Buôn lậu, kinh doanh dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm giả đang “nóng”

Chủ Nhật, 06/12/2015 14:54  | Đoàn Tuấn

|

(CAO) Tình trạng buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ về dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm ngày càng phức tạp, nhiều thủ đoạn tinh vi hơn, gây nhiều nguy hại.

Đó là đánh giá và thống kê của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia theo kết quả thực hiện công điện Công điện 90/CĐ-BCDD389 ngày 13-7-2015 của Trưởng ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về việc phát động mở đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả là dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm (DP, TPCN, MP) tại hội nghị tổng kết sáng 4-12 tại Hà Nội.

Theo đó, sau ba tháng phát động cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả là DP, TPCN, MP từ ngày 15-7 đến 15-10-2015, cơ quan chức năng đã thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý 3.619 vụ việc vi phạm liên quan đến mặt hàng này. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 21,622 tỷ đồng; trị giá hàng hóa, tang vật tiêu hủy 19,713 tỷ đồng; trị giá hàng hóa, tang vật tịch thu chưa tiêu hủy 14,890 tỷ đồng; khởi tố 4 vụ án hình sự với 5 đối tượng.

Trong đợt phát động trên, Hà Nội đã kiểm tra 799 vụ, xử lý 655 vụ, phạt hành chính 5,14 tỷ đồng. Trị giá hàng hoá thu giữ: 12,23 tỷ đồng. Khởi tố 2 vụ và 3 đối tượng. Các lực lượng chức năng TPHCM đã kiểm tra 511 vụ; phát hiện, xử lý 423 vụ vi phạm (trong đó gồm: 12 vụ buôn lậu; 12 vụ sản xuất và 399 vụ kinh doanh hàng giả). Số tiền thu nộp ngân sách ước đạt 5 tỷ 449 triệu; trị giá hàng tiêu hủy 3 tỷ 746 triệu đồng. 

Ông Nguyễn Văn Cẩn - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia phát biểu tổng kết tại hội nghị- Ảnh: Đoàn Tuấn 

Nổi bật trong đợt này, vào ngày 7-9-2015, Phòng PC46-Công an TP.HCM bắt quả tang đối tượng Dương Minh Tiến (trú tại đường Phạm Hùng, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) sử dụng xe máy vận chuyển 1 thùng carton chứa 144 lọ thủy tinh các viên con nhộng là thực phẩm chức năng không nguồn gốc, nhãn mác. Tiếp tục mở rộng điều tra, Cơ quan Công an đã phát hiện tại nhà Tiến thêm hàng ngàn lọ thủy tinh chứa viên con nhộng mang hiệu Alipas, Lic cũng không có nguồn gốc, xuất xứ và nhãn mác và các nguyên liệu, máy móc, bao bì dùng để sản xuất thực phẩm chức năng giả.

Theo Thượng tá Cao Xuân Lợi, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm Kinh tế - Công an TPHCM, các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng địa hình đường biên kéo dài, tổ chức tập kết hàng hóa tại khu vực giáp ranh, tìm thời cơ vận chuyển lén lút qua các đường mòn, lối mở, qua sông biên giới, tập kết hàng hóa vào nhà dân, chợ biên giới. Sau đó, xé lẻ hàng hóa, tháo rời vỏ bao bì, nhãn mác để vận chuyển, cất giấu trong hành lý, cất giấu trong các hầm, sàn bí mật được gia cố trên xe tải, xe khách,...Thậm chí, trong đường giây buôn lậu thành viên đều là người nhà với nhau hoạt động kín đáo nên việc nắm bắt, theo dõi và triệt phá vô cùng khó khăn. 

Một số lượng lớn dược phẩm, thực phẩm chức năng bị Công an Hà Nội bắt giữ ngày 16-11-2015. - Ảnh: Đoàn Tuấn

Ngoài ra, các đối tượng không sản xuất tập trung với số lượng lớn, không có nhà máy, cơ sở sản xuất tập trung có quy mô, mà nhập nguyên liệu về xé lẻ, chia nhỏ từng công đoạn hoặc sản xuất hàng đến đâu tiêu thụ hết đến đó.

Thậm chí, đối tượng giao hàng thường là quán cà phê, cơ quan, nơi đoạn đường vắng hoặc nhận chở hàng đến điểm người mua nhằm che giấu sự phát hiện của người mua hàng báo cho cơ quan chức năng. 

Thượng tá Cao Xuân Lợi chia sẻ những khó khăn trong hoạt động đấu tranh chống buôn lậu bên lề hội nghị. - Ảnh: Đoàn Tuấn

Bình luận (0)

Lên đầu trang