Ai đốn hạ 11 cây gỗ cổ thụ trong rừng phòng hộ Phước Sơn?

Thứ Sáu, 13/11/2020 08:31  | Hoàng Quân

|

(CATP) Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản gửi Sở NN&PTNT, Công an tỉnh Quảng Nam và UBND huyện Phước Sơn xác minh làm rõ, điều tra, xử lý nghiêm vụ phá rừng trái pháp luật xảy ra tại khoảnh 5, tiểu khu 720 (xã Phước Thành, huyện Phước Sơn) do Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Phước Sơn quản lý và tổ chuyên trách cộng đồng thôn 2 (xã Phước Thành) bảo vệ.

Hiện trường vụ phá rừng còn lại tang vật gồm 21,984m3 gỗ tròn và 0,160m3 gỗ xẻ, trong đó có các loại gỗ: vàng kiêng, giẻ đỏ (nhóm V), mít nài (nhóm VI), giẻ trắng, trám trắng (nhóm VII), chò.

Theo Báo cáo số 288 ngày 7-10-2020 của Sở NN&PTNT gửi UBND tỉnh và các Sở, ban ngành về việc phát hiện hiện trường vụ khai thác rừng tại khoảnh 5, tiểu khu 720.

Kết quả: có 11 cây gỗ bị cưa hạ trái pháp luật. Gỗ còn tại hiện trường gồm 21,984m3 gỗ tròn và 0,160m3 gỗ xe, gồm: vàng kiêng, giẻ đỏ (nhóm V), mít nài (nhóm VI), giẻ trắng, trám trắng (nhóm VII), chò.

Gỗ bị hạ bằng cưa máy và đã xẻ ra một số gỗ thành phẩm. Tổ kiểm tra liên ngành không phát hiện đối tượng vi phạm cùng như phương tiện, thiết bị để chặt phá gỗ.

Điều đáng nói, khu vực này có người và lán trại của Công ty TNHH Phước Minh (trụ sở thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn) và có các hoạt động khai thác khoáng sản ở dọc theo khe Tăng.

Từ nhiều năm trước, Công ty Phước Minh được phép mở một con đường dài hơn 10km từ trung tâm xã Phước Thành lên bãi vàng khe Tăng (thuộc thôn 2, xã Phước Thành) và lên bãi Cao (bãi vàng ở khe Nước Mắt, cách cầu Ván 1km, thuộc thôn 1, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn) và bãi Muối (mỏ vàng Muối, thuộc xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My).

“Lúc đó, việc mở đường sâu vào rừng tự nhiên hướng lên phía đầu nguồn, dài khoảng 15km thì nhân dân địa phương đã phản ứng, lo ngại nguy cơ phá rừng tự nhiên rất lớn. Đến nay, xảy ra sạt lở, lũ quét nhiều gây sập nhà cửa, cuốn trôi tài sản, công trình của nhân dân, nhà nước cũng như của doanh nghiệp là rất lớn”, ông Hồ Văn Chiến – Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 2 cho biết.

Ông Hồ Văn Chiến – Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 2, xã Phước Thành xác nhận: Tổ chuyên trách bảo vệ rừng của thôn 2, xã Phước Thành được giao bảo vệ rừng ở tiểu khu 720 nhưng bà con mỗi lần vào không thể tiếp cận được rừng để bảo vệ vì có lán trại, người của doanh nghiệp cản trở.

Ông Chiến cho biết thêm: “Tổ chuyên trách bảo vệ rừng của thôn 2, xã Phước Thành được giao bảo vệ rừng ở tiểu khu 720 nhưng bà con mỗi lần vào không thể tiếp cận được rừng để bảo vệ vì có lán trại, người của doanh nghiệp cản trở. Dân bao đời nay luôn bảo vệ rừng. Dân thì ai vào đó mà khai thác!. Hiện lán trại, cổng bảo vệ của phía Công ty đã được tháo dỡ. Nếu để tổ chuyên trách bảo vệ rừng của cộng đồng thôn 2 vào được thì rừng không thể mất được”.

Ông Hồ Văn Phức – Chủ tịch UBND xã Phước Thành xác nhận: “Xã vẫn chưa nhận được văn bản chính thức về việc xử lý cụ thể về vụ phá rừng trái pháp luật. Được biết, Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn đã khởi tố vụ án về việc và chuyển hồ sơ đến Cơ quan CSĐT Công an huyện Phước Sơn để tiếp tục xử lý theo quy định, tiến hành điều tra làm rõ đối tượng phá rừng. Người dân địa phương chắc chắn không phá rừng vì bà con không đi vào khu vực đó”.

Đoạn đường sạt sở, sau chiếc xe tải là khu nhà lán trại của Công ty TNHH Phước Minh hoạt động tại thôn 2 (xã Phước Thành, huyện Phước Sơn).
Máy xúc, xe tải tại khu vực sạt lở núi tại khu vực nhà kho, nhà lán trại nơi Công ty TNHH Phước Minh hoạt động tại thôn 2 (xã Phước Thành, huyện Phước Sơn).
Khu vực nhà kho, nhà lán trại nơi Công ty TNHH Phước Minh hoạt động bị sạt lở nghiêm trọng.
Sạt lở núi tại khu vực nhà kho, nhà lán trại nơi Công ty TNHH Phước Minh
Kết quả hiện trường: có 11 cây gỗ bị cưa hạ trái pháp luật. Gỗ còn tại hiện trường gồm 21,984m3 gỗ tròn và 0,160m3 gỗ xe, gồm: vàng kiêng, giẻ đỏ (nhóm V), mít nài (nhóm VI), giẻ trắng, trám trắng (nhóm VII), chò...

Bình luận (0)

Lên đầu trang