(CAO) Bộ luật Hình sự (sửa đổi) vừa được thông qua hôm nay 27-11 đã gây chú ý về quy định tại điều 40: không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình.
Quá trình thảo luận, nhiều ý kiến tán thành quy định tại khoản 3 điều 40 dự thảo; có ý kiến đề nghị vẫn áp dụng hình phạt tử hình với người từ đủ 75 tuổi trở lên nếu phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, giết người, tội phạm về ma túy.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ quốc hội (UBTVQH), việc quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử và không thi hành án tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên thể hiện tính nhân đạo, chính sách khoan hồng của Nhà nước ta.
Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo (khoản 2 và khoản 3 Điều 40).
Liên quan đến điểm c, khoản 3, điều 40, trước đó đã có ý kiến đề nghị huỷ bỏ. Nhưng cũng có ý kiến đề nghị xác định cụ thể tình tiết “chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra…”.
Các đại biểu quốc hội nhấn nút biểu quyết - Ảnh: quochoi.vn
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu quốc hội, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý điểm c khoản 3 điều 40 theo hướng không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu “người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.
Trong phiên họp báo chiều cùng ngày, giải thích rõ hơn về quy định này, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền cho biết,
BLHS không có hiệu lực hồi tố. Các vụ án đã xảy ra trước khi bộ luật này có hiệu lực đều không được áp dụng.
Với những vụ án đang trong quá trình chuyển tiếp thì có nghị quyết của QH để giải quyết những vấn đề quá độ.
Cũng theo ông Quyền, việc áp dụng quy định trên sẽ góp phần thu hồi phần tài sản nhà nước bị thất thoát do tham nhũng gây ra. Theo báo cáo hàng năm về công tác phòng chống tham nhũng , chúng ta thường chỉ thu hồi được từ 10 đến 30%, năm nay nhiều nhất là 50% số tiền thất thoát do hành vi tham nhũng gây ra. Trong một thời gian khá dài thì tỷ lệ này rất thấp, chỉ trên dưới 10%.