"Cuộc chiến" với hóa mỹ phẩm giả

Thứ Ba, 10/11/2020 11:30

|

(CATP) Chỉ vì lợi nhuận, nhiều cá nhân, cơ sở vẫn âm thầm sản xuất hóa mỹ phẩm giả để tuồn ra thị trường. Trước một vỏ hộp thương hiệu ngoại, giá cả lại mềm, phái đẹp không ngần ngại bỏ tiền ra mua. Việc sử dụng lâu dài những sản phẩm không rõ nguồn gốc, được làm nhái, làm giả sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng, nghiêm trọng hơn có thể gây ra những biến chứng khó lường về sức khỏe.

CHẠY THEO LỢI NHUẬN

Cách đây vài ngày Đoàn kiểm tra được huy động nhiều lực lượng bất ngờ ập vào nhà kho thành phẩm và xưởng sản xuất hóa phẩm tại con hẻm trên đường Thuận Giao 8 (khu phố Bình Thuận I, phường Thuận Giao, TP. Thuận An, Bình Dương). Tại hiện trường, ngoài chủ doanh nghiệp và hơn chục công nhân, lực lượng chức năng còn phát hiện nhiều tấn hóa chất đang sản xuất, làm giả thương hiệu gần chục hóa phẩm bột giặt, nước tẩy, nước rửa nhà vệ sinh, sữa tắm các loại của Việt Nam và các nước khác. Đây được xem là cơ sở sản xuất hàng nhái, hàng giả lớn nhất được phát hiện tại thành phố này.

Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2020, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 138.374 vụ việc vi phạm buôn lậu và gian lận thương mại (giảm 7,5 % so với cùng kỳ năm 2019), nộp ngân sách hơn 15,6 tỷ đồng (tăng 26,5 % so với cùng kỳ), khởi tố 1.497 vụ (giảm 8,44 % so với cùng kỳ), 1.800 đối tượng (giảm 6 % so với cùng kỳ). Riêng trong quý III-2020, đã có 63.110 vụ việc vi phạm được phát hiện và xử lý.

Nguyễn Văn Năm (SN 1988, quê Thanh Hóa) - chủ cơ sở sản xuất cùng chủ doanh nghiệp Công ty TNHH sản xuất thương mại House White khai nhận: từ tháng 2-2019 đến nay đã thuê công nhân và xưởng tại địa chỉ trên để phục vụ cho việc sản xuất sản phẩm làm giả 8 nhãn hàng. Điều đáng nói, ngoài nước giặt, nước tẩy, nước rửa chén... cơ sở còn làm giả sữa tắm thương hiệu PIGEON (chuyên phục vụ trẻ em). Nguồn gốc để tạo ra sản phẩm đều là hàng trôi nổi. Sau khi cho ra thành phẩm, các sản phẩm đều được dán tem chống giả rồi xuất bán tại các tỉnh, thành phố khắp cả nước.

Mở rộng khám xét kho hàng gần đó, lực lượng liên ngành còn thu giữ một lượng lớn các vỏ chai, thùng carton mang tên các thương hiệu có tiếng và hàng trăm thùng thành phẩm các loại. Được biết, Công ty House White còn tự quảng cáo trên internet các trang thông tin điện tử, là "một trong những đơn vị uy tín chuyên cung cấp các sản phẩm hóa chất, dung dịch tẩy rửa chất lượng, mặt hàng hóa phẩm chuyên nhập khẩu từ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Nhờ vậy, doanh nghiệp có thể thu hàng tỷ đồng từ việc đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ.

Lực lượng QLTT phát hiện nhiều cơ sở sản xuất hóa mỹ phẩm giả, nhái thương hiệu

Trước đó, ngày 8-9-2020, Đội QLTT số 3 thuộc Cục QLTT Hà Giang phối hợp lực lượng Công an địa phương tiến hành kiểm tra 3 cơ sở kinh doanh trên địa bàn xã Kim Ngọc (H.Bắc Quang), phát hiện gần 20.000 sản phẩm gồm các loại kem dưỡng da, kem trị nám, nước xả vải, tẩy lồng giặt, xịt chống nắng, kem chống nắng, kem tắm trắng, bột tắm trắng, kem body dưỡng trắng, serum dưỡng da, kem dưỡng hoàng cung màu xanh, màu tím, thuốc nhuộm tóc, sữa tắm, nước hoa, dầu gội... Chủ các cơ sở đều không xuất trình được thủ tục giấy tờ của số hàng hóa nêu trên. Toàn bộ hàng hóa đều được mua online, bán qua mạng cho người tiêu dùng và phân phối cho các địa phương khác.

Nhắm vào tâm lý của người tiêu dùng và nhu cầu của thị trường, những sản phẩm có liên quan đến làm đẹp luôn được các cá nhân, cơ sở (tự sản xuất bằng việc làm nhái, làm giả thương hiệu hoặc mua bán từ các nguồn hàng trôi nổi) quan tâm nhằm kiếm nguồn lợi kếch xù. Đó chính là lý do trên cả nước liên tục phát hiện nhiều cơ sở sản xuất hóa mỹ phẩm giả để kinh doanh trục lợi.

Cuối tháng 8-2020, Cục Quản lý thị trường TPHCM cũng phát hiện kho hàng lậu với quy mô lớn tại đường Phú Định (Q8), khi một xe container đang chuẩn bị tập kết hàng tại kho. Lực lượng chức năng thu giữ gần 8.000 mặt hàng mỹ phẩm, nước hoa, xà phòng... với tổng trị giá khoảng 2,2 tỷ đồng và đều không có hóa đơn chứng từ mua bán.

LUẬT CHƯA ĐỦ RĂN ĐE (?!)

Chị Nguyễn Ngọc Châu (ngụ Q2) chia sẻ: "Mỗi khi nghe tin phát hiện một cơ sở sản xuất mỹ phẩm giả, tôi khá hoang mang. Rõ ràng họ đã nhắm vào nhu cầu tiêu dùng của người dân để sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng. Việc các cơ sở hoạt động quy mô và chuyên nghiệp cho thấy lượng tiêu thụ là rất lớn, điều này đồng nghĩa với việc người tiêu dùng đang dùng sản phẩm dỏm mỗi ngày. Thật sự nguy hại!".

Nỗi trăn trở của chị Châu cũng là điều đáng lo ngại của người tiêu dùng nói chung và phụ nữ nói riêng. Thực tế, không phải ai cũng đủ điều kiện xài các nhãn hàng mỹ phẩm nổi tiếng vì quá đắt đỏ. Do vậy, khi thấy hàng tốt, giá mềm được rao bán thì nhiều người đổ xô mua về sử dụng. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng hàng hóa mỹ phẩm giả, nhái, trôi nổi có đất sống.

Mỹ phẩm giả bị thu giữ

Nhiều năm qua, cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương rất quyết liệt trong công tác phòng chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng hiệu quả cũng chưa đạt như mong muốn. Bên cạnh việc tăng cường lực lượng ra quân xử lý các hành vi vi phạm thì cũng đã có nhiều nghị định xử phạt được ban hành. Cụ thể, giữa tháng 10-2020, Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Chính phủ ban hành đã chính thức có hiệu lực.

Theo đó, việc buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng sẽ bị phạt tối đa từ 50 - 70 triệu đồng tùy trường hợp. Riêng việc kinh doanh hàng thực phẩm, mỹ phẩm, thức ăn thủy sản, phân bón, thuốc thú y... bị phạt tiền gấp 2 lần các mức tiền phạt quy định đối với hành vi này. Nếu buôn bán mỹ phẩm giả thì người bán có thể bị xử phạt từ 100 đến 140 triệu đồng; đồng thời bị tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 1 - 3 tháng và phải nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm. Riêng việc sản xuất hàng giả là mỹ phẩm sẽ có mức phạt cao hơn, tối đa từ 140 đến 200 triệu đồng...

Dù mức xử phạt tăng gấp đôi so với trước nhưng đã có nhiều quan điểm cho rằng những mặt hàng như: hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... thường được làm giả với số lượng lớn nhằm thu lại lợi nhuận cực khủng thì việc phạt tiền chưa đủ sức răn đe. Hành vi làm giả những mặt hàng này cũng cần phải đưa vào khung xử lý hình sự bởi sự ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng không chỉ là vật chất mà còn gây hại đến sức khỏe và tinh thần (chất độc hại thấm vào người có thể gây trụy tim, ung thư da, mờ mắt...).

Trong khi đó, theo đại diện những người làm công tác QLTT lâu năm tại TPHCM, tình hình buôn bán mỹ phẩm giả đã và đang diễn biến phức tạp trên mặt trận chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái. Nếu phát hiện cũng chỉ là thu giữ hàng hóa rồi xử phạt hành chính, nên không thể giải quyết được tận gốc rễ vấn đề. Để giải quyết bài toán nan giải này, rất cần sự đồng lòng của các ban ngành, phải kiên quyết tìm ra biện pháp đủ sức răn đe đối với những đối tượng kiếm sống bằng hành vi vi phạm pháp luật.

Bình luận (0)

Lên đầu trang