Ảnh: Tư liệu

Nhà ga cổ độc đáo nhất Việt Nam

Nhà ga Đà Lạt có thiết kế hòa trộn giữa nhà ga Trouville và hình dáng ngọn núi cao bậc nhất vùng Tây Nguyên - Lang Biang

Ga Đà Lạt được nhiều kiến trúc sư trong và ngoài nước nhận định là nhà ga cổ đẹp nhất Đông Dương với phong cách kiến trúc hòa trộn giữa nhà ga Trouville (TP. Deauville, vùng Normandie, miền Bắc nước Pháp) và hình dáng núi Lang Biang (ngọn núi cao bậc nhất vùng Tây Nguyên); phần mái được mô phỏng tựa nhà rông.

Ga Đà Lạt được kiến trúc sư Revéron thiết kế theo hình thức kiến trúc Néo-Normand mang nhiều ảnh hưởng của kiến trúc hiện đại. Sau đó, kiến trúc sư Moncet đã hoàn chỉnh một số chi tiết, giám sát công trình và kỹ sư Porte thiết kế mỹ thuật, thực hiện xây công trình kỹ thuật đường sắt.

Công trình nhà ga chính thức khởi công năm 1932 và hoàn thành năm 1938, nằm trên mặt phẳng có chiều dài 66m, rộng 11,5m và chiều cao đại sảnh 11m; nguyên tắc mặt bằng được thực hiện gần như đối xứng trục vuông góc mặt tiền với một phòng lớn ở giữa và các phòng phụ nhỏ nối dài hai bên.

Bố cục đăng đối thể hiện rõ ở vùng mái ngói đỏ cao vút, phần mái gấp, mái bẻ góc và ô cửa sổ cùng màu với tường xây bằng đá chẻ. Yếu tố mỹ thuật kiến trúc, ý nghĩa của côn trình từ ba chóp mái tiếp nối chạy suốt từ đỉnh xuống bờ mái lối vào sảnh chính cùng dòng chữ nổi ‘DALAT’.

Sảnh chính của ga Đà Lạt

Tất cả chi tiết trang trí đơn giản, hiện đại từ gạch lót sán, ghế chờ cùng dòng chữ quốc ngữ “lý trình hỏa xa”, “cáo thị giờ tàu”,…. Không gian nội thất phòng chờ hành khách được chiếu sáng lung linh từ các ô cửa kính nhiều màu.

Tổng quan nhà ga tạo ánh nhìn liên tưởng đến đỉnh núi nhấp nhô của vùng đất Cao Nguyên và Ga Đà Lạt là điểm nhấn độc đáo duy nhất Việt Nam được xếp hạng di tích lịch sử - kiến trúc quốc gia.

Tuyến đường sắt răng cưa vượt đèo độc đáo thế giới

Những người công nhân thực hiện tuyến đường sắt răng cưa độc đáo nhất nhì thế giới - Ảnh: Tư liệu

Từ nhà ga, tuyến đường sắt răng cưa vượt đèo núi Tháp Chàm – Đà Lạt được mệnh danh là con đường huyền thoại. Quả không sai vì trên thế giới chỉ có hai tuyến đường sắt leo núi là tại Việt Nam và Thụy Sĩ. Tuy nhiên, cung đường của Việt Nam kỳ vĩ hơn Thụy Sĩ bởi độ dốc lớn.

Cụ thể tuyến đường sắt vượt núi của Việt Nam dài 84 km, có đến 43 km là đường ray răng cưa, trong khi tại Thụy Sĩ, đường ray răng cưa chỉ có gần 25 km ở đoạn vượt đèn Furka (dãy Alpes). Con đường này một thời là cầu nối thơ mộng giữa miền biển Nam Trung Bộ với cao nguyên Lâm Viên – Thành phố Đà Lạt.

Tuyến đường sắt độc đáo với 43km là đường răng cưa giúp tàu vượt núi - Ảnh: Tư liệu

Tuyến đường sắt răng cửa Tháp Chàm – Đà Lạt thuộc “chương trình đường sắt xuyên Đông Dương” của Toàn quyền Paul Doumer và tại Việt Nam, đây là cung đường sắt duy nhất lên cao nguyên và tách khỏi trục đường sắt Bắc-Nam.

Tổng kinh phí để thực hiện công trình đường sắt dài 84 km lên đến hơn 200 triệu Franc; tuyến đường được khởi công từ năm 1908 đến 24 năm sau (năm 1932) mới hoàn thành. Để đoàn tàu có thể vượt qua những dãy núi cao, đơn vị thực hiện lúc bấy giờ đã ủy nhiệm Công ty Thầu khoán Á Châu nghiên cứu thi công theo đường sắt hỏa xa răng cửa của Thụy Sĩ.

Đoàn tàu qua cầu đường sắt Đ’ran ‘đẹp như trong tranh’ - Ảnh: Tư liệu

Đoạn Krong Pha – Đà Lạt là nơi thực hiện gian nan nhất với 3 đoạn đường ray răng cưa, tổng chiều dài 16 km để tàu có thể vượt qua độ cao 1.500m so với mực nước biển và độ dốc thường xuyên 12%, đi qua 5 hầm xuyên núi chiều hàng hàng ngàn mét cùng nhiều cầu xe lửa. Chính điều này đã làm tuyến đường sắt trở nên độc đáo xếp hạng thứ hai trên thế giới trong hàng trăm năm lịch sử đường sắt Thế giới.

Tại khu vực hầm đá số 1 bên bờ vực thác nước Xa Kai, có độ dài hơn 100m và chiều cao trên 6m được các công nhân thực hiện thủ công không gia cố của bê tông - cốt thép, nhưng vẫn tồn tại gần một thế kỷ. Phần trên của hầm đá là một nghĩa trang chôn cất hàng trăm người thợ xấu số đã bỏ mạng trong lúc thi công vì thú dữ, sốt rét, tai nạn sập hầm, rơi vực,…

Tuyến đường sắt răng cưa độc đáo nhất nhì thế giới - Ảnh: Tư liệu

Riêng ga Kà Bơ có độ cao hơn 1.200m so với mực nước biển, độ cao khủng khiếp. Trình độ khoa học kỹ thuật, thiết bị khoa học kỹ thuật thời đó còn hạn chế nhưng những công nhân của gần trăm năm trước vẫn có thể xây những bờ kè đá cao hơn chục mét, gác đường ray làm thành tuyến đường răng cửa kỳ lạ giúp tàu vượt núi.

Quá khứ hào hùng là thế, nhưng rồi đến năm 1972, tuyến đường sắt huyền thoại nhưng hoạt động. Năm 1986, Liên hiệp Đường sắt Việt Nam đã cho tháo ray, tà vẹt phục vụ cho việc sửa chữa đường sắt Thống Nhất. Những đoạn đường ray răng cưa giá trị, hiếm hoi được tháo rời; ngay cả cây cầu đường sắt Đ’ran ‘đẹp như trong tranh’ cũng biến mất.

Đầu máy hơi nước duy nhất còn sót lại tại Ga Đà Lạt và nay biến thành nơi để du khách leo trèo chụp ảnh

Câu chuyện về cung đường sắt độc đáo nhất nhì thế giới cũng khép lại khi Đường sắt Việt Nam quyết định bán cho công ty DFB (Thụy Sĩ) 7 đầu máy hơi nước và một số toa tàu hàng nhất với giá 650.000 USD. Và giờ đây, những con tàu này sau khi được tu sửa lại, hằng ngày vẫn bon bon leo đèo vượt dãu Alpes. Trong khi đó, tại Việt Nam, ga Đà Lạt chỉ còn một đầu máy phơi mưa, nắng và nghiễm nhiên trở thành nơi cho du khách leo trèo chụp ảnh kỷ niệm và những toa tàu trở thành quán cà phê.

Hành trình 84km vượt đồi núi của tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt khép lại, thay vào đó là chuyến đi ngắn từ Ga Đà Lạt đến Trại Mát - Ảnh: Tư liệu

Hằng ngày ga Đà Lạt vẫn hoạt động, nhưng không còn đầu kéo hơi nước, không còn là cung đường huyền thoại mà chỉ còn chuyến đi ngắn từ nhà ga Đà Lạt đến Trại Mát bằng đầu máy điện kéo theo những khoang tàu.

(Còn tiếp)

Bình luận (0)

Lên đầu trang