Cần tiếp tục gỡ nút thắt cho hàng ngàn án ma túy

Thứ Ba, 24/11/2015 10:11  | Thanh Hoà

|

(CATP) Ngày 9-4-2015, Báo Công an TP Hồ Chí Minh có bài viết “Hàng ngàn án ma túy “ách tắc” vì một công văn”, phản ánh tình trạng: do căn cứ vào Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT, Tòa án nhân dân tối cao đã có Công văn 234 yêu cầu: “Khi thu giữ các chất nghi là ma túy hoặc tiền chất dùng vào sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy, tiền chất”.

Từ đó dẫn đến tồn đọng hàng ngàn vụ án ma túy trong cả nước chỉ sau một thời gian ngắn thực hiện, nhất là ở TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.

Theo số liệu thống kê, tại hai địa phương này còn tồn khoảng 1.000 vụ án ma túy do liên quan đến việc giám định hàm lượng chất ma túy.

Thực trạng này đã được một số đại biểu Quốc hội đưa ra nghị trường và ngày 26-6-2015, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 96/2015/QH13 về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự. Ngày 14-11-2015, Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch số 17 đã được lãnh đạo 4 cơ quan nêu trên ký, ban hành.

Theo đó, chỉ bắt buộc phải trưng cầu giám định hàm lượng để xác định trọng lượng chất ma túy trong 4 trường hợp sau: Chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch; Chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng; Xái thuốc phiện; Thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần. Ngoài ra, nếu có căn cứ và xét thấy cần thiết, Tòa án trực tiếp trưng cầu giám định để bảo đảm việc xét xử đúng pháp luật. Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại và trọng lượng chất ma túy, tiền chất thu giữ được.

Hiện nay, do phải tới ngày 30-12-2015, Thông tư số 08 mới có hiệu lực thi hành, nên hiện tại các địa phương

vẫn thực hiện theo Thông tư liên tịch số 17. Đại tá Đàm Thị Lê, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Cao Bằng cho biết, do bên Tòa án vẫn thực hiện theo quy định cũ, nên hiện nhiều vụ án đã xét xử nhưng các bị can vẫn đang khiếu kiện, đòi xử phúc thẩm và xin giảm án. Cũng có nghĩa là, chỉ vì một quy định mà các cơ quan tố tụng đang phải làm việc gấp đôi.

Đại tá Lê đề nghị, trong số 4 trường hợp nêu trên, nếu chỉ quy định phải giám định hàm lượng đối với các chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy; vậy những chất ma túy, tiền chất đem mua bán thì có phải giám định không? Thực tế hiện nay, việc mua bán tiền chất để sản xuất ma túy cũng diễn ra phức tạp và ngày càng nhiều.

Dù rất đồng tình với Thông tư liên tịch số 08, nhưng đại tá Đàm Thị Lê cho rằng, vẫn nên quy định theo Bộ Luật tố tụng hình sự hiện hành là phù hợp nhất. Nghĩa là với những vụ án ma túy lớn, tang vật thu được từ 100 gram trở lên mới phải giám định hàm lượng để định khung khi lượng hình. Còn những vụ án nhỏ lẻ mà vẫn phải giám định hàm lượng, trong khi tang vật không có nhiều thì việc yêu cầu giám định hàm lượng vẫn là bất cập, làm đảo lộn luật hiện hành, gây khó khăn, tốn kém cho cơ quan điều tra. Nhất là những đơn vị ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, mỗi lần giám định lại phải bố trí người, phương tiện cùng đối tượng, tang vật đi vài trăm cây số xuống Viện Khoa học hình sự tại Hà Nội hoặc TP.Hồ Chí Minh.

Còn đại tá Nguyễn Văn Hiệp, Đoàn trưởng Đoàn Đặc nhiệm miền Bắc, Cục phòng chống tội phạm ma túy - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thì cho rằng, kể cả việc chỉ yêu cầu 4 trường hợp bắt buộc phải giám định hàm lượng đi chăng nữa thì cũng là rất hình thức, không cần thiết, tưởng như chặt chẽ lại vẫn lỏng lẻo. Bởi vì, theo đại tá Hiệp, việc yêu cầu cơ quan điều tra khi thu giữ được chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất ma túy phải giám định là không cần thiết. Khi khởi tố một vụ án, cơ quan điều tra căn cứ vào rất nhiều yếu tố, chứ không phải chỉ riêng kết quả giám định xem đó có phải ma túy hay không, hàm lượng bao nhiêu?

Bên cạnh đó, việc quy định chỉ giám định 4 trường hợp như trên cũng rất lỏng lẻo. Bởi vì hiện nay, hầu như không con nghiện nào lại còn dùng xái thuốc phiện, trong khi các loại ma túy mới xuất hiện ngày một nhiều, nếu chỉ quy định “cứng” 4 loại trên thì khi xuất hiện ma túy dạng khí, hay một loại ma túy mới nào đó thì không lẽ lại sửa thông tư? Hay trong trường hợp đối tượng dùng phèn chua để giả làm ma túy tổng hợp dạng “đá” thì có phải giám định không?

Đó là chưa kể việc yêu cầu phải giám định hàm lượng ma túy là cực kỳ khó khăn với các Đồn Biên phòng, vốn cũng được giao một số thẩm quyền điều tra ban đầu theo quy định của pháp luật. Vì vậy, đại tá Hiệp cho rằng, Thông tư liên tịch số 08 dù đã thông thoáng hơn, nhưng vẫn gây khó khăn cho các cơ quan điều tra như Biên phòng, đề nghị vẫn thực hiện theo tinh thần của Bộ Luật tố tụng hình sự hiện hành.

Bình luận (0)

Lên đầu trang